Làm kinh doanh nuôi dự án từ thiện
09:55 16/11/2012 1974
3 Phong trào Từ que kem vứt đi trở thành hộp quà lưu niệm, từ vườn rau thành dự án kinh doanh hàng tỷ đồng, các câu lạc bộ tình nguyện đang tự tìm cách gây dựng nguồn quỹ lớn để phục vụ cho nhiệm vụ chính là từ thiện.
Là câu lạc bộ có thâm niên hoạt động ở Hà Nội, Tình nguyện Trẻ gần đây đang thử sức mình ở các dự án kinh doanh cũng chỉ đẻ có thêm nguồn làm từ thiện. Hội nhặt rác Hồ Gươm, là một trong những nhóm hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ này. Hội chuyên nhặt rác quanh Hồ Gươm vào chiều chủ nhật hằng tuần. Lượng que kem, ống hút và một vài vật dụng có thể tái chế khá nhiều, một nhóm các tình nguyện viên đã nảy ra ý tưởng làm sản phẩm gây quỹ.
Từ các que kem vứt đi, nhóm đã tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo như khung ảnh, hộp bút, cối xay gió, hộp đựng trang sức, đèn trang trí. Trong đó, hai mô hình chùa Một Cột đã được tặng và bán đấu giá gần 700.000 đồng.
Các sản phẩm tái chế được bày bán ở các hội trại, chương trình tình nguyện. |
Hội thường bày bán sản phẩm ở các chương trình tình nguyện, hội trại ở các trường đại học, trung học phổ thông. Vừa bán hàng, các thành viên vừa dạy các bạn trẻ cách làm sản phẩm tái chế mà mình thích, đây là hoạt động nhằm thu hút nhiều khách hàng vào xem và mua sản phẩm. Các mẫu hàng kiểu đơn giản có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng, loại đắt hơn thì từ 40.000 đến 100.000 đồng.
Sản phẩm làm ra được sự ủng hộ nhiệt tình của người mua. Hương (Cổ Nhuế, Hà Nội), một thành viên của hội cho biết: "Hội luôn trong tình trạng thiếu hàng, vì sản phẩm làm thường bán hết veo. Có những sản phẩm độc đáo, khi hết hàng thì khách phải đặt làm, bọn mình sẽ giao hàng sau".
Mỗi buổi, nhóm thường bán được từ 15 đến 20 sản phẩm, thu được 400.000 đến 500.000 đồng, trừ chi phí mua màu tô và keo dán, còn lại 350.000 đồng đưa vào quỹ hội. Hội sẽ sử dụng quỹ này cho các dự án từ thiện hay đi thăm các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Huyết học.
Sau gần một năm triển khai, dự án vẫn chỉ thực hiện nội bộ, nhóm mong muốn khi có lượng sản phẩm ổn định sẽ mang đến giới thiệu ở các cửa hàng lưa niệm hay bán qua mạng. Thủy, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cho biết: "Nhóm đang tìm kiếm đối tượng trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ ở các trung tâm để dạy cách làm, hy vọng công việc sẽ tạo ra thu nhập, cải thiện điều kiện sống của các em".
Ra đời muộn hơn một năm so với dự án tái chế, Cơm 5.000 Hà Nội của Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ chọn kinh doanh từ thiện bằng những suất cơm giá rẻ cuối tuần. Từ tháng 9 đến nay, nhóm đã bán được 700 suất đồng đến tay những người lao động nghèo ở khu vực cầu Mai Động. Hình ảnh các bạn trẻ áo vàng, mang tạp dề với những suất cơm giá rẻ dần trở nên quen thuộc với người lao động ở đây.
Sau 2 tháng thực hiện, "Cơm 5.000 Hà Nội" đã mang đến 700 suất cơm cho người lao động nghèo |
Nguồn tài chính ban đầu do các thành viên đóng góp, bên cạnh đó nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, tổ chức, không chỉ góp bằng tiền mà còn ủng hộ thực phầm, dụng cụ chế biến.
Mỗi suất cơm có giá trị thực là 18.000 đồng, vì vậy mỗi tuần dự án phải chi ra khoảng 1,5 triệu đồng để bù lại khoản chi phí còn thiếu từ việc bán hàng. Sau 8 đợt triển khai, tổng kinh phí thực hiện dự án là 14,5 triệu, trong đó số tiền nhận được từ đóng góp xã hội là 13,4 triệu đồng, khoản thiếu hụt còn lại do các thành viên ban dự án tự túc bỏ ra.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vì hoạt động chưa chuyên nghiệp, ủng hộ từ xã hội cũng chưa nhiều. song các bạn trẻ vẫn quyết tâm mở rộng mô hình Cơm 5.000 ra thêm một địa điểm nữa ở cảng Vân Đồn, bán 60 suất cơm từ tháng 11.
“Mục tiêu lâu dài của Cơm 5000 Hà Nội là mở quán, sau đó, sử dụng chính lợi nhuận này để duy trì và mở rộng quy mô các hoạt động thiện nguyện”, anh Bùi Quang Long, trưởng ban dự án chia sẻ.
Một câu lạc bộ khác cũng đang nổi "đình đám" nhờ các dự án kinh doanh từ thiện là nhóm Vì Cộng Đồng. Thành lập hơn 3 năm, Vì Cộng Đồng đã gây được ấn tượng mạnh với nhiều dự án kinh doanh lớn nhỏ, từ sạp bán báo gây quỹ để phát bánh mỳ miễn phí chiều chủ nhật hàng tuần. Hiện nay, câu lạc bộ hướng đến sự phát triễn bền vững cho hình thức kinh doanh từ thiện với dự án Vườn rau VCĐ.
Mô hình đến nay đã được triển khai ở TP HCM, Hà Nội và mới đây ở Đà Nẵng. Đây là dự án chuyên trồng và cung cấp rau sạch miễn phí cho các trung tâm bảo trợ xã hội, viện dưỡng lão, bếp ăn từ thiện. Sau hơn một năm ra đời, Vườn rau VCĐ đã cung cấp hàng chục tấn rau sạch từ thiện, thu hút gần 7.000 lượt bạn trẻ, học sinh tham gia lao động và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Tại TP HCM, dự án được tài trợ bởi một ngân hàng với tổng kinh phí đầu tư là 400 triệu đồng và hai héc ta đất nhà xưởng. Đến nay, sau một năm trồng rau sạch, câu lạc bộ tiếp tục triển khai mô hình VAC. Dự kiến sau hai năm, dự án sẽ thu về 1,8 tỷ đồng, trong đó 50% dùng tài trợ trực tiếp cho các trung tâm và bếp ăn bằng sản phẩm, 50% còn lại sẽ dùng làm vốn xoay vòng tiếp tục mở rộng dự án.
Tại Hà Nội, với hơn hai héc ta đất mượn từ xưởng mộc Xuân Phúc, dự án được anh Tạ Quốc Khánh, đồng thời là trưởng ban cố vấn của câu lạc bộ tài trợ 200 triệu đồng để đầu tư về giống, nhân lực, công nghệ. Ngoài một héc ta rau sạch và trại nuôi gà 50 con, các tình nguyện viên Hà Nội còn trồng nấm và hoa để phát triển kinh tế. Anh Khánh cho biết: "Vườn đang ươm trồng 500 cây hoa ly và một số loại hoa khác để cung cấp ra thị trường dịp tết năm nay".
Ngoài trông rau, dự án Vườn rau Vì Cộng Đồng đang triển khai mô hình VAC trong thời gian tới. |
Khi đã có số lượng rau ổn định, câu lạc bộ sẽ mở những cửa hàng rau sạch mang thương hiệu Vì Cộng Đồng, xa hơn nữa là mở các quán cơm từ thiện được chế biến bằng nguyên liệu từ chính vườn rau của mình. Để làm được điều này, các thành viên đang làm các thủ tục cần thiết để đăng ký thương hiệu, đồng thời cố gắng đến năm sau có được chứng nhận về rau sạch bảo đảm an toàn thực phẩm.
Từ một mô hình thực hiện trong nội bộ, dự án vườn rau Vì Cộng Đồng đang hướng đến việc đưa công nghệ, quy trình trồng rau sạch đến với người nông dân ở các vùng nông thôn để phát triển kinh tế. Người dân vừa có thêm thu nhập, vừa đưa được nguồn rau sạch lớn đưa ra ngoài thị trường, phục vụ cho người dân. Mục đích thiện nguyện được nhân rộng ra toàn cộng đồng.
Anh Nguyễn Tuấn Khởi, chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Cộng Đồng cho biết: "Vừa qua, Vườn rau của chúng tôi đã nhận được sự cam kết của hơn 20 CLB thiện nguyện trên cả nước tham gia vào dự án hỗ trợ thành lập các vườn rau ở các tỉnh, thành phố trong thời gian tới. Đây là dự án lớn cần có sự giúp đỡ của những người trẻ yêu tình nguyện trên cả nước. Mỗi người một tay giúp sức cho xã hội tốt đẹp hơn".
Bà Lê Thị Bình, Tổng giám đốc công ty dược phẩm Tâm Bình, nữ doanh nhân được vinh danh bởi những cống hiến trong hoạt động thiện nguyện đánh giá cao các hoạt động vì cộng đồng của giới trẻ hiện nay. "Làm kinh doanh thu lợi nhuận đã không dễ, làm kinh doanh để từ thiện còn khó hơn. Các bạn trẻ phải giữ được cái tâm trong sáng thì mới có thể tiếp tục trên con đường mình chọn".
Bà cũng cho rằng các bạn trẻ cần phải học hỏi nhiều hơn nữa về cách thức làm kinh doanh để có những hiểu biết nhất định. Sự hỗ trợ của các chuyên gia, doanh nghiệp là điều cần thiết giúp các bạn thực hiện những dự án tốt đẹp này.