Thừa Thiên Huế: Thanh niên lan toả ý thức sống xanh
10:30 26/06/2021 1094
Thanh niên tình nguyện ĐTN: Qua 6 tháng triển khai tại thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” do Tỉnh đoàn chủ trì thực hiện, góp phần thay đổi nhận thức của người dân bằng những hoạt động thiết thực, trực quan.
Lan tỏa ý thức sống xanh
Từ cuối năm 2020, hai Câu lạc bộ (CLB) Sống xanh vì cộng đồng tại xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An được thành lập trong khuôn khổ Dự án đã thu hút 100 đoàn viên, thanh niên tại địa phương tham gia.
Các thành viên CLB là lực lượng nòng cốt, được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền; qua đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tiếp cận với đông đảo các đối tượng đoàn viên thanh niên và Nhân dân trên địa bàn, từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, ý thức sống xanh, hạn chế rác thải nhựa, đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời, tích cực tham gia thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, xây dựng Thừa Thiên Huế Xanh - Sạch – Sáng.
Bạn Huỳnh Thị Hằng Ni (Chi đoàn thôn Xuân An, xã Phú Thuận) cho biết, đối với những người con vùng biển, kiến thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là phân loại rác thải vô cùng hữu ích, giúp mọi người cải thiện môi trường sinh hoạt, bảo vệ nguồn sinh kế bền vững từ đại dương mang lại.
“Với phương châm mỗi thành viên CLB là một tuyên truyền viên, bản thân em và nhiều bạn khác đều nỗ lực lan tỏa những kiến thức tiếp thu được đến gia đình, người thân và bạn bè xung quanh. Qua đó, góp một phần sức nhỏ chung tay bảo vệ môi trường”, Hằng Ni chia sẻ.
Sau 6 tháng hoạt động, CLB Sống xanh vì cộng đồng đã triển khai nhiều hoạt động hướng về cộng đồng như: phát tờ rơi tuyên truyền phân loại rác, ra quân hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”, thu gom rác thải nhựa tại khu vực bờ biển…
Anh Lê Văn Phong, Bí thư Đoàn xã Phú Thuận thông tin, ngoài hoạt động của CLB, đơn vị còn phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai mô hình “Thôn không rác” tại thôn Trung An với 240 thùng rác phân loại tại hộ gia đình và triển khai tập huấn cách sử dụng.
CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” cũng được thành lập với 15 thành viên, cam kết không xả thải xuống biển trong quá trình ra khơi và tình nguyện vớt rác trôi nổi.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận đánh giá, DA góp phần giúp người dân địa phương thay đổi nhận thức, có cái nhìn tích cực hơn với việc phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa. Sau khi kết thúc DA, UBND xã sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để xây dựng kế hoạch tiếp tục duy trì các hoạt động, tập trung nhân rộng các mô hình phân loại rác; cũng như tuyên truyền, vận động bà con bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn môi trường sống.
Phát huy lợi thế từ môi trường
Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, DA “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” do đơn vị chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình tài trợ các DA nhỏ của Liên Hiệp quốc (UNDP/GEF SGP).
DA triển khai trong thời gian 1 năm với kính phí trên 1,7 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường; đặc biệt là trong công tác quản lý rác thải, rác thải nhựa cho các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của lực lượng đoàn viên thanh niên; các tập thể, tổ chức, đoàn thể, phát huy vai trò của tổ dân phố, thôn, các tổ chức đoàn thể khu vực dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
DA cũng nhằm góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại khu vực đô thị và các vùng nông thôn.
Theo bà Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Thuận An và Phú Thuận là hai địa phương có vùng biển và bãi tắm đẹp, nổi tiếng, giàu tiềm năng để khai thác và phát triển kinh tế du lịch biển, đầm phá. Dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý rác thải, nhưng vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường tại đây còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần được quan tâm và đầu tư đúng mức. Vì vậy, cần thiết phải tìm ra một cách tiếp cận mới, phù hợp để khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có tại khu vực này.
Việc thực hiện DA “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” tại hai địa phương ven biển và đầm phá kể trên là cần thiết, phù hợp với nhu cầu giải quyết những bức xúc về môi trường hiện nay, gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch biển và đầm phá.
“Qua 6 tháng triển khai, DA phát triển theo chiều hướng tốt, người dân dần quen với việc sử dụng thùng rác phân loại, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Các hoạt động truyền thông không chỉ thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia mà còn lan tỏa đến bà con nhân dân. Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp tốt với địa phương để triển khai những phần việc còn lại theo kế hoạch, đảm bảo DA thành công”, bà Hoàng Thị Phương Hiền cho biết.
Thùy Trang Tweet