Nhân rộng phong trào hiến máu cứu người

08:39 08/04/2015     1137

3 Phong trào   Theo tổ chức "Trăng lưỡi liềm đỏ" quốc tế, hằng năm trên thế giới cần hàng trăm triệu đơn vị máu và ở riêng Việt Nam mỗi năm cũng cần hàng triệu đơn vị máu để phục vụ cứu, chữa người bệnh. Với đặc thù chưa có loại chế phẩm nào thay thế cho nên toàn bộ nhu cầu sử dụng máu trong cấp cứu và điều trị cho người bệnh hiện nay đều có nguồn gốc từ những người tình nguyện hiến máu.

D
Ảnh minh họa. Ảnh: qdnd.vn

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn, hội cùng chính quyền các địa phương, nhiều năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động hiến máu tình nguyện như: "Lễ hội Xuân hồng", ngày hội "Chủ nhật đỏ", "Hành trình đỏ", chương trình "Trái tim tình nguyện", "Giọt hồng tri ân", "Tất niên hồng", "Giọt hồng cho bé"... đã và đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ các phong trào kể trên, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về hiến máu tình nguyện. Ngày 6-4-2015, GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: Cả nước có nhiều người đã trực tiếp tham gia hiến máu tình nguyện đến vài chục lần, đặc biệt có cá nhân tiêu biểu ở TP Hồ Chí Minh lập kỷ lục hiến máu tình nguyện, trở thành  tấm gương sáng điển hình của xã hội…

Nhận thức rõ ý nghĩa cao cả của hoạt động hiến máu tình nguyện, nhiều năm qua hoạt động hiến máu nhân đạo đã được tổ chức rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội. Trung bình mỗi năm cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tham gia hiến tặng hàng chục nghìn đơn vị máu.

Tuy nhiên, số liệu từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho thấy, lượng máu thu gom được ở nước ta thông qua các hoạt động hiến máu tình nguyện hằng năm mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh ở các bệnh viện; tình trạng thiếu máu phục vụ cấp cứu người bệnh vẫn xảy ra ở nhiều nơi…

Để hoạt động hiến máu tình nguyện tiếp tục lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân và để ngày càng có thêm nhiều người được cứu sống từ những giọt máu tình nguyện, thời gian tới các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, tác dụng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hoạt động này. Với tinh thần “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, cùng trách nhiệm đối với xã hội và tình yêu thương con người, mỗi chúng ta hãy cùng nhau góp sức cho phong trào hiến máu tình nguyện bằng cách tích cực tuyên truyền, vận động tới tất cả mọi người sẵn sàng hiến tặng những giọt máu thắm đượm tình người để cứu sống những người bệnh trong cơn hiểm nghèo.