Sinh viên y, dược tình nguyện "Tiếp sức bệnh nhân"

16:38 12/05/2015     1767

3 Phong trào   Giữa cái nóng oi bức, các sinh viên trong màu áo tình nguyện xanh đỏ niềm nở đón và hướng dẫn người bệnh xếp hàng, lấy số thứ tự, làm thủ tục xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Thành viên của đội “Blouse trắng tình nguyện” gồm hàng trăm sinh viên đến từ ĐH Y Dược TP HCM. Công việc hàng ngày của các tình nguyện viên là túc trực tại các bệnh viện để hướng dẫn bệnh nhân và người nhà làm các thủ tục, xếp hàng lấy số thứ tự rồi đến các điểm khám bệnh, xét nghiệm, quầy thuốc, căn tin, đặc biệt là trợ giúp người già, bệnh nhân nặng.
Hồng Gấm (sinh viên Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học) đang hướng dẫn người nhà bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh
Hồng Gấm (sinh viên Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học) đang hướng dẫn người nhà bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh


Được giao nhiệm vụ trực ở quầy thông tin khám bệnh Khu A, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM từ sáng đến trưa, Nông Thị Hồng Gấm (sinh viên Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học) và ba cô bạn khác luôn tươi cười hướng dẫn người dân. Gấm cho biết, ngay từ sáng sớm bệnh viện chưa làm việc, đội tình nguyện đã có mặt để chuẩn bị công tác hướng dẫn người đến khám bệnh. "Tranh thủ thời gian được nghỉ học, em đăng ký tham gia chương trình với mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình để chia sẻ áp lực với các nhân viên y tế cũng như những khó khăn của người bệnh. Em hy vọng được hướng dẫn cặn kẽ từ sớm, người dân sẽ tránh bị các 'cò mồi' dụ dỗ trục lợi", nữ sinh đeo kính cận bộc bạch.

Ông Phan Thanh Phúc, Bí thư Đoàn thanh niên của Bệnh viện cho biết chương trình sinh viên tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân được triển khai khoảng 4 năm trở lại đây. Thời gian đầu, có nhiều sinh viên thuộc các trường tại TP HCM đăng ký tham gia. Sau này do không sắp xếp được lịch học và quãng đường di chuyển xa nên các trường khác rút dần, chỉ còn sinh viên Đại học Y Dược.

Theo ông Phúc, lợi thế của các sinh viên ngành y là đã được đào tạo trong lĩnh vực y tế nên dễ dàng hòa nhập với môi trường bệnh viện. Làm công việc thiện nguyện, các bác sĩ tương lai còn có cơ hội thực hành, rèn luyện các kỹ năng từ các nhân viên y tế chuyên nghiệp. Khi tiếp xúc với người bệnh ở nhiều tầng lớp khác nhau, họ hiểu hơn về tâm lý cũng như những khó khăn của bệnh nhân, giúp ích cho các em trong công việc sau này.

Hàng ngày, mỗi đội tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân bố trí khoảng 30 bạn, bắt đầu làm việc từ 5h30 sáng. Nhóm được chia thành từng cụm, túc trực tại các điểm trọng yếu của bệnh viện, từ cổng vào đến các quầy thông tin, điểm giao giữa các khu, phòng khám. Trước đó, tất cả đều được huấn luyện nghiệp vụ, từ thái độ phục vụ, cách giao tiếp, chỉ dẫn đến các thủ tục hành chính, dịch vụ, các phòng ban.

 Toàn, cử nhân Khoa Gây mê Hồi sức, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết rất thích công việc hướng dẫn và hỗ trợ bệnh nhân nên hễ có thời gian được nghỉ học là đăng ký tham gia ngay. "Ngoài việc giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình khám chữa bệnh, tránh bị 'cò' chèo kéo lừa đảo, công việc này còn tạo cơ hội cho em được tiếp xúc và hiểu hơn về người bệnh cũng như công việc trong tương lai".

Mỗi ngày, tùy vào sự sắp xếp của ban điều hành, Toàn có thể được phân chia túc trực ở bất kỳ vị trí nào: Cổng bệnh viện, quầy thông tin khám bệnh, phòng chụp X-quang, phòng siêu âm hay xét nghiệm... Thời gian đầu, Toàn hơi "sốc" khi gặp phải những bệnh nhân khó tính. Do chưa rành vị trí của các dãy nhà, phòng khám, khu xét nghiệm nên nhóm gặp không ít khó khăn, luống cuống. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc, em đã thuộc lòng mọi thứ như lòng bàn tay nên trở tự tin hơn và chuyên nghiệp hơn nhiều.
Toàn hướng dẫn người bệnh tại khu xét nghiệm
Toàn hướng dẫn người bệnh tại khu xét nghiệm


Thường xuyên tham gia các hoạt động vì cộng đồng, Toàn bộc bạch: "Niềm vui lớn nhất của em là cảm thấy mình có ích khi giúp được người bệnh và nhận được từ họ sự tin tưởng, lời cám ơn hay chỉ đơn giản là nụ cười hài lòng".

Gần trưa, mồ hôi nhễ nhại, Toàn vẫn niềm nở hướng dẫn bà Trần Thị Hoài lấy số thứ tự và làm các thủ tục xét nghiệm cho con gái. Sau khi được giúp đỡ, bà cụ đến từ An Giang không ngớt cảm ơn chàng bác sĩ tương lai vui vẻ, nhiệt tình. "Lần đầu đưa con đi bệnh viện nên tôi lo lắng lắm. Cũng may có các em hướng dẫn và động viên tận tình nên tôi yên tâm hơn nhiều. Tôi mong ở đâu cũng có đội tình nguyện như thế này để giúp đỡ bà con nghèo", bà nói.

Hiện nay, mô hình bạn trẻ tình nguyện "Tiếp sức bệnh nhân" đã được triển khai rộng rãi ở nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP HCM như Chợ Rẫy, Ung Bướu, Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Mắt trung ương, Tai Mũi Họng Trung ương, Xanh Pôn... Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội và Trung tâm Công tác xã hội TP HCM còn tổ chức các nhóm tình nguyện hỗ trợ vé xe, phí khám chữa bệnh, nhà ở xã hội cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phạm Quốc Hoàn, Trưởng Bộ phận Chăm sóc khách hàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, đánh giá cao hiệu quả của các nhóm thiện nguyện hỗ trợ người bệnh. "Theo khảo sát của chúng tôi, sự hỗ trợ của đội tình nguyện đã giúp giảm hẳn nạn 'cò' bệnh viện, đồng thời mang lại hình ảnh đẹp về người thầy thuốc tận tình, bệnh viện thân thiện trong lòng người dân", ông nhận xét.