Quảng Bình: Triển khai đường dây nóng hỗ trợ người dân nơi tâm dịch

11:36 04/08/2021     5122

3 Phong trào   ĐTN: Sau 3 ngày triển khai, đường dây nóng 1800 8073 hỗ trợ bà con lao động Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 đã kết nối thành công trên 5.000 cuộc gọi. Đến ngày 3/8, đã có gần 100 hộ dân được nhận tiền hỗ trợ.

“Cứu người như cứu hỏa”

Với tinh thần nói trên, tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh vào lúc 18 giờ ngày 31-7-2021 có sự tham gia của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phương án lập tổng đài đường dây nóng 1800 8073 để bà con liên hệ được quyết định và triển khai ngay.

Đến 22 giờ, Tổng đài nhận những cuộc gọi đầu tiên của bà con lao động ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

 

Cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Bình trong ca trực tổng đài 1800 8073

 

Từ 4 số máy điện thoại kết nối đầu tiên, đến nay đã tăng lên 30 máy với số cán bộ, nhân viên (CB, NV) luân phiên trực tổng đài 24/24 giờ là trên 100 người. Những “tổng đài viên nghiệp dư” là CB, NV Trung tâm Hành chính công tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Bình… hoạt động hết công suất, công việc nhịp nhàng và dần trở nên chuyên nghiệp.

Tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi, phân loại, xử lý thông tin, nhập dữ liệu chính xác để bảo đảm bà con sẽ nhận được sự hỗ trợ của quê hương nhanh nhất, họ cũng là người lắng nghe tiếng lòng của bà con trong thời khắc khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Tỉnh đoàn Quảng Bình cho biết: "Nhận nhiệm vụ từ ngày 1-8 với nhiều bỡ ngỡ, tôi vừa làm việc, vừa học hỏi. Tôi tham gia ca trực ban ngày từ 6 giờ sáng đến 17 giờ 30. Dù khá vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì được đóng góp một phần công sức phòng chống dịch, đặc biệt giúp đỡ bà con Quảng Bình vơi bớt khó khăn trong mùa dịch".

Sự sẻ chia, trách nhiệm với đồng bào xa quê đã thúc đẩy bộ máy gồm các cơ quan liên quan của Tổng đài 1800 8073 hoạt động hiệu quả mặc dù tất cả các khâu đều mới mẻ.

Đến nay, quy trình hoạt động đã được hoàn thiện. Đó là sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Hành chính công hoàn thành dữ liệu và chuyển cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) trước 15 giờ hàng ngày. Sở LĐ-TB và XH chuyển thông tin về các xã xác minh, thẩm định trước 17 giờ hàng ngày và lập danh sách các hộ dân đã được thẩm định trình Ủy ban MTTQVN tỉnh đề nghị hỗ trợ.

“Sở dĩ tỉnh lựa chọn phương án chuyển tiền qua hệ thống dịch vụ chuyển tiền của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam bởi lẽ rất nhiều người lao động không có số tài khoản. Họ không chỉ là công nhân mất việc làm mà rất nhiều người là lao động tự do với các nghề như phụ hồ, nhặt ve chai, bán vé số… , tài khoản ngân hàng là khái niệm xa lạ đối với bà con.

Trong ngày 2/8, 20 hộ dân đầu tiên được hỗ trợ đã nhanh chóng nhận được tiền trước 18 giờ, là thời gian hạn chế người dân ra đường tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Có thể nói đây là một cuộc đua với thời gian của CB, NV Bưu điện Quảng Bình, đặc biệt là Bưu điện TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thời điểm khó khăn này.”, bà Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh chia sẻ.

Đến thời điểm này đã có gần 100 hộ được nhận sự hỗ trợ của tỉnh với số tiền mỗi hộ 1 triệu đồng. Để đạt kết quả này, sự phối hợp của chính quyền địa phương trong việc xác minh thông tin là rất quan trọng.

Ấm lòng nhân dân

 

Người lao động Quảng Bình gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương nhận tiền hỗ trợ của tỉnh

 

Theo dấu các cuộc gọi đến Tổng đài 1800 8073, chúng tôi đã liên hệ với những người dân đã nhận được hỗ trợ của tỉnh. Chị Trần Thị Hiền, công nhân tại Đồng Nai là mẹ đơn thân vừa nuôi con gái vừa chăm sóc mẹ, xúc động: "Khi biết về số máy này thì tôi gọi và hy vọng sẽ được giúp đỡ, nhưng không nghĩ là nhanh thế. Số tiền này bình thường đã quý, giờ càng quý hơn. Nhờ chị gửi lời cảm ơn đến tỉnh giúp tôi".

Còn anh Lê Hồng Phúc, công nhân tại Bình Dương cũng cho biết, sau khi nắm thông tin qua Hội đồng hương huyện Lệ Thủy, anh đã gọi điện cho tổng đài và đăng ký. Chiều 2/8, anh đã được nhân viên Bưu điện liên lạc trao tiền. “Tôi thường xuyên gọi điện về nhà và biết tỉnh cũng khó khăn do dịch bệnh. Tôi rất cảm ơn tỉnh vì đã kịp thời giúp đỡ và sẽ cố gắng thực hiện tốt quy định chống dịch và chúc tỉnh mình thành công”.

Bao nhiêu cuộc gọi, bao nhiêu người được hỗ trợ là bấy nhiêu lời sẻ chia, tâm sự. Trong bối cảnh khó khăn của tỉnh, tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, vì đồng bào ruột thịt đã và đang mang lại sự ấm áp, yên tâm cho những người con xa quê hương có hoàn cảnh khó khăn.


 

 

Ngọc Mai