Tuổi trẻ An Giang xung kích tình nguyện tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng

08:03 19/04/2012     2662

3 Phong trào   Web.ĐTN: Cháy rừng là một thảm họa gây thiệt hại lớn đối với tính mạng và tài sản của con người, tài nguyên rừng và môi trường sống. Ảnh hưởng của nó không những tác động đến một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực và toàn cầu.
Trong vài thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu với những đợt nóng hạn kéo dài bất thường đã làm cho cháy rừng trở thành thảm họa ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu của Cục kiểm lâm, ở Việt Nam bình quân mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng và diện tích bị thiệt hại là hàng chục nghìn ha.
a
Thanh niên xung kích tham gia tuần tra bảo vệ rừng

Việt Nam hiện có trên 11,8 triệu ha rừng (độ che phủ tương ứng là 35,8%), với 9,8 triệu ha rừng tự nhiên và 2 triệu ha rừng trồng. Trong những năm gần đây, diện tích rừng tăng lên, nhưng chất lượng rừng lại có chiều hướng suy giảm, rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 7%, trong khi rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm gần 70% diện tích rừng của cả nước, đây là loại rừng rất dễ xảy ra cháy. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm: rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng đặc sản… Cùng với diện tích rừng dễ xảy ra cháy tăng thêm hàng năm, thì tình hình diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường ở nước ta đang là nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng.

Riêng An Giang có 13.653 ha rừng, trong đó: diện tích rừng tự nhiên là 778 ha, rừng trồng là 12.875 ha. Theo điều tra của ngành Kiểm lâm, tài nguyên rừng An Giang rất phong phú với 815 loài thực vật rừng bậc cao nằm trong 84 bộ, 145 họ chính và 02 họ phụ, 501 chi thuộc 05 ngành thực vật khác nhau; hệ động vật rừng tràm phong phú và đa dạng như le nâu, vịt trời, bồng chanh, yến cọ, cuốc ngực trắng, diều trắng, điên điển, cóc đen, cò trắng, diệc xám, nhạn,…; hệ động vật tự nhiên vùng đồi núi có khỉ, nai, cáo, chồn, cheo cheo, hoẵng, heo rừng,…; chim sẻ, chào mào, chích chòe, chim sậu, sáo,…; kỳ đà, tắc kè, thằn lằn bóng, rắn lửa, rắn trung, rắn hổ, nhái, ếch, rùa núi,…

Diện tích rừng ở An Giang gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân, dân và có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái ở An Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Dự báo mùa khô năm 2012 sẽ xảy ra khô hạn nặng, đặc biệt là thời tiết đã xuất hiện không khí hanh khô. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh đang ở cấp cháy V, tức là cấp cháy cực kỳ nguy hiểm, khi xảy ra cháy sẽ lây lan rất nhanh, tạo thành những đám cháy lớn, sẽ gây thiệt hại nhiều mặt. Mặt khác, lượng khách hành hương, du lịch viếng núi ngày càng đông hơn và kéo dài; vào mùa khô chim, cá thường tập trung tại các khu rừng tràm nên xuất hiện tình trạng dân sử dụng lửa xâm nhập vào rừng bắt ong, chim, cá…; diện tích rừng trồng của tỉnh đa số tập trung trên các núi cao, trong khi nguồn nước tại đây rất hạn chế… Vì vậy, khả năng cháy rừng là rất lớn và có thể cháy trên diện rộng.

Ngay từ đầu mùa khô, Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh An Giang đã xây dựng và triển khai xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2012 trên địa bàn. Ngành Kiểm lâm đã bố trí các phương tiện, dụng cụ tại 73 chốt bảo vệ (trong đó đồi núi 53 và đồng bằng 20); số điểm bố trí dụng cụ là 267 điểm (trong đó đồi núi 245 và đồng bằng 22); máy chữa cháy 132 máy (trong đó máy chữa cháy đồi núi 59 máy, máy chữa cháy đồng bằng 73 máy); can nhựa chứa nước: 4.674 cái; phương tiện chuyển quân là 07 xe.

Xuất phát từ thực tế trên, với mục đích chung tay cùng các cấp, các ngành chức năng địa phương trong công tác phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ trong tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, chống chặt phá rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, ĐVTN và nhân dân về việc phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, nhất là tại những khu vực dân cư trong các vùng đệm rừng.

Cụ thể, các cấp bộ Đoàn phối hợp với ngành Kiểm lâm địa phương tuyên truyền giáo dục liên tục và sâu rộng đến cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thông báo và cảnh báo cấp cháy rừng; dán các áp- phích, pa- nô, lắp đặt các bảng cấm lửa… xung quanh rừng - nơi có nhiều người thường xuyên qua lại và phát thanh lưu động; tuyên truyền thường xuyên, liên tục và đưa tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Đoàn để cộng đồng dân cư tại chỗ và nhất là khách từ nơi khác đến có thông tin cùng tham gia phòng cháy tốt; vận động ĐVTN và quần chúng nhân dân chủ động phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời các hành vi phá rừng làm rẫy, mang lửa, chất nổ và chất dễ cháy vào rừng và các hành vi khai thác rừng trái phép. Đặc biệt, cần xác định 6.768 héc-ta/12.708 héc-ta là các vùng trọng điểm cháy rừng để tập trung phương tiện, dụng cụ, lực lượng tập trung cho khu vực này. Các trọng điểm cháy được xác định như: Rừng tràm Trà Sư, núi Phú Cường; cụm núi Đất, núi Dài, Lâm trường Tỉnh đội…

Trọng tâm nhất là các cơ sở Đoàn ở ba huyện có diện tích rừng là Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên tăng cường phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự địa phương, các đơn vị Quân sự đóng quân trên địa bàn, lực lượng Kiểm lâm, Công an tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện Kế hoạch hiệp đồng phòng cháy rừng với mục tiêu là “Hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại rừng trên vùng đồi núi; đối với rừng đồng bằng hạn chế tối đa mức thiệt hại khi xảy ra cháy. Nếu có cháy sẽ huy động mọi nguồn lực để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại rừng”. Cần xác định phương châm hành động là: Tiếp tục thực hiện công tác phòng là chính; chữa cháy kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Đồng thời, tổ chức củng cố 46 Đội thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng ở 46 xã, thị trấn tại 3 huyện miền núi trọng điểm làm nòng cốt phối hợp với cơ quan chức năng trong việc tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, bảo đảm thông tin liên lạc, triển khai phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chuyên môn ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng nhằm phát hiện kịp thời, huy động lực lượng bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống của con người. Ngoài ra, phối hợp cùng ngành Kiểm lâm tăng cường các biện pháp kỹ thuật như: phát dọn băng trắng chống cháy lan 15 héc-ta, với chiều dài 7,5km; đốt vùng đệm giáp ranh với rừng 8 héc-ta, chiều dài 5,5km; thực hiện phát cỏ chăm sóc và thu dọn cỏ xung quanh diện tích các lô rừng trên núi, diện tích rừng đồng bằng thực hiện bơm, giữ nước, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.