Tuổi trẻ Hà Nam cùng nông dân thoát nghèo

08:52 06/05/2015     1416

Thanh niên tình nguyện   Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, đoàn viên, thanh niên tỉnh Hà Nam luôn xung kích, tình nguyện, đảm nhận các khâu khó, việc mới mang đậm mầu sắc của thanh niên với mục tiêu hướng mạnh về cơ sở.
Chương trình "Cùng nhà nông thoát nghèo" được ghi nhận là cách làm sáng tạo, hiệu quả của tuổi trẻ Hà Nam trong xây dựng nông thôn mới.

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, đoàn viên, thanh niên tỉnh Hà Nam luôn xung kích, tình nguyện, đảm nhận các khâu khó, việc mới mang đậm mầu sắc của thanh niên với mục tiêu hướng mạnh về cơ sở. Chương trình "Cùng nhà nông thoát nghèo" được ghi nhận là cách làm sáng tạo, hiệu quả của tuổi trẻ Hà Nam trong xây dựng nông thôn mới.
t
Kiểm tra mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Ký ở thôn Đồi Ngang, xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm

"Ba cùng" với hộ nghèo

Ngay từ đầu năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Nam đã tiên phong đảm nhận chương trình thanh niên cấp tỉnh mang tên "Cùng nông dân thoát nghèo". Chương trình bắt đầu triển khai thực hiện điểm tại xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm nhằm hỗ trợ địa phương hoàn thành tiêu chí hộ nghèo để được công nhận xã đạt chuẩn về nông thôn mới (NTM) năm 2014. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ động làm việc với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã Thanh Lưu và ký kết phối hợp thực hiện. Hai bên đã phối hợp để khảo sát 81 hộ nghèo và lựa chọn 18 hộ nghèo tham gia chương trình. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát một số mô hình chăn nuôi đang phát triển, thuận lợi về đầu ra, cán bộ Tỉnh đoàn tư vấn, hướng dẫn các hộ lựa chọn mô hình phù hợp như: chăn nuôi thỏ, lươn không bùn, chim bồ câu Pháp... Để có nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, Tỉnh đoàn Hà Nam phát động chương trình đóng góp, ủng hộ của đoàn viên thanh niên trong tỉnh với tổng số tiền gần 90 triệu đồng. Mỗi hộ dân được hỗ trợ cho vay không lãi số tiền năm triệu đồng làm chuồng trại, mua giống, thức ăn chăn nuôi. Trong quá trình triển khai, Tỉnh đoàn Hà Nam cử tổ công tác, đội thanh niên tình nguyện xuống "ba cùng" (cùng sinh hoạt tại địa phương, cùng làm việc, cùng tháo gỡ khó khăn) với bà con, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kịp thời hỗ trợ xử lý khi vật nuôi có biểu hiện bất thường.

Trong suốt quá trình chăn nuôi, luôn có cán bộ theo dõi, giúp đỡ kỹ thuật và giới thiệu các đơn vị thu mua sản phẩm cho các hộ nghèo. Mô hình nuôi thỏ được áp dụng tại bốn hộ với số lượng giống ban đầu từ tám đến 10 con/hộ. Nhờ được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, đến nay thỏ đang trong thời kỳ sinh sản. Các hộ đều đã bán được 20 đến 30 con thỏ giống, cho lãi năm đến bảy triệu đồng/lứa.

Cách đây chưa lâu, gia đình anh Đỗ Văn Anh, xã Thanh Lưu xuất bán lứa ếch đầu tiên. Không giấu niềm vui khi cầm số tiền bảy triệu 460 nghìn đồng tiền lãi trong tay, anh nhẩm tính: Từ 2.500 con giống với số vốn đầu tư là ba triệu đồng, chỉ sau hơn hai tháng gia đình tôi đã xuất bán được tổng cộng hơn 21 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi gấp hơn hai lần số vốn ban đầu. Có được kết quả như thế này, phải kể đến công sức của cán bộ đoàn đấy. Các anh, các chị nhà cách mấy chục cây số, nhưng chẳng ngại sớm khuya, mưa, nắng, hằng ngày cùng chúng tôi chăm sóc đàn vật nuôi, rồi tìm hiểu khoa học kỹ thuật để hướng dẫn chúng tôi cách thức chăn nuôi. Nhiều khi gia đình chúng tôi bận việc cấy cày, các cán bộ đoàn phải cho ếch ăn, vệ sinh chuồng trại. Khi có sản phẩm rồi, họ lại vất vả liên hệ đầu ra cho các hộ.

Cũng giống như gia đình anh Đỗ Văn Anh, gia đình anh Nguyễn Văn Ký, chị Nguyễn Thị Thùy... nuôi thỏ, nuôi gà, nuôi lợn đều nhận được sự giúp đỡ đầy trách nhiệm, tận tình của các cán bộ Tỉnh đoàn và thu được kết quả tốt. Anh Tạ Văn Ước, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh đoàn Hà Nam cho biết: Khi thực hiện chương trình, chúng tôi đã nhận được sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Cái được lớn nhất của chương trình là góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân, nhất là các hộ nghèo trong lao động sản xuất và chăn nuôi với quyết tâm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Tính đến hết năm 2014, sau một năm "ba cùng" với các hộ nghèo thực hiện mô hình, cũng là thời điểm bình xét các tiêu chí hộ nghèo của địa phương, đáng mừng là trong tổng số 18 hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ từ Tỉnh đoàn đã có 14 hộ đủ điều kiện thoát nghèo, ba hộ lên mức cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Thanh Lưu từ 4,13% xuống còn dưới 3%, đạt tiêu chí hộ nghèo trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Từ tính khả thi trong triển khai thực hiện, chương trình đã được trao giải ba toàn quốc trong cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo của Đoàn tham gia xây dựng NTM" được Trung ương Đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở ghi nhận và đánh giá cao, được Ban Bí thư T.Ư Đoàn chỉ đạo nhân rộng mô hình ra toàn quốc, trở thành chỉ tiêu thi đua công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2015.

Mỗi cơ sở đoàn gắn với một địa chỉ thoát nghèo bền vững

Xác định việc giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong các tiêu chí khó thực hiện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở của Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy đã có những chuyển biến tích cực, song để đạt chuẩn nghèo theo tiêu chí NTM hiện vẫn là bài toán khó đối với nhiều địa phương. Một trong những giải pháp cơ bản để giảm nghèo là làm tăng thu nhập ổn định cho người dân. Cùng việc thực hiện các nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh niên, phát huy những kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2015, Tỉnh đoàn Hà Nam tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh với chỉ tiêu 100 hộ nghèo thuộc 14 xã đã được lựa chọn, trong đó có 18 hộ nghèo do đoàn viên, thanh niên làm chủ hộ. Đồng thời, phát động phong trào "Mỗi cơ sở đoàn gắn với một địa chỉ thoát nghèo bền vững", vận động đoàn viên, thanh niên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Trên cơ sở điều kiện thực tế và mong muốn, nguyện vọng phát triển sản xuất của các hộ nghèo, cán bộ đoàn sẽ tư vấn về mô hình chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ phù hợp. Cùng nguồn vốn hỗ trợ ban đầu là 5 triệu đồng/hộ, Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện đoàn, Thành đoàn và đoàn cơ sở thành lập ban thực hiện chương trình trong đó có sự tham gia của cán bộ ngành nông nghiệp và thú y của địa phương để đồng hành giúp đỡ hộ nghèo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện.

Đồng chí Vũ Tiến Tiệp, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Nam cho biết: Điểm nổi bật của chương trình là đoàn viên thanh niên trực tiếp cùng gia đình thực hiện trong suốt quá trình chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm. Tỉnh đoàn kiên quyết khắc phục tình trạng hình thức, chiếu lệ làm lấy đầu việc. Nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình chính là những hộ nghèo với khát khao vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Anh Trịnh Văn Sơn, thôn Đông Ngoại, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên chia sẻ: Vươn lên thoát nghèo bền vững để có điều kiện lo cho con cái được ăn, được học, cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc là ước nguyện lớn lao của gia đình tôi. Nay được sự giúp công, giúp vốn của các cán bộ đoàn, gia đình tôi sẽ cố gắng hết sức để biến ước mơ thành hiện thực.

Chương trình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức tự vươn lên của nhiều hộ dân, qua đó thể hiện vai trò đồng hành của tổ chức Đoàn cùng nông dân thoát nghèo, góp phần quan trọng chung tay xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ Hà Nam.