TP.HCM: Ngày cuối tuần “Một thoáng Việt Nam”

10:58 06/04/2013     2185

3 Phong trào   6g sáng, Lê Thị Bích Huệ (sinh viên Đại học Huflit) bắt ba chuyến xe buýt từ Q.10 (TP.HCM) xuống huyện Củ Chi để tham gia hoạt động tình nguyện tại làng nghề truyền thống Một thoáng VN (xã An Phú, H.Củ Chi).
a
Gồng hết sức kéo xe tre đi, làm việc như một nhà nông thực thụ
Giống như Huệ, mỗi cuối tuần có gần 60 bạn trẻ khác cũng đến đây.

Tất cả đến nơi đã hơn 10 giờ. Ai nấy lập tức bắt tay vào công việc. Các bạn nữ chia nhau lột mít, chặt cành tre, lau dọn các chòi trong khu. Các bạn nam đi vận chuyển tre đến điểm sản xuất than hoạt tính, chở đá, chở phân bón, phụ giúp tại khu trồng cây và xây hồ nước...

Chỉ tiêu của nhóm lột mít là phải làm xong bảy quả mít trong ngày. Còn nhóm các bạn nam vận chuyển tre đến khu làm than đang hì hục chất gần trăm thân tre dài lên xe đẩy. Mồ hôi nhễ nhại, Trần Nguyễn Thái Minh Tuấn (sinh viên Trường đại học Bách khoa) thở dốc: “Mệt ghê luôn!”. Nhưng ai cũng vui.

Bạn Tống Thị An (Q.1), đã tham gia chương trình hai lần, chia sẻ: “Hôm tập làm nông cầm cuốc phồng dộp cả tay. Hóa ra làm nên hạt gạo lại mất nhiều công sức như vậy”. Còn với Bích Huệ thì “trước giờ nghĩ những khó khăn trong việc học tập của mình là vất vả, giờ mới hiểu vất vả thật sự là khi phải bắt tay vào lao động, tạo ra giá trị cụ thể cho cuộc sống. Thế mới biết cái khó mà lâu nay mình hay than thở chỉ là chuyện nhỏ!”.

Khu làng nghề rộng gần 20ha, có 12 khu với các nghề truyền thống như làm gốm, làm giấy dó, làm nông, điêu khắc... Ở đây cũng có những tiểu cảnh đời sống Nam bộ, Bắc bộ, Tây nguyên...

Anh Phan Khắc Huy, giám đốc Công ty Cội Việt - đơn vị tổ chức chương trình, chia sẻ: “Chương trình nhằm đưa các bạn trẻ đến một hoạt động tình nguyện thiết thực nhất, hiểu được giá trị sức lao động thông qua chính những trải nghiệm bằng giọt mồ hôi của mình”. Theo anh Huy, đây cũng là chương trình giúp các bạn trẻ hiểu hơn về văn hóa VN.

Phạm Hoàng Yến (Q.6) ngỡ ngàng thấm thía: “Đến đây mới biết nhiều điều. Chẳng hạn mình biết nhà xây có bậu cửa (ngạch cửa) là để khi khách bước vào nhón chân bước qua, như động tác chào gia chủ, mới hiểu ra con người Việt bình dị mà tinh tế quá chừng trong từng cách ăn, cách ở”.

Bạn Võ Thanh Bình (sinh viên Đại học Y dược) sau khi đi vài chuyến còn giới thiệu cho bạn của mình tham gia chương trình. “Đến làng nghề không chỉ để hiểu công việc làm nông cực như thế nào mà còn hiểu những phong tục tập quán của dân tộc, của từng vùng miền, hiểu đời sống và tâm hồn người Việt qua những điều tận mắt trông thấy từ cái cột đến cái cày, cách ăn ở, cách làm việc... Đến để cảm nhận rõ ràng hơn tinh thần ngàn đời của người nước Nam”, Bình nói. Còn Tống Thị An đúc kết: “Thấy được giá trị của sức lao động, lại hiểu thêm về truyền thống cha ông, tự nhiên thấy mình cần phải sống xứng đáng hơn chứ không phải chỉ tồn tại với vòng tròn ăn, ngủ và làm việc máy móc như trước nữa”.

Mỗi chuyến tình nguyện là hai ngày. Từng thành viên sau khi kết thúc hoạt động tình nguyện dường như cũng thấm thía lời cô Trần Thị Tuyết Nga, chủ nhiệm làng nghề: “Hãy ăn như người VN, đi đứng và nói năng như người VN. Nhưng hãy học những tiến bộ, văn minh của thế giới để xây dựng, phát triển đất nước. Mong các bạn sau khi trải nghiệm biết sống vui hơn, khỏe hơn, biết nghĩ lớn hơn khi hiểu mình hiện đang là người phải gánh vác cả đất nước của cha ông để lại”.