Tình nguyện ở vùng sâu

10:41 08/08/2012     1973

Thanh niên tình nguyện   “Mong muốn của tui là sau này con mình cũng làm tình nguyện giống sinh viên vậy đó”. Một người dân An Giang đã nói khi hỏi về các sinh viên (SV) tình nguyện Mùa hè xanh về đây.

Tại xã Bình Thạnh, một xã khó khăn của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang 20 SV Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đang đào đoạn rãnh cuối cùng để đặt ống nước chính. Đây là công trình đặt ống dẫn nước sạch dài hơn 1 cây số của SV đem đến cho bà con ấp. Chị Thanh Tuyền, một thanh niên địa phương, nói: “Vì kinh phí hạn hẹp, nên đường ống chính của huyện chỉ kéo đến được trung tâm xã. Còn khu vực này bà con vẫn phải dùng nước sông và nước giếng. Nhờ SV về hỗ trợ, nên chỉ trong năm ngày, đường ống đã sắp xong. Phần còn lại là Xí nghiệp điện nước của huyện sẽ tặng đồng hồ và đường ống vào nhà. Vậy là bà con sẽ sớm có nước sạch dùng, không phải sử dụng nước sông hay giếng để nấu ăn như trước kia”.

Tình nguyện ở vùng sâu

 Các SV tình nguyện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đan những vỉ sắt để làm đường bê tông

Cũng trên cồn đảo nhỏ này, tôi gặp lại chàng SV Dương Trí Thức của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, vừa được Hội SV TP.HCM trao bằng khen cho hành động dũng cảm. Hôm 24.7, trong lúc đang sửa hệ thống loa phát thanh trên cột điện tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Thức nhìn thấy nhóm trẻ con đang chơi bên dưới. Chẳng may, một đứa bé bị ngã xuống kênh. Lập tức, chàng trai cao 1,8 m chẳng màng nguy hiểm, lao thẳng từ độ cao 3 m xuống đất và nhảy ra kênh cứu cháu Nguyễn Thị Bích Vân mới 3 tuổi, con gái một gia đình tại địa phương.

Có mặt ở huyện biên giới Tịnh Biên, nơi đây, các em thiếu nhi còn vất vả ở nhà phụ cha mẹ, nhiều em phải đi làm thuê, mò cua bắt ốc, anh Nguyễn Văn Dương (Bí thư Huyện đoàn Tịnh Biên) cho biết khi đưa tôi đến nhà một gia đình ở xã Vĩnh Trung để gặp các SV Trường ĐH Hùng Vương. SV Huỳnh Ngọc Huyền (quê Cà Mau) tâm sự, cái khó nhất là nhiều em

Kh’mer không rành tiếng Việt, nên việc dạy học cho các em rất khó khăn. Ở đây, ngoài việc ôn tập hè cho các học sinh tiểu học, các SV còn phổ cập vi tính cho các học sinh THCS. Chị Hồ Phương Thẩm, Bí thư Xã đoàn, nói: “Đa số đồng bào Kh’mer nơi đây ít được tiếp cận với vi tính. Ở xã chỉ có 20 máy, trong đó vài chiếc hư, vài chiếc không vào được mạng, nên các em phải “học chay” và chia giờ học với 30 em/lớp”.