Tình nguyện sẻ chia với các em
15:41 13/06/2011 2111
3 Phong trào Web.ĐTN: Sống, học tập trong môi trường hiện đại nên giới trẻ bây giờ được đánh giá là năng động, nhạy bén, song điều đáng quý hơn là nhiều bạn trẻ rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội bằng tấm lòng đồng cảm trước những phận người kém may mắn.
Web.ĐTN: Sống, học tập trong môi trường hiện đại nên giới trẻ bây giờ được đánh giá là năng động, nhạy bén, song điều đáng quý hơn là nhiều bạn trẻ rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội bằng tấm lòng đồng cảm trước những phận người kém may mắn.Từ những tấm lòng yêu trẻ
Lớp học tình thương ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tập trung các học sinh là những trường hợp cá biệt như kém trí nhớ, có em phải nghỉ ở nhà để đi làm, thậm chí có em do bỏ nhà đi bụi, bị bắt phải vào trường giáo dưỡng… và giờ đây, các em trở lại lớp trong tình trạng “không” kiến thức. Để đưa các em vào nền nếp là việc làm khó, nhưng với 26 thầy cô giáo trẻ tình nguyện đến từ các trường đại học, THPT ở Quy Nhơn, lớp học đã dần ổn định.
Các thầy cô trẻ ấy không chỉ giảng dạy mà còn bớt cả túi tiền eo hẹp của mình để mua bút thước, sách vở cho các em học.
Sinh viên Ngô Nguyên Long (lớp K30, khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Quy Nhơn), tâm sự: “Hầu hết các em ở đây đều phải bươn chải kiếm sống nên rất nghịch ngợm, khả năng tiếp thu bài vở chậm. Vì vậy, việc dạy học đòi hỏi kiên trì và phải có lòng yêu trẻ. Trong quá trình dạy học, mình mới biết mỗi em là cả một tuổi thơ đầy nỗi niềm. Nhiều em không cha mẹ, sống lủi thủi với ông bà, trông rất thương”.
Có lẽ, tấm lòng yêu trẻ của Long cũng như các thành viên khác trong nhóm tình nguyện đã phần nào giúp xóa đi mặc cảm trong các em, “nâng dậy” những tuổi thơ bất hạnh.
Lương thấp, thu nhập không ổn định nên đời sống của giáo viên mầm non ngoài công lập ở nông thôn còn khó khăn. Vậy mà, sau khi ra trường, Phan Huỳnh Phương Thoa (sinh 1989, ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân,tỉnh Bình Định) tình nguyện xin vào dạy lớp mẫu giáo ghép ở xã Bok Tới (huyện Hoài Ân).
Trường mẫu giáo ở xã vùng cao này có 11 cô giáo, chỉ có Thoa là người Kinh duy nhất. Được hỏi lý do, Thoa cười: “Thời sinh viên, mình từng đi tình nguyện ở Bok Tới. Dù không hiểu được tiếng dân tộc nhưng sau một tháng “cùng ăn, cùng ở” với đồng bào, dạy học cho thiếu nhi, mình thấy trân trọng những tấm lòng của người dân nơi đây. Khi ra trường, mình xin về đây dạy học để giúp các em học tốt hơn”.
Cô giáo trẻ Phan Huỳnh Phương Thoa tình nguyện ở lại vùng cao công tác chăm sóc các em nhỏ
Những bài học từ cuộc sống
Không đợi đến khi ra trường, ngay từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, nhiều sinh viên cũng đã có những việc làm hết sức ý nghĩa. CLB Công tác xã hội của Khoa Tâm lý giáo dục - Công tác xã hội, Trường Đại học Quy Nhơn, thường xuyên tổ chức cho sinh viên trong và ngoài khoa đến với các số phận bất hạnh. Nhóm bạn ở lớp Việt Nam học 1, Trường Cao đẳng Bình Định, hàng tháng vẫn tổ chức quyên góp để mua quà đến thăm và sinh hoạt với các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm (TP. Quy Nhơn)… Nhiều bạn không khỏi xúc động khi chứng kiến những em bé mồ côi, có bé mới chỉ vài tháng tuổi, đã phải rời xa cha mẹ, có em bị nhiễm HIV từ trong bụng mẹ.
Sinh viên Lê Phương Thảo, Lớp Kế toán 2A, Khoa Kế toán -Tài chính, Trường Cao đẳng Bình Định, là một trong 10 sinh viên “5 tốt” tiêu biểu của tỉnh, tâm sự: “Qua những chuyến đi tình nguyện Hè, hiến máu nhân đạo hay tham gia các hoạt động xã hội, tôi thấy mình “nhận” được nhiều hơn là “cho”. Tôi “nhận” ra giá trị của cuộc sống là biết đồng cảm và sẻ chia, biết trân trọng những gì mình đang có và biết cống hiến vì cộng đồng…”. Suy nghĩ đó có lẽ không chỉ của riêng Thảo mà còn là của nhiều bạn trẻ khác.
Một mùa hè nữa lại đến, các bạn trẻ đang náo nức chuẩn bị mang sức trẻ của mình đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa trong các chiến dịch tình nguyện Hè. Ở đó, họ làm đường, đào mương, tham gia công tác xã hội hay cùng lội ruộng với người dân, thức đêm dạy học cho các em thiếu nhi... và từ đó, họ tự mình tìm ra những bài học từ cuộc sống.