Lan tỏa tình yêu biển, đảo qua truyện tranh

16:18 03/04/2018     946

3 Phong trào   Web.ĐTN: “Gạc Ma và những người anh hùng” là bộ truyện tranh tái hiện cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ trên đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3 cách đây tròn 30 năm (1988-2018) do hai học sinh miền đất lửa Quảng Trị thực hiện.
Bằng tất cả tình yêu với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, qua những nét vẽ mộc mạc, các em đã gửi một thông điệp vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là với những bạn trẻ, rằng: Biển, đảo Tổ quốc luôn là phần máu thịt trong trái tim của mỗi người con đất Việt! 

4566
Cô giáo Trần Thị Thanh Ước và hai em: Ngọc Như, Diệu Huyền- nhóm tác giả thực hiện bộ truyện tranh “Gạc Ma và những người anh hùng”

Bộ truyện tranh “Gạc Ma và những người anh hùng” được thực hiện bởi hai em học sinh Mai Ngọc Như, lớp 9 và Nguyễn Diệu Huyền, lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi (thành phố Đông Hà – Quảng Trị) với sự cố vấn của cô giáo Trần Thị Thanh Ước.

Vượt qua gần 200 tác phẩm dự thi, tác phẩm này đã được trao giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2017- 2018 vừa được tổ chức từ ngày 10-13/3/2018 tại thành phố Vinh (Nghệ An). Giải thưởng càng trở nên ý nghĩa hơn trong những ngày cả dân tộc tưởng niệm 30 năm các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Từ lúc ấp ủ thực hiện đến khi hoàn thành tác phẩm, 3 cô trò đã mất đến 5 tháng thực hiện. Em Huyền phụ trách phần vẽ tranh, em Như phụ trách phần lời tranh, còn cô Ước cố vấn và hướng dẫn các em thực hiện bộ truyện tranh ý nghĩa này. Ba cô trò đã thực hiện bộ tranh với tất cả tâm huyết, tình yêu và tấm lòng tri ân đối với những người anh hùng Gạc Ma.

Trong quãng thời gian ấy, ngoài tập trung vẽ tranh và liên kết nội dung các bạn học sinh cũng đã được tìm hiểu rất nhiều câu chuyện lịch sử liên quan, gặp gỡ với những nhân chứng trở về từ cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma. Qua đó, từ mỗi trang viết, mỗi hình vẽ các em thể hiện không chỉ mang đến câu chuyện lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma mà còn thể hiện, gửi gắm tình cảm đặc biệt của mình đối với những người anh hùng.

Em Như chia sẻ: “Tập truyện tranh mà chúng em thực hiện kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ công binh hải quân khi tôn tạo đảo Gạc Ma cách đây tròn 30 năm. Chúng em chọn đề tài này nhằm chia sẻ với các bạn trẻ những kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử biển, đảo của Tổ quốc, góp phần khơi dậy việc ham thích học lịch sử của các bạn trẻ. Qua đây, góp phần bồi đắp tình yêu của các bạn với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và thấy được trách nhiệm bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Vì câu chuyện được vẽ bằng tranh, thể hiện bằng lời bình ngắn gọn, đầy đủ nên người đọc rất dễ hình dung trọn vẹn sự kiện bi hùng năm xưa”.

Với những nét vẽ công phu, câu chuyện lịch sử về trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 đã được các em tái hiện một cách dung dị nhưng lại vô cùng sâu sắc, ý nghĩa. Em Huyền xúc động nói: “Khi nghe chúng em trình bày tác phẩm dự thi, ban giám khảo tỏ ra rất hài lòng. Trong đó các bác cựu chiến binh hết lời khen ngợi về ý nghĩa từ tác phẩm của chúng em. Điều ấy đã làm chúng em cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào. Khi được nhận giải cao tại cuộc thi, chúng em cảm thấy rất vui mừng và khiến bản thân em thấy mình càng có trách nhiệm hơn nữa trong học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Tác phẩm ý nghĩa và tâm huyết của các em đã góp phần tạo được sự lan tỏa, khơi gợi tình yêu biển, đảo của Tổ quốc trong các bạn trẻ. Còn đối với cô Ước và hai em, thì đây chính là món quà ý nghĩa mà họ muốn tri ân đối với những người anh hùng chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm xưa.

Cô giáo Trần Thị Thanh Ước bày tỏ: “ Với tư cách là một giáo viên, tôi xác định là có trách nhiệm ươm mầm tài năng cho các em, vun đắp tình yêu Tổ quốc trong các em. Tác phẩm được cô trò chúng tôi dành nhiều tâm huyết thực hiện cũng là một món quà hằng ấp ủ để tri ân những người anh hùng Gạc Ma. Mong muốn của chúng tôi là tạo được sức lan tỏa tình yêu biển, đảo Tổ quốc trong lòng các bạn trẻ, những em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường qua bộ truyện tranh”.