Năng động tình nguyện Sài Gòn
15:41 13/06/2011 1954
Thanh niên tình nguyện Thức khuya dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho người nghèo, bày sách ra giữa công viên cho mọi người đọc, tất tả xuôi ngược dạy chữ cho trẻ khiếm thị... Rất nhiều bạn trẻ Sài Gòn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong công việc tình nguyện.</div>
Thức khuya dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho người nghèo, bày sách ra giữa công viên cho mọi người đọc, tất tả xuôi ngược dạy chữ cho trẻ khiếm thị... Rất nhiều bạn trẻ Sài Gòn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong công việc tình nguyện.
Chiếu sách trong công viên Sáng chủ nhật nào ở các công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định (TP.HCM) cũng có các... thư viện mở cửa từ 8g-17g! Đó là công trình độc đáo của bạn Nguyễn Thu Hiền và Nguyễn Thị Thảo (ĐH Kinh tế) cùng gần 20 sinh viên nhiệt thành của nhóm “Góp sáng”. Các bạn đến công viên, bày chiếu sách ra mời mọi người đọc. Chủ nhật nào “thư viện” cũng phục vụ hàng trăm lượt người đọc, từ HSSV đến các em nhỏ, các gia đình đưa con cái đi chơi. Bạn Nguyễn Thị Kiều Trinh (SV ĐH Tôn Đức Thắng), một “khách hàng”, cho biết: “Đọc sách trong một không gian xanh là điều quá tuyệt!”. |
Lớp học không ánh sáng
Từ hai năm nay, bất kể nắng mưa, có một nhóm khoảng 20 bạn sinh viên từ các trường ĐH tại TP.HCM: Y dược, Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Kinh tế... tình nguyện làm gia sư cho các em khiếm thị tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Từ 17g30-19g mỗi ngày, trong căn phòng nhỏ của trường mù, các thầy cô giáo trẻ kèm cặp văn, toán, lý, hóa, tiếng Anh... từ cấp I đến cấp II cho các em. Trong thế giới không ánh sáng ấy, mỗi gia sư tình nguyện phải nỗ lực nhiều hơn. Khó khăn cho cả người học và người dạy khi học trò thì học chữ nổi, còn gia sư sử dụng sách giáo khoa bình thường.
Huỳnh Đăng Duy (SV ĐH Bách khoa, phó chủ nhiệm CLB) cho biết: “Trước mỗi giờ dạy phải chuẩn bị xem cần nói những gì với các em. Khó nhất là dạy toán, vật lý vì phải tìm cách diễn đạt, phải dùng miếng xốp gắn kim định vị cho các em hình dung chính xác hình ảnh. Các em học nhanh hiểu, nhưng một số lại có tâm lý không tin vào khả năng của mình nên không chỉ dạy học, tụi mình còn cố gắng chia sẻ cảm xúc để các em thấy việc học không phải áp lực quá lớn”.
Vì vậy việc tuyển tình nguyện viên cho nhóm cũng khắt khe: không chỉ cần người có kỹ năng mà quan trọng là thái độ, khả năng giao tiếp. Các em học sinh khiếm thị rất nhạy cảm, tình nguyện viên phải giao tiếp sao cho khéo, tránh làm tổn thương các em.
Nguyễn Kỳ Phong, một học sinh khiếm thị, tâm sự: “Học hai năm với các anh chị môn toán, lý em tiến bộ hơn nhiều. Lúc trước em chỉ học trung bình, giờ đã lên học sinh khá”.
Cứ thế, hàng trăm lượt học sinh khiếm thị đã học qua các anh chị gia sư tình nguyện. Kỳ vọng của các bạn là giúp các em hoàn thành chương trình phổ thông và thực hiện được ước mơ vào ĐH. Sắp tới đây nhóm sẽ chính thức thành lập CLB Gia sư tình nguyện “Ươm mầm” và tuyển thành viên qua website traitimthienthan.com, mở rộng việc dạy đến các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ...
Ở quán cơm 2.000 đồng
Bát cháo yêu thương Các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ấm lòng với “Bát cháo yêu thương” của nhóm từ thiện “Hãy yêu”. “Bát cháo yêu thương” là chương trình định kỳ hai tuần/lần của của chàng trai trẻ Đoàn Trần Hoàng Vũ cùng các thành viên www.hayyeu.net lập ra từ ba tháng nay. |
Đội ngũ hơn 20 nhân viên làm việc thường xuyên tại quán tuổi đời còn khá trẻ, chủ yếu là các bạn SV, phần lớn đều làm không lương, có thời gian rảnh là tranh thủ tới quán phụ việc. Có bạn đọc báo biết tới quán, có bạn được bạn bè rỉ tai, cũng có bạn tới ăn một vài lần rồi tình nguyện ở lại phục vụ - tất cả đều muốn dành chút công sức để bữa ăn cho người nghèo thêm tươm tất. Bà Từ Quần Muội (71 tuổi, Q.1), một người nghèo thường ăn ở tiệm cơm này, nói: “Quán cơm giá rẻ và các cháu phục vụ rất dễ mến, tận tình”.
Bùi Thị Thoa (SV ngành kế toán, ĐH Kinh tế) cho biết: “Có lúc cao điểm khách tới đông, tuy khá cực nhưng mọi người dặn dò nhau luôn cư xử nhẹ nhàng, chu đáo, tôn trọng khách”.
Bạn Nguyễn Nhật Quang (SV ĐH Mở TP.HCM), “nhân viên” của quán, chia sẻ: “Có hôm khách đến tặng 800kg gạo, mình và một bạn nữa vác tất cả lên lầu trong một buổi trưa. Cũng có đêm đang ngủ tại quán, nghe có mạnh thường quân đến hỗ trợ mấy trăm ký rau củ là tụi mình bật dậy làm ngay...”.
Tình nguyện là đi học
“Dạy các em học tụi mình cũng học được kỹ năng giao tiếp với người khiếm thị, sự kiên nhẫn và sáng tạo trong truyền đạt” - Huỳnh Đăng Duy của nhóm “Ươm mầm” cho biết. Còn Vũ Đắc Hoàng Ân, SV ĐH KHTN - chủ nhiệm CLB Gia sư tình nguyện này, khẳng định: “Chính việc giao tiếp, giảng dạy cho các em làm mình năng động lên nhiều, sống tình cảm hơn và còn tích lũy được một số tài lẻ: kể chuyện cười, trở thành nhà tư vấn tâm lý cho các em khi cần...”.
Nguyễn Nhật Quang chia sẻ: “Cuộc sống của mình thay đổi từ khi làm ở quán cơm 2.000 đồng. Lúc trước, ngoài giờ học mình chỉ đi chơi vô bổ, giờ mình cảm thấy sống có ích hơn, ý nghĩa hơn với công việc này. Mình đã tăng thêm vốn sống, có dịp tiếp xúc, tìm hiểu nhiều mảnh đời khó khăn. Nhiều bạn đến đây để tình nguyện và cũng để học tập, tích lũy kinh nghiệm sống...”.
Tweet