Nối những bờ vui
15:09 15/09/2015 2103
Thanh niên tình nguyện Những cây cầu nông thôn được khánh thành trong niềm vui không diễn tả hết thành lời của trẻ em và bà con các vùng còn nghèo khó.
Chỉ trong 2 tháng, Tỉnh đoàn Bình Định đã tiến hành khảo sát và quyết định xây dựng 6 chiếc cầu nông thôn tại các địa phương với tổng vốn đầu tư gần 7,5 tỉ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các xã thuộc diện khó khăn. Toàn bộ số kinh phí này do Quỹ Phượng Hoàng (TP.HCM) tài trợ.
Nối những bờ vuiNiềm vui trên những cây cầu mới |
Xóa cầu tre ọp ẹp
Sau hơn 2 tháng thi công, ngày 28.8, hai cây cầu đầu tiên trong dự án xây dựng cầu nông thôn của Tỉnh đoàn Bình Định đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Bà con ai nấy đều hân hoan vui mừng với cây cầu Sa Na tại thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, H.Phù Cát và cầu Tre ở thôn Tân An, xã Mỹ Quang, H.Phù Mỹ với tổng kinh phí gần 730 triệu đồng. Những cây cầu này sẽ giúp quãng đường đến chợ, đi làm, đi học… của họ được rút ngắn và an toàn hơn rất nhiều những cây cầu ọp ẹp cũ.
Mấy chục năm nay, chúng tôi toàn đi lại bằng cây cầu tre cũ kỹ, nay có cây cầu bê tông được xây kiên cố, tôi và bà con ở đây thấy phấn khởi lắm. Sau này bà con làm ruộng, chăn nuôi đi tới đi lui làm ăn, buôn bán là thấy thuận tiện, mà mấy đứa nhỏ đi học cũng an toàn hơn Ông Trần Tám (ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, H.Phù Cát) |
Tiếp nối sự thành công đó, ngày 6.9, Tỉnh đoàn Bình Định tiếp tục tổ chức lễ khởi công xây dựng hai cây cầu: cầu Cây Dừa thuộc thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, H.Hoài Ân và cầu 13-19 thuộc thôn Cự Lễ, xã Hoài Phú, H.Hoài Nhơn với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành và bàn giao hai cầu này, Tỉnh đoàn Bình Định sẽ tiếp tục khởi công hai cầu còn lại là cầu Hòa Phong thuộc thôn Hòa Phong, xã Ân Mỹ, TX.An Nhơn và cầu Tarmat thuộc xã Vĩnh Hiệp, H.Vĩnh Thạnh, với tổng kinh phí gần 6,7 tỉ đồng.
Để nhanh chóng có được những cây cầu này, thanh niên tại địa phương đã hăng hái tình nguyện góp hàng trăm ngày công tham gia vận chuyển vật liệu xây cầu. Đồng thời, bà con nhân dân địa phương cũng tham gia vào việc xây dựng, giám sát thi công công trình, đảm bảo công trình được thi công đạt chất lượng, đúng yêu cầu thiết kế kỹ thuật.
Hết lo sập cầu mùa bão lũ
Từ nhiều năm nay, người dân ở các địa phương này chỉ có thể di chuyển qua bên kia sông bằng chiếc cầu tre tạm bợ, cũ nát. Mỗi khi mùa mưa bão về, những cây cầu tạm bợ ấy lại bị nước lũ cuốn trôi, việc đi lại hay vận chuyển hàng hóa giữa hai bên vô cùng khó khăn. Ước mơ có được một chiếc cầu mới, được xây dựng kiên cố có thể chống chọi được với những cơn bão lũ miền Trung là mong ước luôn thường trực trong tâm trí mỗi người dân nơi đây.
Giờ đây, với những cây cầu mới cuộc sống của mỗi người dân sẽ có nhiều đổi thay. Trẻ con đến trường không còn phải lo lắng mỗi lần đi qua chiếc cầu gập ghềnh hay những ngày mưa phải nghỉ học vì không thể qua được cầu. Còn người lớn, niềm vui được nhân lên khi cuộc sống, mưu sinh có nhiều thuận tiện với việc vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn.
Ông Trần Tám (ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, H.Phù Cát) không giấu nổi sự vui mừng: “Mấy chục năm nay, chúng tôi toàn đi lại bằng cây cầu tre cũ kỹ, nay có cây cầu bê tông được xây kiên cố, tôi và bà con ở đây thấy phấn khởi lắm. Sau này bà con làm ruộng, chăn nuôi đi tới đi lui làm ăn, buôn bán là thấy thuận tiện, mà mấy đứa nhỏ đi học cũng an toàn hơn”.
Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, cho biết: “Bình Định hiện vẫn còn nhiều vùng khó khăn, thiếu thốn cơ sở hạ tầng, nhất là còn thiếu những chiếc cầu đảm bảo an toàn cho mọi người qua lại trong mùa mưa lũ. Trước tình hình đó, chúng tôi đã vận động các nguồn lực xã hội, các nhà tài trợ hảo tâm để cùng góp sức xây dựng cho bà con những cây cầu mới khang trang, vững chãi. Từ những việc nhỏ này sẽ tạo được những đổi thay đáng kể, đáng mừng cho người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới”.