Những người trẻ can trường bám biển

09:43 11/03/2015     1209

3 Phong trào   Họ là những người trẻ với những vị trí công việc khác nhau nhưng nhiều năm qua góp phần không nhỏ trong việc tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cũng như trên mặt trận kinh tế.
Kiêu hãnh giữa Hoàng Sa
 
Ngày 3/5/2014, chỉ 2 ngày sau khi nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, tàu CSB 4033 của thuyền trưởng Lê Trung Thành đã bị tàu Hải cảnh 44044 của Trung Quốc hung hãn tấn công đâm rách mạn.
 
Cú đâm ngang mạnh đến mức mũi tàu Trung Quốc dính cứng luôn vào tàu của ta, mất neo, chết luôn cả ba máy, và sau đó phải về bờ, rồi từ đó mất dạng luôn trên thực địa. Nhưng chiếc tàu CSB 4033 “thấp bé nhẹ cân” sau mấy ngày về bờ Đà Nẵng “dưỡng thương”, lại tiếp tục hiên ngang giữa biển trời Hoàng Sa cho đến ngày cuối cùng 16/7/2014, khi Trung Quốc kéo hẳn giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển Việt Nam.
 
Cũng từ tàu CSB 4033, cán bộ chiến sĩ của tàu đã ghi lại được những hình ảnh đầu tiên về cảnh các tàu Trung Quốc hung hãn đâm húc, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trở thành tư liệu đặc biệt công bố tại cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của Bộ Ngoại giao ngay sau đó. Những hình ảnh này trở thành bằng chứng không thể chối cãi trước dư luận toàn thế giới về hành vi bạo ngược của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
 
a
Đại úy Lê Trung Thành (bìa phải) giữa Hoàng Sa. Ảnh: Trần Tuấn.
 
Người viết bài này may mắn có mặt trên tàu CSB 4033 trong những ngày đối mặt căng thẳng với giàn khoan Hải Dương 981 giữa Hoàng Sa. Chứng kiến bản lĩnh của  thuyền trưởng Lê Trung Thành (sinh năm 1983 quê gốc Quảng Ngãi), luôn “lĩnh ấn tiên phong” nhô cao, và cũng càn lướt dữ dội  trong đội hình các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ở Hoàng Sa.
 
Nhiều lúc các tàu Trung Quốc vây hãm điên cuồng đâm phá, phun vòi rồng…, mệnh lệnh cấp trên “không được lùi!”, tàu CSB 4033 cùng đồng đội liên tục phá vây cứu đồng đội, rồi dũng mãnh tiến lên phía trước...
 
 Ít ai biết, trước sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, thuyền trưởng Lê Trung Thành cùng đồng đội tàu CSB 4033 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2, đóng tại Núi Thành, Quảng Nam) đã từng trải qua hàng vạn hải lý ngang dọc khắp các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, Vũng Tàu, Tây Nam để bảo vệ các tàu thăm dò dầu khí của ta.
 
Tốt nghiệp Thuyền trưởng tại Học viện Hải quân Nha Trang năm 2001, Lê Trung Thành trở thành Thuyền phó, rồi Thuyền trưởng của nhiều tàu CSB khi 26 tuổi. Năm 2012 nhận nhiệm vụ Thuyền trưởng tàu CSB 4033, anh kế tục truyền thống đơn vị, giữ vững danh hiệu Đơn vị quyết thắng 5 năm liên tục, tập thể tàu được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3.
 
Với cá nhân Lê Trung Thành, khó kể hết những khen thưởng anh được nhận: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ 2011-2014, khen thưởng về nhiệm vụ bảo vệ tàu thăm dò dầu khí Bình Minh các năm 2013-2014, Bằng khen của Bộ Quốc phòng vì  thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ CH - 14, Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ CH - 14, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 2014…
 
Hình ảnh đọng lại của Thuyền trưởng trẻ Lê Trung Thành giữa biển nóng Hoàng Sa, đó là sau những phút giây căng thẳng, anh lại mắc võng trên buồng chỉ huy, nằm ngả lưng đọc sách…
 
Thuyền trưởng tàu tên lửa
 
Đại úy Phạm Văn Sơn - Thuyền trưởng tàu chiến “Tia chớp mang tên HQ 375, sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố là bộ đội Hải quân, từ nhỏ anh đã có ước mơ được khoác màu áo lính. Tốt nghiệp THPT, Sơn thi đậu Học viện Hải quân, ngành chỉ huy tàu mặt nước.
a
Anh Phạm Văn Sơn
Ra trường anh được bổ nhiệm là Phó thuyền trưởng tàu vận tải quân sự làm nhiệm vụ trực chiến ở đảo và vận tải hàng xây dựng quần đảo Trường Sa. Năm 2010, Sơn làm Phó thuyền trưởng tàu chiến đấu. Đến năm 2013, anh là Thuyền trưởng tàu HQ-375 là lớp tàu chiến tên lửa hiện đại, thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Được mệnh danh là con tàu “Tia chớp” với ưu thế về tốc độ và hỏa lực, tàu chiến hiện diện trong vai trò mũi tấn công chớp nhoáng, hủy diệt các chiến hạm đối phương tầm cỡ tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục và tuần dương.
 
Anh Sơn cho biết, công việc hằng ngày của anh là chỉ huy con tàu làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, tàu còn thực hiện các nhiệm vụ như: Đối ngoại quân sự, trinh sát, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, nhiệm vụ đối ngoại quân sự (tàu đã đi thăm Malaysia, Campuchia, Singapore, thực hiện nhiệm vụ tuần tra liên hiệp và thăm Hải quân Trung Quốc)… sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Do tính chất đặc thù nên có nhiệm vụ là tàu phải rời bến ngay, kể cả thời tiết xấu, sóng to gió lớn.
 
Đại úy Sơn đã xây dựng tập thể tàu 375 đoàn kết, luôn là lá cờ đầu trong mọi hoạt động của đơn vị. Năm 2014, tập thể vinh dự được nhận danh hiệu Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Cá nhân anh Sơn hai năm liền được nhận danh hiệu Thuyền trưởng tàu chiến đấu tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen Quân chủng; nhận danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2014.
 
Trách nhiệm của tôi cũng như mọi cán bộ, chiến sỹ trên tàu luôn duy trì con tàu sẵn sàng chiến đấu cao, mọi vũ khí trang bị kỹ thuật hoạt động tốt và phát huy hết tính năng, đặc biệt phải vận dụng thành thạo các tính năng kỹ thuật hiện đại với chiến thuật và cách đánh truyền thống của Hải quân Việt Nam”, anh Sơn chia sẻ.
 
Tỷ phú đại dương
 
Lê Văn Sang (sinh năm 1985, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được mệnh danh là “tỷ phú đại dương”, một trong những thuyền trưởng trẻ nhất ở Đà Nẵng đã góp phần thay đổi cả tư duy về nghề biển ở miền Trung.
 
a
Thuyền trưởng Lê Văn Sang. Ảnh: Nam Cường.
Cả gia đình nghề biển, khởi nghiệp thuyền trưởng từ những năm 17 tuổi, đến nay, Sang đã là chủ 3 con tàu công suất lớn, trong đó có một tàu đóng bằng vỏ thép hiện đại. Các tàu của Lê Văn Sang gồm: ĐNa 90444 TS công suất 1.300 CV hành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá ở vùng khơi; tàu vỏ thép Sang Fish 01 công suất 750 CV hành nghề lưới vây khơi - 1 trong 2 tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân miền Trung cho đến nay.
 
Ngoài ra, Sang còn là tổ trưởng Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá Vùng khơi số 1 TP Đà Nẵng, gồm 5 tàu công suất gần 4.000 CV, hằng tháng cung ứng cho thị trường miền Trung từ 400-500 tấn hải sản tươi các loại, cùng các chủ tàu khu vực miền Trung liên kết bám biển bám ngư trường vừa khai thác nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ ngư trường truyền thống.
 
Anh và gia đình tạo điều kiện cho hàng chục ngư dân có việc làm ổn định, giúp ngư dân nhanh chóng đưa cá về bờ ngay giữa trùng khơi bằng tàu dịch vụ. Qua đó, giảm thiểu thời gian, tiền bạc cho mỗi chuyến đi về của ngư dân, giúp bảo quản tốt thủy, hải sản…
 
Năm 2013, Lê Văn Sang vinh dự là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu (Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn tổ chức). Năm 2014, ngoài Bằng khen Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam năm 2014 do Bộ NN&PTNT trao tặng, Sang còn được UBND TP Đà Nẵng và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen vì thành tích bám biển, giữ gìn chủ quyền biển đảo.
 
Sang cho biết, năm nay sẽ tiếp tục ổn định đời sống các thuyền viên và lao động tại cảng cá. 60 lao động có thu nhập bình quân từ 4-8 triệu đồng/tháng, và đóng mới 1 tàu vỏ thép công suất 800 CV hành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá.