"Không thể chấp nhận một nước lớn lại có hành động xâm chiếm, gây hấn"

09:17 15/05/2014     1250

3 Phong trào   Cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống  thiên tai châu Á (Ảnh: KL)
Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thiên tai châu Á (Ảnh: KL)
Là một người Mỹ đã sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm, ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thiên tai châu Á cho biết, ông rất quan ngại về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam và nhận thấy, tình hình đang trở nên nghiêm trọng. Có thể thấy, hành động của Trung Quốc đều có tính toán, đó là cách hành xử không tốt. Không thể có chuyện một nước có chủ quyền mà lại đi lấn lướt một nước có chủ quyền khác và càng không thể chấp nhận chuyện một nước lớn lại có hành động xâm chiếm, gây hấn với các nước xung quanh. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nếu nước nào có hành động nào đó ở bên ngoài biên giới của mình thì cộng đồng quốc tế sẽ có phản ứng và đáp trả. Việc Việt Nam đưa ra vấn đề Trung Quốc xâm chiếm thềm lục địa của mình ra Liên hợp quốc chắc chắn là một bước đi hiệu quả, vì đây là một cơ quan uy tín, có nhiều nước thành viên, nên nếu Việt Nam lên tiếng thì sẽ có nhiều nước biết đến tình hình thực tế tại Biển Đông.

“Phản ứng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay rất bình tĩnh và đúng đắn. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam, tôi thấy Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế, trong đó có cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các nhóm tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đưa ra bản Tuyên bố chung phản đối Trung Quốc. Về sau này, qua các kênh, chúng tôi sẽ chuyển tải đến chính phủ chúng tôi những thông tin cần thiết” - ông Greig Craft nói.

Tiến sĩ Ramesh Khadka (quốc tịch Nepal), nguyên là Trưởng đại diện của tổ ActionAid quốc tế tại Việt Nam cho rằng, sau tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Nay Pyi Taw (Myanmar), Việt Nam đã tạo được sự ủng hộ và đoàn kết của các nước ASEAN. Tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng rất rõ ràng và đúng đắn.

Theo Tiến sĩ Ramesh Khadka, những hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ tạo ra những phản ứng tiêu cực cho việc tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) và chắc chắn sẽ phải tiến hành nhiều cuộc đàm phán nữa về quyền lãnh thổ. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng và hai nước cần phải giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán, tuân thủ Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc. Việt Nam và Trung Quốc nên dựa vào cơ sở mối quan hệ cao cấp nhất giữa các nhà lãnh đạo hai nước tại các vòng đàm phán song phương, nhưng phải cùng cam kết tuân thủ các quy định pháp lý theo luật pháp quốc tế về Luật Biển. Trong các cuộc đàm phán đa phương, hãy tận dụng các nước ASEAN để có thể cùng đàm phán ở cấp cao nhất và cũng nên tham khảo cơ chế quốc tế, trong đó có điều khoản cho phép các siêu cường tham gia vào các cuộc đàm phán ở cấp quốc gia.

Cựu chiến binh Mỹ Chuck Searcy, hiện là cố vấn quốc tế của Dự án Project Renew giúp rà phá bom mìn còn sót lại ở Việt Nam cho rằng: “Giải pháp hữu hiệu nhất trong lúc này là đưa được các bên tới bàn đàm phán. Việt Nam vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của quốc tế không chỉ bây giờ mà đã từ lâu. Mặc dù, hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa có ý định ngồi vào bàn đàm phán nhưng tôi hy vọng sắp tới, họ sẽ thay đổi quan điểm vì lợi ích của riêng họ để tránh các cuộc xâm chiếm và xung đột. Trung Quốc đang đi quá xa và đẩy tình hình vào thế nguy hiểm không cần thiết. Tôi mong rằng, các bên hãy vì lợi ích chung mà giải quyết vấn đề một cách hoà bình và đáp ứng yêu cầu của từng bên. Cho đến nay, Việt Nam đã đi đúng hướng, vừa cương quyết vừa bày tỏ lo ngại, nhưng cũng rất thận trọng... Là một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam, tôi cho rằng, tổ chức phi chính phủ không có ảnh hưởng lớn trong tình hình hiện nay, nhưng chúng tôi muốn hoà vào tiếng nói chung để tránh bất cứ một cuộc chiến tranh hay đổ máu nào để người dân không bị hy sinh, tổn thương, mất nhà cửa...”.
Ông Park Sun Jong, Trưởng đại diện tổ chức CFIE (Ảnh: KL)
Ông Park Sun Jong, Trưởng đại diện tổ chức CFIE (Ảnh: KL)
Bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, ông Park Sun Jong (quốc tịch Hàn Quốc) - Trưởng đại diện tổ chức Civillian Fellowship Internatinal (CFIE) đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế. Trung Quốc là một nước lớn, phải có trách nhiệm trước thế giới. Trung Quốc có quan hệ với nhiều nước Đông Nam Á, có một số vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Chính vì vậy, Trung Quốc phải có trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định của những nước xung quanh. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: "Nếu tham lam những cây nhỏ, thì sẽ mất nhiều cây khác quan trọng hơn".

Bà Kim Young Shin - Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt – Hàn, rất chia sẻ với Việt Nam trong hoàn cảnh này. Những thông tin các diễn giả trình bày tại buổi họp do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức ngày 13/5, đã giúp cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hiểu thêm về tình hình Biển Đông và các hành vi sai trái của Trung Quốc. Theo bà Kim Young Shin, để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động kêu gọi ủng hộ của cộng đồng quốc tế và phổ biến thông tin, Việt Nam nên thành lập trang web riêng bằng nhiều thứ tiếng để tập hợp ý kiến ủng hộ và phổ biến thông tin nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng quốc tế hiểu lập trường của Việt Nam.

Tại buổi họp chia sẻ về tình hình Biển Đông do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức ngày 13/5, các diễn giả đã chia sẻ về lịch sử, khía cạnh pháp lý cũng như các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo các diễn giả, hành động này là bất hợp pháp và đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, trực tiếp là Công ước của Liên hơp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đi ngược lại nội dung thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hành động xâm phạm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời ra tuyên bố đề nghị Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Biển Đông. Việc Trung Quốc chấm dứt mọi hành động làm căng thẳng leo thang, rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ góp phần làm ổn định môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã ra tuyên bố đề nghị Liên lợp quốc và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, hàng triệu người nghèo và những người yếu thế tại nước có xung đột luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có Việt Nam, khi mà chính phủ đang nỗ lực hết sức để xóa đói giảm nghèo và tạo những cơ hội mới cho người nghèo sau nhiều năm chiến tranh"; đồng thời kêu gọi: “Ban Thư ký ASEAN và Liên hợp quốc ra thông cáo để yêu cầu chấm dứt sự xung đột ở Biển Đông cũng như cử các đoàn xác minh để thu thập thông tin và gợi ý giải pháp giải quyết xung đột”. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng kêu gọi người dân và các tổ chức xã hội của ASEAN, Trung Quốc và Việt Nam cung cấp thông tin khách quan về vụ xung đột đang diễn ra, đồng thời huy động người dân bảo vệ quyền sống trong hòa bình của mình.