Những chàng trai 9X giữ đảo giữa Biển Đông

16:23 04/05/2016     1501

3 Phong trào   Trên đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), ngoài các sĩ quan hải quân đã được trui rèn nhiều năm trong quân ngũ, còn có rất nhiều lính trẻ, tuổi chỉ vừa đôi mươi, họ phảng phất nét ngộ ngĩnh, yêu đời...
h
'Ở Sóc Sơn quê em, phải hơn 20 năm mới có lần Hải quân tuyển người. Em biết tin liền viết đơn tình nguyện xin đi', Ngô Xuân Đạt tự hào

Trai thủ đô xung phong ra đảo

Buổi chào cờ đón đoàn lên đảo diễn ra trang nghiêm. Giữa cái nắng như thiêu, dưới chân cột mốc chủ quyền có một chiến sĩ trẻ dương cao súng, gương mặt cương nghị. Cậu là chiến sĩ Ngô Xuân Đạt (23 tuổi, quê ở H.Sóc Sơn, Hà Nội).

Đạt cho hay cậu ra đảo hồi đầu năm, vào tháng 1. “Ở Sóc Sơn quê em, phải hơn 20 năm mới có lần Hải quân tuyển người. Em biết tin liền viết đơn tình nguyện xin đi. Bởi từ nhỏ em đã mơ làm lính biển. Anh biết không, em cũng thuộc hàng ưu tú đấy vì cả huyện em dịp đó chỉ tuyển cả thảy... 40 người”, Đạt tự hào mở đầu câu chuyện.

Cậu con trai cả trong gia đình chỉ có 2 anh em này bảo rằng cậu từng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng đời sống chốn thị thành không đủ sức để ngăn cậu thử nghiệm bản thân trong môi trường quân đội. “Bốn tháng ở đảo Sơn Ca em đã được rất nhiều. Được biết thêm về biển đảo, về kẻ thù trên biển về tinh thần tập thể, tính kỷ luật trong quân đội”, Đạt nói.

k
Chiến sĩ Ngô Xuân Đạt (bìa trái) trong thời điểm giao ca trực tại cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca

Cũng theo cậu trai Hà thành thì điều cậu thích nhất khi ở đảo cũng rất giản dị, đó là được cấp trên cho phép gọi điện thoại về nhà. Đạt kể: “Phải phấn đấu tốt, đạt kết quả cao thì cấp trên mới cho... đặc quyền này chứ không phải anh lính trẻ nào cũng muốn gọi là gọi đâu”.
"Tuổi thơ dữ dội" ở đất liền

Một chiến sĩ khác trên đảo Sơn Ca mà tôi sắp kể đến cũng tên Đạt, nhưng là Vũ Văn Đạt (20 tuổi, quê H.Nghĩa Hưng, Nam Định). Đạt nhập ngũ vào tháng 3.2015 và ra đảo sau đó 5 tháng. Nhưng khác với Ngô Văn Đạt, Vũ Văn Đạt “tự thú” với tôi rằng hồi ở đất liền cậu là một đứa trẻ... ngỗ nghịch.

Đạt kể nhà cậu khá nghèo, bố đã mất cách đây 6 năm, và mẹ cậu phải nuôi sống gia đình bằng việc làm nhang thuê. Đạt chỉ học đến lớp 9 và thường sa đà vào những trò chơi vô bổ với đám bạn cùng lứa.

“Mẹ em biết không đâu rèn luyện con người bằng môi trường quân đội nên đã viết đơn, xin các cấp để em được đi nghĩa vụ quân sự. Thực tế thì em cũng thích nên đồng ý lên đường luôn”, cười tít mắt, Đạt kể lại.

g
Nhiều chiến sĩ trẻ trên đảo Sơn Ca

Đến bây giờ Đạt không hề hối hận với quyết định của cả hai mẹ con. “Từ khi ra đảo, được cấp trên động viên, em đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của mình. Bản thân em cũng thấy mình... tốt lên và thấy thời gian ngày trước mình đã sống hoài, sống phí. Bây giờ những thứ em làm đều nghĩ cho tập thể, cho đồng đội, hướng về mẹ ở quê nhà và cha ở suối vàng được yên lòng”, Đạt tâm sự.

Xuất ngũ sẽ đi... tìm mẹ

Câu chuyện của chiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn (20 tuổi, trú Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã khiến người nghe xúc động. Rằng, bố em đã qua đời cách đây hơn 5 năm. Chưa hết, trước khi lên đường ra đảo, Sơn mất liên lạc với mẹ. “Từ tháng 10.2015, mẹ em đi đâu không rõ. Đến ngày hôm nay em vẫn chưa liên lạc được với mẹ. Hiện nay ở nhà chỉ còn em gái của em, nay đang học lớp 12”, Sơn ưu tư.

Cũng như nhiều chàng trai khác, Sơn đã viết đơn tình nguyện vào hải quân, tình nguyện ra đảo vì ước mơ làm lính biển. Tuy nhiên, cậu lại gặp trục trặc không nhỏ từ hậu phương. “Em đã xác định từ đầu rồi anh ạ. Đã ra đây thì không bao giờ để điều gì ảnh hưởng đến công việc chung. Thực tế thì em cũng buồn, nhưng bây giờ có suy nghĩ nhiều thì cũng không làm được gì. Nên thà là gạt bỏ qua một bên...”, Sơn nói.


j
'Dù trong hoàn cảnh nào em cũng vững vàng, không để ảnh hưởng đến công việc chung', chiến sĩ trẻ Nguyễn Thanh Sơn nói

Cũng theo Sơn, vào lính cậu “được nhiều hơn mất”. Bởi ở đây cậu học được tính kỷ luật, tính cần cù, cách làm việc tập thể. Hỏi ước mơ sau khi xuất ngũ, Sơn cũng không ngại ngần thổ lộ rằng sẽ học bằng lái xe để ra đời kiếm sống. “Em gái em giờ chỉ còn một mình trên đất liền, em muốn về để cho em bớt cô đơn. Em cũng sẽ đi tìm mẹ sau khi xuất ngũ”, Sơn lắng giọng.

Luôn sát cánh bên chiến sĩ trẻ

Đó là lời khẳng định của thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên đảo Sơn Ca (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) với chúng tôi vào đầu tháng 5.2016. Ông cho rằng, hầu hết lực lượng hạ sĩ quan chiến sĩ của Hải quân Việt Nam đều đã được huấn luyện đầy đủ về nghiệp vụ, tư tưởng ngay từ đất liền; nhiều em đã ý thức dám dấn thân khi viết đơn tình nguyện ra đảo.

Tuy nhiên, cũng theo thượng tá Khánh, các chiến sĩ trẻ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ phần vì chưa quen điều kiện sống, phần vì thiếu thốn tình cảm gia đình bạn bè. “Chính vì thế, chúng tôi đã thành lập các tổ hỗ trợ tâm lý cho chiến sĩ trẻ, kịp thời nắm bắt các biến động về tâm lý, tư tưởng của các em để gặp gỡ, động viên. Trong công việc, chúng tôi là cấp trên, sử dụng các mệnh lệnh nhưng khi ra đời sống chúng tôi xem các em như người trong gia đình, như anh em, như chú cháu để dễ bề chia ngọt sẻ bùi”, thượng tá Khánh nhấn mạnh.