Thanh Luân - Chàng thủ lĩnh tình nguyện nặng lòng với trẻ vùng cao
15:54 02/10/2013 2100
3 Phong trào Web.ĐTN: Đôi mắt sắc lạnh, mỗi khi nổi giận thì cả CLB thót tim nhưng Đặng Thanh Luân lại rất được các tình nguyện viên và học sinh vùng cao yêu mến.
CLB tổ chức Tết vùng cao cho trẻ em xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên |
Nặng lòng với trẻ vùng cao
CLB sinh viên tình nguyện Đại học Thái Nguyên mà Luân làm chủ nhiệm mới thành lập từ năm 2010, nhưng nhìn bảng thành tích của Đặng Thanh Luân khiến khá nhiều người phải nể phục. Trong vòng 3 năm, Luân đã tổ chức và tham gia trên 40 chương trình tình nguyện, trong đó trực tiếp tổ chức, điều hành các chương trình dài kỳ như “Tủ sách hiếu học”, “Ấm áp mùa đông”, “Tiếp sức mùa thi”... nhận được nhiều bằng khen của Tỉnh đoàn Thái Nguyên. Điều đặc biệt, trong các hoạt động mà chàng trai người Hải Dương từng tham gia, hơn 2/3 được tổ chức ở các trường vùng cao hoặc hướng tới trẻ em vùng cao.
Mỗi khi tới một xã khó khăn đặt vấn đề tặng quà cho trẻ em, Luân luôn nhắc đi nhắc lại câu nói “Điểm trường nào xa nhất thì bọn mình vào, vào đến tận nơi, trao tận tay”. Các tình nguyện viên đầy nhiệt huyết của CLB sinh viên tình nguyện Đại học Thái Nguyên không ít lần trèo đèo lội suối tới nửa ngày chỉ để trao tận tay các em học sinh dân tộc một suất quà tặng, chẳng kịp nghỉ ngơi đã vội vã ra về vì sợ trời tối muộn.
Luân tâm sự: “So với cuộc sống của các em nhỏ nơi thành thị thì cuộc sống của trẻ vùng cao thiếu thốn về nhiều mặt: học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí… Mình mong muốn góp một phần nhỏ bé cho các em nhỏ ở nơi đây có một điều kiện học tập tốt hơn, để phát triển và trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời cũng là giúp bản thân mình hiểu hơn về cuộc sống".
Làm tình nguyện cần tự chủ tài chính
Khó khăn chung của các CLB tình nguyện hiện nay là vấn đề kinh phí, đối với CLB mà Luân làm chủ nhiệm cũng không ngoại lệ. Luân chia sẻ: “Làm tình nguyện không thể cứ trông chờ vào đồng tiền của người khác, nếu không tự chủ tài chính, các chương trình thiện nguyện rất dễ đổ bể vì xin tài trợ không đủ số tiền cần thiết. Tự chủ tài chính giúp CLB chủ động hơn vì thế chúng mình đã tận dụng thời gian rảnh rỗi của các tình nguyện viên nhằm kiếm thêm kinh phí”.
Song song với việc xin tài trợ mỗi khi tổ chức các chương trình lớn, ngày thường Luân cùng ban chủ nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều dự án như bán đồ handmade, hoa, thiệp... Đặc biệt là dự án “Ve chai nuôi những ước mơ” - thu gom ve chai giấy vụn trên địa bàn thành phố đã mang lại cho CLB mỗi tháng từ 3 - 5 triệu đồng.
Luân cho biết trong quá trình thực hiện hầu hết mọi người đều hưởng ứng nhiệt tình. Một số bạn chưa hiểu thì phân tích cho họ hiểu hoạt động này góp phần bảo vệ môi trường đồng thời các em nhỏ vùng cao và những người nghèo khổ cũng được hưởng lợi. Chỉ một cái chai, một quyển vở cũ có thể không là gì nhưng tích tiểu thành đại, sẽ giúp đỡ được nhiều người.
Lãnh đạo CLB quan trọng nhất là lấy được lòng tin của mọi người
Chia sẻ kinh nghiệm điều hành một CLB tình nguyện có quân số trên 500 tình nguyện viên hoạt động thường xuyên, theo Đặng Thanh Luân điều quan trọng nhất là có được lòng tin của tất cả mọi người. Khi có lòng tin thì triển khai các công việc và hoạt động sẽ dễ dàng hơn.
Để xây dựng lòng tin ấy, Luân và ban chủ nhiệm luôn xông xáo, đi đầu trong mọi hoạt động chứ không chỉ đứng một chỗ chỉ đạo. Hình ảnh anh chủ nhiệm “thét ra lửa” nhưng cũng gần gũi, bình dị nhặt từng cân giấy vụn, từng vỏ lon bia nhằm bán đồng nát gây quỹ đã quá quen thuộc đối với các tình nguyện viên của CLB Sinh viên tình nguyện ĐH Thái Nguyên.
Hà Cường, một tình nguyện viên cho biết: “Mỗi khi có chương trình mới, anh Luân luôn là người thực hiện đầu tiên. Hay khi CLB tổ chức hoạt động lớn cần kinh phí, anh và ban chủ nhiệm trực tiếp đến từng nhà xin tài trợ”.
Thành viên của CLB đến từ 10 trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thời gian học tập khác nhau nên Luân không chỉ phải sắp xếp một cách khoa học cuộc sống của mình mà còn phải để để ý tới quỹ thời gian của các thành viên sao cho hoạt động tình nguyện không ảnh hưởng tới việc học tập của các bạn.
Bình thường Luân rất nghiêm khắc trong việc quản lí “quân”, cậu nhắc nhở thậm chí phê bình “không thương tiếc” các hành vi không nghiêm túc trong công việc nhưng bên cạnh đó cũng luôn hết mình với mọi người trong lúc vui chơi.
Thanh Luân cho biết: Chủ nhiệm câu lạc bộ phải biết cách đặt mình vào vị trí của tình nguyện viên, suy nghĩ xem các bạn ấy cần và mong muốn có được những gì khi tham gia tổ chức của mình để tạo ra được sự gắn kết giữa ban chủ nhiệm với tình nguyện viên và giữa các tình nguyện viên với nhau.
Nhiệt huyết trong các hoạt động thiện nguyện, Luân không quên công việc học tập cũng như các hoạt động Đoàn hội khác và dường như ở lĩnh vực nào cậu bạn cũng tỏ ra xuất sắc.
Đa tài, năng động, có tinh thần trách nhiệm và cháy hết mình là những gì có thể diễn tả về anh chàng 9x đời đầu này. Chúc cho Thanh Luân luôn vững bước trên con đường phía trước và mang được nhiều yêu thương tới với các bản làng khó khăn.