Tuổi trẻ Thái Nguyên và Dấu ấn những công trình thanh niên
13:07 15/02/2017 2298
Thanh niên tình nguyện Web.ĐTN: Những năm qua, tuổi trẻ toàn tỉnh đã triển khai thực hiện hàng trăm công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ làng quê, góc phố cho đến bản làng vùng cao... nơi nào cũng hiện hữu những công trình mang dấu ấn thanh niên đầy ý nghĩa.
Công trình cầu nông thôn Long Giàn, tại xóm Đèo Khế, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương |
Cầu thanh niên nối nhịp bờ vui
Sau nhiều năm tháng mong mỏi, giờ đây, người dân xóm Đèo Khế, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) vui mừng khi con đường chính dẫn đến trung tâm xã được nối liền bằng cây cầu bê tông kiên cố. Theo lời ông Lý Văn Thơ, một người dân ở đây cho biết: Trước kia, để đi đến trung tâm xã và các xóm lân cận, chúng tôi phải dựng những cây cầu tre, gỗ tạm bợ bắc qua lòng sông Long Giàn. Nhưng cứ đến mùa mưa lũ là lại gãy đổ, xóm bị cô lập, trẻ em trong xóm phải nghỉ học, người lớn thì bỏ dở công việc giữa chừng. Ruộng lúa của gia đình tôi chỉ cách có một bờ sông nhưng phải di chuyển đường vòng hơn 5km qua địa phận xã La Hiên (Võ Nhai) mới đến được để cày cấy. Các hộ gia đình nơi đây đa phần đều là hộ nghèo, điều kiện khó khăn nên việc đóng góp để xây dựng một cây cầu kiên cố, vững chắc là điều không thể. Bởi vậy, khi tổ chức Đoàn Thanh niên đứng ra xây dựng cầu, bà con trong xóm rất vui mừng. Nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất để làm cầu, trong đó gia đình tôi hiến trên 400m2.
Được biết, cầu Long Giàn được khởi công xây dựng từ tháng 5-2016, đây là một trong những công trình nằm trong Dự án “Xây dựng 10 cầu nông thôn tỉnh Thái Nguyên” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giao cho Tỉnh đoàn triển khai thực hiện từ năm 2015. Cây cầu có tổng chiều dài 130m, chiều rộng nền đường 5m, chiều rộng mặt đường 3,5m, thiết kế theo yêu cầu đạt chuẩn nông thôn mới với kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Để nhanh chóng có được cây cầu, đoàn viên, thanh niên tại địa phương cũng đã hăng hái đóng góp nhiều ngày công tham gia giải phóng mặt bằng, vận chuyển vật liệu xây dựng... Vì vậy, chỉ sau hơn 3 tháng, cầu Long Giàn đã được đưa vào sử dụng. Đến nay, Dự án đã hoàn thành 9/10 cây cầu. Những cây cầu mới này đã góp phần giúp cuộc sống của nhiều người dân thay đổi. Trẻ em đến trường không còn phải lo lắng mỗi lần đi qua những chiếc cầu tạm bợ, gập ghềnh hay những ngày mưa phải nghỉ học. Còn các gia đình trong xóm cũng thuận tiện hơn với việc vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Những tuyến đường “thắp sáng làng quê”
Gần một năm nay, trên các trục đường liên thôn của xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) luôn bừng sáng ánh điện vào ban đêm. Nhờ vậy, các em học sinh không còn lo sợ mỗi khi đi học về muộn, người dân cũng yên tâm hơn khi phải ra đường vào buổi tối. Tình trạng tai nạn giao thông, an ninh trật tự cũng được cải thiện. Chị Cao Thị Thủy, Bí thư Đoàn xã cho biết: Tháng 12 năm 2015, Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng tuyến đường “thắp sáng làng quê” có chiều dài 5km chạy trên các trục đường chính trong xã. Công trình bao gồm 165 cần, tán che, bóng đèn và 38 cột bê tông trị giá trên 150 triệu đồng. Bà con nhân dân trong xã cũng đóng góp thêm kinh phí để lắp đặt đèn điện vào các ngõ, ngách nhỏ trong xóm (với tổng chiều dài trên 1 km). Lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia đóng góp ngày công đào hố, dựng cọc, kéo dây, mắc bóng điện... Sau 3 tháng, công trình hoàn thành trong niềm vui mừng, phấn khởi của người dân.
Xây dựng tuyến đường “thắp sáng làng quê” đã trở thành một chương trình hành động lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ và tạo dấu ấn rõ nét của tuổi trẻ Thái Nguyên trong những năm qua. Tiếp nối những thành công đó, năm vừa qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tiếp tục lắp đặt hàng trăm tuyến đường với tổng chiều dài trên 70km, trị giá trên 400 triệu đồng. Qua đó góp phần đổi thay cuộc sống ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ấm áp ngôi nhà “khăn quàng đỏ”
Tết Nguyên đán năm nay, em Hoàng Thị Giang, học sinh lớp 6A4, Trường THCS Yên Lãng (Đại Từ) được đón nhận nhiều niềm vui trong ngôi nhà “khăn quàng đỏ” vừa được trao tặng. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Giang sống cùng ông bà nội trong căn nhà tạm bợ. Ông bà cũng đã tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh khó khăn nên không có khả năng sửa chữa. Em luôn thầm ước mơ về một ngôi nhà không còn xiêu vẹo, gió lùa, mưa dột, nắng chiếu. Trước hoàn cảnh của em, tháng 11 năm 2016, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng xây dựng ngôi nhà “khăn quàng đỏ”. Cùng với sự giúp đỡ của người thân, bà con lối xóm và sự tham gia đóng góp công lao động tích cực của thanh niên địa phương, ngôi nhà cấp 4 kiên cố với diện tích trên 60 m2, tổng trị giá trên 100 triệu đồng đã được hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Được biết, từ những đóng góp về ngày công lao động, vật chất của đoàn viên, thanh niên, các đơn vị, nhà hảo tâm và kết quả phong trào “Kế hoạch nhỏ”, tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 26 ngôi nhà “khăn quàng đỏ” với trị giá 1,25 tỷ đồng dành tặng các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 21 công trình cấp tỉnh, 5 công trình cấp huyện, thị, thành. Những ngôi nhà kiên cố, ấm áp nghĩa tình nâng bước trẻ thơ, giúp các em vững tin hơn, tiếp tục hành trình vượt khó.
Có thể nói, những công trình thanh niên dù lớn hay nhỏ cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với cuộc sống cộng đồng.