Phát huy vai trò trí thức trẻ đề án 500
18:40 16/10/2015 1236
3 Phong trào Web.ĐTN: Nhiều đội viên thuộc đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi, giai đoạn 2013 - 2020 của các tỉnh khu vực Tây Bắc đã có những đề án phát triển nhằm giúp người dân của địa phương xóa đói, giảm nghèo.
Nâng cao nhận thức người dân đăng ký khai sinh
Kết thúc lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cho đội viên đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ, đội viên 500 Nguyễn Văn Hùng (quê huyện Văn Yên, Yên Bái) đã được phân công về công tác tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai giữ chức danh Tư pháp hộ tịch.
Với những kiến thức tích lũy của 4 năm học Đại học Sư phạm 2 Hà Nội chuyên ngành Quốc phòng An ninh đây là dịp để Hùng trải nghiệm thực tế với những gì đã học ở trường.
Trước khi về xã công tác, Hùng đã có 1 tháng đi thực tế nắm bắt tình hình tại xã. Qua tìm hiểu bà con dân tộc Dao, Mông Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh, Hoa ... đã giúp Hùng nhận thấy công tác khai sinh cho trẻ em khi sinh ra chưa được chú trọng, còn rất nhiều bất cập trong việc đăng ký khai sinh, ảnh hưởng đến chính quyền cơ sở trong theo dõi sự biến động về dân cư về công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Đặng Quốc Toàn trò chuyện với các trí thức trẻ đề án 600, đề án 500 tại TP Sơn La, tháng - - 2015 |
“Qua thực tế cơ sở tôi đã xây dựng nên 1 đề án của riêng mình nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý về lĩnh vực đăng ký quản lý khai và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khai sinh tại xã”, đội viên Nguyễn Văn Hùng nói.
Theo Hùng giải pháp được triển khai trong thời gian tới đó là tuyên truyền vận động người dân trong xã nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh. Nếu người dân chưa hiểu rõ về đăng ký khai sinh, xã sẽ cử cán bộ có nghiệp vụ xuống tận thôn làm trực tiếp làm giấy đăng ký khai sinh, viết giấy hẹn để người dân đến ngày hẹn về xã lấy. Trường hợp người dân không đến lấy, xã tiếp tục xuống bản để trả giấy đăng ký cho người dân.
Quá trình đó sẽ giúp người dân nhận thức vai trò quan trọng của giấy khai sinh với trẻ em khi sinh ra như thế nào, nhất tuyên truyền để người dân hiểu được quyền trẻ em được sinh ra, quyền được hưởng chăm sóc sức khỏe, quyền được học hành và được miễn phí bảo hiểm y tế trẻ em đối với trẻ em dưới 6 tuổi.
Phát triển kinh tế từ 3 loại cây trồng điểm
Đây là thông tin mà đội viên Đặng Đức Long cho biết khi triển khai đề án phát triển kinh tế tại xã biên giới Pa Ủ thuộc xã nghèo nhất của huyện Mường Tè, Lai Châu khi nhận chức danh Địa chính – Môi trường của xã.
Sẽ có 3 loại cây: Xoài, Mận, Ngô được trồng ở 6 bản, trong đó có hơn 2.000 cây Xoài, 3.000 cây Mận và Ngô giống sẽ được trồng với diện tích trên 20ha.
Theo Long, 3 loại cây này nãy sẽ là những loại cây được trồng điểm để giúp cho bà con dân tộc thiểu số người La Hủ phát triển kinh tế.
Qua khảo sát trồng thí điểm 3 loại cây tại địa phương cho thấy các cây có khả năng sinh trưởng tốt và thu hoạch năng suất cao phù hợp với khí hậu của xã. Chính từ tình hình thực tế đã giúp Long xây dựng đề án trồng 3 loại cây điểm để giúp xã nhà phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Đội viên Đặng Đức Long cho biết, để đề án đi vào thực tế, tôi đã tham mưu với lãnh đạo xã trao đổi với Phòng Nông nghiệp huyện và đã nhận được đồng ý để đầu tư để phát triển các loại cây như đề án xây dựng. Dự kiến thời gian tới sẽ được triển khai thực hiện, tôi hy vọng đề án sẽ đạt kết quả cao.
Tận nguồn nước trên núi để phục vụ tưới tiêu
Đó là đề án xây dựng hệ thống nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại hai thôn của xã Vân Sơn, giai đoạn 2015 - 2016 của đội viên Phan Thị Yến khi về nhận công tác tại xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang với chức danh Địa chính - xây dựng môi trường.
Đề án được thực hiện sẽ giúp cho người dân yên tâm hơn về nguồn nước để lao động sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng nông sản nông nghiệp.
Yến cho biết, đến nay toàn xã đã có hệ thống kênh mương cung cấp nước sản xuất cho các ruộng của bà con trong xã. Nhưng nguồn nước cấp hiện chưa được ổn định, dẫn đến năng suất lúa giảm, nhiều khu vực trồng lúa bị bỏ hoang vì thiếu nước cày, cấy.
Chính từ tình hình thực tế, Yến đã xây dựng đề án dẫn nước từ khe suối trong rừng tự nhiên bằng ống nhựa, để dẫn nước đổ vào các kênh mương hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của bà con xã Vân Sơn
Để giải quyết bài toàn kinh phí, đề án mà Yến đưa ra đó là, trên cơ sở quy hoạch của xã, kinh phí thực hiện đề án cấp nước của Yến sẽ được lấy từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 134, 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ
“Tổng kinh phí thực hiện đề án sẽ lên đến 400 triệu đồng, được dựa trên hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, theo đó Nhà nước sẽ hỗ trợ về nguyên vật liệu, còn lại sẽ là người dân góp công lao động”, đội viên Phan Thị Yến nhấn mạnh.
Tweet