Mang thư viện lên vùng cao
11:10 28/07/2012 2397
3 Phong trào Rời thành phố náo nhiệt, một nhóm nữ sinh viên TP.HCM đã quyết định lên xã nghèo vùng sâu Gia Bắc (huyện Di Linh, Lâm Đồng) giúp trẻ em và bà con phát triển cuộc sống.
Trẻ em Gia Bắc thích thú với những cuốn sách, đồ chơi mới trong thư viện cộng đồng |
Họ là những tình nguyện viên mang dự án Thư viện cộng đồng (của Tổ chức tình nguyện Eco Việt Nam Group) đến với trẻ em K’Ho. Các cô gái thay phiên nhau lên Gia Bắc theo từng nhóm 2-3 người để cùng dạy học, vui chơi với trẻ em địa phương ngay tại thư viện cộng đồng.
Đang là sinh viên năm cuối ĐH Ngân hàng TP.HCM, trước khi tốt nghiệp, Phan Thị Lan Anh quyết định trải nghiệm cuộc sống mới lạ ở núi rừng Tây nguyên khi đăng ký tham gia dự án Thư viện cộng đồng. Mùa hè này, cô sinh viên quê Gò Công Đông (Tiền Giang) xin ba mẹ lên với trẻ em nghèo Gia Bắc quản lý thư viện, giúp các em có cơ hội tiếp cận với tri thức; cạnh đó cô cũng hỗ trợ người dân nơi đây phát triển kinh tế. Lan Anh cho biết: “Mỗi nhóm lên Gia Bắc trong thời gian 2-4 tuần rồi về lại thành phố. Cuộc sống ở đây nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ cũng giúp tụi mình rèn luyện, trải nghiệm nhiều bài học ý nghĩa...”.
Dự án Thư viện cộng đồng do nhóm tình nguyện Eco Việt Nam thành lập với hơn 700 đầu sách thiếu nhi, khoa giáo, truyện tranh, đồ chơi, dụng cụ học tập được các mạnh thường quân và tình nguyện viên quyên góp, ủng hộ. Thư viện được đặt tại xã Gia Bắc (huyện Di Linh, Lâm Đồng). Đây là xã nằm sâu trong núi rừng phía đông nam tỉnh Lâm Đồng, cách thị trấn Di Linh hơn 40km với dân số chủ yếu là người đồng bào dân tộc K’Ho. |
Cũng giống như Lan Anh, thay vì đầu tư tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Hồng Nhung (sinh viên năm cuối ĐH Sư phạm TP.HCM) lại dành khoảng thời gian hè để lên Gia Bắc tình nguyện. Theo Nhung, cô đi để thử cảm giác rời xa thành phố như thế nào. Nhưng những gì Nhung nhận lại được là niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao với cô: đó là những nụ cười của trẻ em Gia Bắc khi được tiếp cận với sách vở, những trò chơi mới lạ. “Khác với trẻ em thành phố, trẻ em ở Gia Bắc rất thích thú khi lần đầu thấy mô hình quả địa cầu, gấu bông, máy tính, bản đồ, các dụng cụ học tập rất bình thường khác...” - Nhung cho biết.
Trẻ em K’Ho ở Gia Bắc quanh năm lên rẫy, phụ bố mẹ trồng bắp, làm cỏ cà phê nên từ khi thư viện cộng đồng mở cửa, có nhiều sách mới, truyện hay, đồ chơi lạ ngày nào bọn trẻ cũng rủ nhau đến thư viện.
K.N.Hiển và bạn bè tranh thủ những giờ không đi rẫy kéo cả bọn qua thư viện đọc sách, vui chơi. “Thư viện có nhiều sách đẹp, truyện hay lắm. Sắp tới mấy chị về chắc mỗi lần qua thư viện buồn lắm” - K.N.Hiển nói.
Tweet