Tới đình làng luyện đại học đêm
10:08 15/04/2014 1423
3 Phong trào Web.ĐTN - Đình làng và nhà văn hóa thôn Lại Đà (Hà Nội) từ đầu tháng 6 đến nay tối nào cũng sáng đèn đến khuya để phục vụ cho các sĩ tử cuối cấp ôn thi vào cấp III và đại học. Lớp mở miễn phí và người dạy cũng là các anh chị của các em đã hoặc sắp tốt nghiệp ĐH.
Ngay cạnh đó, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà là lớp luyện thi dành cho các học sinh lớp 12 chuẩn bị thi ĐH-CĐ. |
Thôn Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh) nằm cách trung tâm Hà Nội gần 30km. Mỗi mùa thi, học sinh muốn ôn thi lại lóc cóc ra thành phố thuê nhà, tìm “lò” luyện thi.
Trước thực trạng đó, “ấp ủ mãi” rồi Nguyễn Tiến Phương (vừa Tốt nghiệp CĐ Kinh tế kĩ thuật Công nghiệp) và nhóm bạn trong thôn cũng quyết định ngồi với nhau bàn chuyện mở lớp dạy miễn phí cho các em lớp 9, lớp 12 chuẩn bị thi vào cấp III và ĐH-CĐ.
Sau 3 ngày vận động, đã có 25 “thầy cô” chủ yếu là sinh viên các trường ĐH-CĐ nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đứng lớp do Phương chủ trì.
Trưởng nhóm Nguyễn Tiến Phương cũng như 24 bạn khác trong nhóm đều là những thầy cô tâm huyết với các em học sinh. |
Tất cả được lựa chọn trên tiêu chí thành tích học tập tốt và quan trọng là có khả năng sư phạm. Bản thân trưởng nhóm Tiến Phương đã có 8 năm kinh nghiệm làm gia sư.
Ngoài ra, trong nhóm còn có bạn Nguyễn Phú Huy (sinh năm 1986, đã tốt nghiệp) thủ khoa đầu vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2004.
Các “thầy cô” khác điểm thi cũng cập kề thủ khoa, á khoa đầu vào các năm.
Ý tưởng thành lập lớp học “cấp tốc” nhanh chóng được lãnh đạo thôn, xã hưởng ứng.
Ông Nguyễn Phú Hoành- Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà cười tươi cho biết: “Có lớp học này về hè, học sinh đỡ vất vả ôn luyện, trật tự trị an trong làng xóm cũng tốt hơn. Lãnh đạo địa phương, hội khuyến học và các nhà hảo tâm luôn sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ các cháu tối đa về tinh thần lẫn vật chất”.
Đình làng trước để các cụ sinh hoạt, thể dục nay được dành cho các em lớp 9 học.
Nhà văn hóa của thôn là không gian dành cho các anh chị lớp 12 ôn thi ĐH-CĐ.
Một tuần hai lớp học 4 buổi. Thôn, xã luôn cắt cử người trông nom xe cộ, giữ gìn trật tự quanh khu vực hai lớp học.
Hết vận động thôn xóm rồi đến chuyện phải làm sao để phụ huynh tin tưởng giao con em cho nhóm kèm cặp.
Lê Văn Trịnh (sinh năm 1987, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội) tâm sự: “Vì là năm đầu nhóm triển khai việc này nên nhiều phụ huynh cũng phân vân, không biết con ra lớp học hay để chơi.
Các cô, các bạn cũng “giám sát” thường xuyên việc học hành của con em. Được 1 - 2 tuần thì mọi người tin tưởng gửi các em tới lớp học nhiều hơn”.
Trong 4 buổi dạy học của nhóm bạn, thôn, xã luôn cắt cử người ra trông nom xe cộ, đảm bảo an ninh quanh khu vực học tập của các cháu. Thật đặc biệt khi hôm nay người “gác cổng” là bác Trạch, Công an viên, bố của nhóm trưởng Tiến Phương. Cũng như mọi người bác hoàn toàn ủng hộ việc làm ý nghĩa này của cậu con trai và nhóm bạn. |
Thức đêm cùng trò
20h tối, ngoài sân đình và nhà văn hóa thôn không gian trở nên im ắng. Học sinh ở hai lớp đã vào ngồi ngay ngắn, chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Hiện số học lớp 9 là 22 em và lớp 12 có 18 em (ở các khối thi A, B, D).
Danh sách giáo viên đứng lớp và giáo án từng môn được nhóm lập chi tiết, phân công cụ thể tới từng người.
Mỗi buổi học có 4 “thầy cô” đứng lớp. Trong vòng 2 tiếng, các em cũng được phát đề, bài tập kiểm tra, thi thử với mức độ khó dễ khác nhau. Các đề thi được tuyển chọn từ bộ đề nhiều năm.
“Qua một vài buổi học mình sẽ đánh giá được lực học của từng em để có hướng giúp đỡ ôn tập cụ thể” – Tiến Phương cho biết.
Với “cô giáo” Phạm Thị Cúc (SV năm cuối, khoa Tiếng Anh, ĐHSP II) thì đây cũng cơ hội để mình củng cố kiến thức và nâng cao khả năng sư phạm đã được học..
“Việc học dưới sự kèm cặp của các anh chị giúp đỡ chúng em rất nhiều” – Ngô Hồng Nhung, lớp 12A14, Trường THPT Cổ Loa chia sẻ.
“Không chỉ nhiệt tình, vui tính các anh chị còn truyền đạt những kinh nghiệm đi thi quý báu để chúng em tự tin hơn trước ngày “vượt vũ môn” sắp tới”.
“Kiến thức bọn em được dạy, học tại đây khá sát với thực tế vì các anh chị cũng mới trải qua thời gian đó” – Vương Thị Oanh, lớp 12A5, Trường THPT Cổ Loa bổ sung.
“Các anh chị không gây áp lực mà từng bước tìm, chia sẻ, lắng nghe các em nói về những khó khăn, điểm yếu của mình để giúp đỡ. Bất kể ngày hay đêm nếu có thắc mắc bọn em đều được các anh chị nhiệt tình giảng giải”.
“Mong muốn lớn nhất của nhóm là từ lớp học “cấp tốc” này sẽ truyền “lửa” học tập cho mọi người trong thôn để các thế hệ các em sau khi đã đỗ đạt rồi sẽ tự mình đứng ra duy trì, phát triển lớp học ở quy mô lớn hơn” – Nhóm phó Lê Văn Trịnh bộc bạch: “Hiện nhóm mình cũng đã lên kế hoạch giao lưu với các làng bên để phong trào thi đua học tập ở địa phương ngày một sôi nổi, thiết thực hơn”.
Tweet