Lính trẻ Hà Nội chắc tay súng ở Trường Sa
15:03 28/05/2014 1246
3 Phong trào Những người lính Thủ đô trên đảo Trường Sa, họ đều là những thanh niên trẻ, mơ mộng, lãng mạn đậm chất “thanh niên Thủ đô” nhưng đến với Trường Sa cũng chẳng kém phần rắn rỏi, ngày ngày chắc tay súng bảo vệ vùng biển quê hương.
Tạm gác hạnh phúc cá nhân
Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội. Nhà đông anh em, lại là anh cả nhưng Tưởng vẫn tạm gác trọng trách gia đình, trở thành người lính Trường Sa. Hiện Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng đang công tác tại đảo Thuyền Chài B, một hòn đảo chìm với bao khó khăn do địa hình và thời tiết. Đáng nói, là dù sinh năm 1983 nhưng Tưởng đã có thâm niên 13 năm đứng trong hàng ngũ những người chiến sỹ bộ đội cụ Hồ, trong đó, 11 năm là người lính Hải quân Trường Sa, lần lượt qua 6 đảo, ngày ngày đứng nơi đầu sóng, canh giữ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội. Nhà đông anh em, lại là anh cả nhưng Tưởng vẫn tạm gác trọng trách gia đình, trở thành người lính Trường Sa. Hiện Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng đang công tác tại đảo Thuyền Chài B, một hòn đảo chìm với bao khó khăn do địa hình và thời tiết. Đáng nói, là dù sinh năm 1983 nhưng Tưởng đã có thâm niên 13 năm đứng trong hàng ngũ những người chiến sỹ bộ đội cụ Hồ, trong đó, 11 năm là người lính Hải quân Trường Sa, lần lượt qua 6 đảo, ngày ngày đứng nơi đầu sóng, canh giữ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Chắc tay súng giữ vùng biển quê hương |
Trong cuộc trò chuyện, Nguyễn Viết Tưởng nhớ như in ngày đầu nhận nhiệm vụ ra đảo Song Tử Tây. Nhập ngũ năm 2002, tháng 7-2003, Tưởng nhận nhiệm vụ ra Trường Sa công tác. Vốn chẳng quen với nắng, gió biển mặn chát hơi muối, nhưng được sự động viên của cấp trên, sự chia sẻ của anh em trong đơn vị, Tưởng đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, do đặc thù công tác nơi đảo xa, mỗi năm, Tưởng chỉ được về thăm gia đình 1 lần. Cũng bởi vậy, mỗi lần về thăm nhà như một dấu mốc mà Tưởng không thể quên. “Em nhập ngũ năm 2002, về thăm nhà lần đầu năm 2003, lần thứ hai vào tháng 7-2005, lần 3 vào tháng 7-2008, lần 4 là tháng 1-2010, lần 5 là tháng 7-2011, lần 6 là tháng 7-2013. Kể từ khi nhập ngũ tới nay, em đã có hơn 80 tháng công tác trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa”, Tưởng bộc bạch.
Đáng nói, năm 2011, Tưởng xây dựng gia đình với cô giáo Thủy hiện đang công tác tại trường mầm non Đông Sơn, Chương Mỹ, nhưng chỉ 1 tháng sau ngày cưới, người lính trẻ Trường Sa đã lên đường làm nhiệm vụ. Tháng 9-2012, vợ sinh con trai đầu lòng, nhưng phải 10 tháng sau Tưởng mới được về thăm gia đình và gặp mặt con. Tưởng nhớ lại: “Lúc em xuống tàu, cả gia đình và vợ con ra tận ga Hà Nội để đón. Gặp lại bố mẹ, vợ và nhất là cậu con trai 10 tháng tuổi, em không nói được gì, niềm vui không thể diễn tả bằng lời”. Ở nhà với con được 1 tháng, Tưởng lại lên đường nhận nhiệm vụ tại đảo Thuyền Chài B, cho đến nay, con đã bi bô biết gọi bố nhưng vì nhiệm vụ, Tưởng chưa thể về thăm gia đình, thăm con.
Nói về những tháng ngày trên đảo Trường Sa, Tưởng cho biết, cuộc sống của các chiến sỹ trên đảo bây giờ đã thay đổi rõ rệt, từ đời sống vật chất đến tinh thần, nhất là sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo, có thể liên lạc với người thân, nắm bắt tình hình trong đất liền vì vậy mọi người cũng yên tâm làm nhiệm vụ hơn. “Điện thoại bắt đầu phủ sóng các đảo Trường Sa từ năm 2007. Còn lại, trước đó, mối liên hệ duy nhất với gia đình là qua thư, nhưng một năm cũng chỉ được 2-3 lần gửi thư về, có khi thư gửi nửa năm nhưng gia đình mới nhận được”, Tưởng nhớ lại.
Đại diện lãnh đạo Thành ủy Hà Nội động viên Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng đang công tác tại đảo Thuyền Chài B |
Khí chất Hà Nội nơi Trường Sa
Năm 2011, mặc dù đang công tác tại tại Đoàn nghi lễ Quốc gia đóng tại Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội, nhưng Thiếu úy Vũ Viết Nam, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ vẫn viết đơn, tình nguyện xin ra Trường Sa công tác. Sau gần 3 năm trở thành lính Hải quân, người lính trẻ Thủ đô 27 tuổi đã đậm chất sương gió, rắn rỏi của người lính Trường Sa với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo dù có phải hy sinh. “Giờ thì em đã trở thành người lính Trường Sa thực thụ rồi”.
Nói về hành động viết đơn tự nguyện xin ra Trường Sa, Nam cho biết: “Bạn bè em công tác tại Trường Sa kể về nơi đây rất nhiều. Thêm vào nữa, tuổi trẻ em cũng mong muốn phấn đấu, rèn luyện mình vì lý tưởng. Bởi vậy, khi viết đơn tình nguyện, em cũng đã xác định được những khó khăn, khắc nghiệt của môi trường sống ở đây. Và đây xem như một sự trải nghiệm lớn trong cuộc đời em”.
Kể từ khi nhận công tác tại đảo Thuyền Chài B đến nay, đây là lần đầu tiên Tưởng được gặp gỡ, trò chuyện với những người đến từ Hà Nội. “Hơn một năm rồi em mới lại được gặp gỡ những người cùng quê hương ra đây thăm, động viên anh em trên đảo nói chung và bản thân em nói riêng. Cảm giác như gặp được người thân quen, em vui lắm…”, Tưởng nói trong nghẹn ngào. Ấy vậy mà khi nói đến trách nhiệm của người lính, Tưởng và Nam đều hồ hởi: “Em rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên làm người con Thủ đô. Cũng bởi vậy, khi nhận nhiệm vụ tại đây, em luôn nhận thức được trách nhiệm của mình, luôn tâm niệm mình phải nỗ lực, làm sao xứng đáng với tình cảm mà quê hương dành cho mình ở ngoài này, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. Và trên hết, cả Tưởng và Nam đều cho biết, muốn tiếp tục ở Trường Sa làm nhiệm vụ, vì tuổi trẻ phải biết cống hiến cho quê hương, đất nước.
Gửi gắm tình cảm cũng như lời nhắn về đất liền, hai Thiếu úy trẻ Nguyễn Viết Tưởng và Vũ Viết Nam cho hay, gia đình cũng như mọi người trong đất liền hãy yên tâm, hãy tin tưởng vào tất cả anh em ở đây, mọi người vẫn luôn chắc tay súng, bảo vệ biển đảo quê hương. “Những ngày qua, tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, nhưng mọi người hãy yên tâm, ngoài này vẫn bình an, vững tâm và cùng chung một ý chí, thà hy sinh chứ không để mất đảo”.