Khi sinh viên làm từ thiện bằng...nhặt rác
10:01 26/11/2014 1475
3 Phong trào Mỗi cuối tuần, những sinh viên này rong ruổi khắp ngã đường để nhặt phế liệu. Số tiền bán phế liệu sẽ dành hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Đối với họ, không có việc làm gì là đáng ngại, khi nó xuất phát từ tấm lòng và giúp lan tỏa yêu thương.
Họ - những sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An), cùng sinh hoạt trong một CLB và thực hiện công việc tương đối "lạ": nhặt rác làm việc thiện.
Người nêu ý tưởng để thực hiện là Nguyễn Hữu Trường – sinh viên ĐH SP Kỹ thuật Vinh, nay đã là giáo viên tại một trường chuyên nghiệp thuộc Bộ quốc phòng. Trường vừa xin phép đơn vị về để thực hiện buổi trao quà đầu tiên sau nhiều ngày gom góp, nhặt rác của các thành viên.
“Trước đây em cũng đã nghe về hoạt động nhặt rác làm từ thiện của các anh chị đi trước nhưng không hiểu sao không thực hiện được lâu dài. Em chỉ là người kế thừa ý tưởng và triển khai thực hiện thôi”, Trường cho biết.
Cứ mỗi dịp cuối tuần, hơn 50 bạn trẻ lại đến từng ngõ ngách trong thành phố Vinh để nhặt ve chai. Đối với các bạn trẻ này, nhặt rác không phải là việc xấu hổ khi nó để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn. |
Khi đưa ý tưởng này bàn bạc với một số người bạn thân, có người cũng tỏ vẻ nghi ngại. Nhưng rồi, kế hoạch vạch ra một cách chi tiết, bài bản, khoa học, Trường thuyết phục được vài người bạn tham gia. Từ 7 người ban đầu, nay, hội sinh viên nhặt rác làm từ thiện đã có đến hơn 50 thành viên nam nữ, đến từ các trường ĐH khác nhau trên địa bàn thành phố.
Cứ vào cuối tuần, cả hội lại chia thành nhiều nhóm, ra đường hay đến từng khu nhà trọ, từng nhà dân để nhặt chai lọ hay xin những phế liệu người ta bỏ đi. “Ban đầu, mọi người nhìn bọn em cảnh giác lắm, cứ như kiểu sợ bọn em vào đây là để rình rập, trộm cắp ấy.
Sau khi nghe bọn em giải thích, các bác ấy thay đổi thái độ, còn mang những chai lọ, phế liệu trong nhà ra góp. Có bác còn cho thêm tiền để ủng hộ các gia đình khó khăn”. Rồi các cô chú chủ vựa phế liệu cũng giúp sức, ngoài số tiền mua phế liệu còn tặng thêm cho tròn tiền nữa”, Lê Thị Thủy- thủ quỹ của hội, kể.
“Khi hiểu ý nghĩ của hoạt động này, chúng em được các bác, các cô chú, anh chị giúp đỡ nhiều lắm. Các bác chủ dãy trọ còn bảo, bác để dành phế liệu cho, cuối tuần đến lấy. Các bác còn vận động các hộ dân lân cận để chai lọ, lon bia, giấy vụn cho ...đồng nát trẻ tuổi.
Có lần, cả nhóm đẩy xe đạp, chất đầy bì chai lọ đi qua quán cà phê. Nhìn màu áo xanh tình nguyện, anh ấy hiểu, gọi cả nhóm vào, cho toàn bộ phế liệu trong kho, lại cho cho bọn em cả bánh để bồi bổ sức mà làm nữa”, Trần Thị Hằng (SN năm 3, ĐH Vinh) góp vui.
Những ''anh đồng nát'' mang màu áo xanh tình nguyện và trái tim hồng yêu thương. |
Trước câu hỏi "Đi nhặt phế liệu ngoài đường có ngại không?", Bùi Quang Sang (SV năm thứ 5, Khoa CNTT ĐH Vinh) – một thành viên của nhóm trả lời: “Không có việc gì phải ngại cả. Việc làm của bọn em xuất phát từ tấm lòng, để lan tỏa yêu thương. Chúng em có vất vả, có bị người ta trêu ghẹo nhưng cứ nghĩ đến những việc làm nhỏ nhoi này có thể giúp được ai đó thì những vất vả đó chẳng có ý nghĩa gì hết”.
Song những bạn trong nhóm cũng vấp phải những chuyện dở khóc, dở cười. Để nhặt được nhiều phế liệu hơn, không chỉ loanh quanh ở các khu nhà trọ, các khu gia đình. Các bạn quyết định “tấn công” vào các cơ sở kinh doanh. Ban đầu là các quán cà phê, quán ăn, sau đó là các nhà nghỉ. Vào các quán cà phê còn đỡ ngại chứ vào nhà nghỉ thì đúng là cười ra nước mắt.
Hằng kể, hôm đó, cả nhóm mặc áo xanh tình nguyện kéo nhau vào nhà nghỉ… xin rác. Vừa thấy mặt mấy đứa lò dò vào, mấy anh thanh niên buông lời trêu ghẹo. Khuôn mặt các bạn nữ chuyển dần sang đỏ nhưng vẫn cố gắng bình tĩnh để giải thích.
Anh chủ nhà nghỉ vui vẻ chỉ cho đống chai lọ đang tập kết ở sau nhà, còn dặn, lần sau cứ đến mà lấy, anh để dành cho. “Giờ một số quán cà phê, nhà nghỉ trở thành “mối ruột” của bọn em đấy”, Hằng cười khoe hàm răng khểnh của mình.
Đã có những chuyện dở khóc dở cười xảy ra nhưng không ngăn được tinh thần tình nguyện của các bạn trẻ. |
Sau gần 2 tháng chăm chỉ nhặt nhạnh từ vỏ chai nước, vỏ lon bia, tấm bìa cat-tông, nhóm bạn trẻ này đã gop góp được hơn 5 triệu đồng.
Thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhóm quyết định và lựa chọn trao 2 suất quà cho 2 gia đình có công với cách mạng, hoàn cảnh hết sức khó khăn ở huyện Thanh Chương, mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng.
Trên hành trình đã phát sinh tình huống ngoài dự kiến, nhóm quyết định “trích nóng” thêm 2 suất quà trị giá 200 nghìn đồng để trao tặng cho 2 gia đình khó khăn khác trong huyện.
“Lần đầu tiên tận mắt thấy được hiệu quả hoạt động của cả nhóm, mừng đến rơi nước mặt chị ạ. Nhận quà từ bọn em, các bác cứ ôm lấy mấy đứa mà khóc, cả bọn cũng khóc theo. Khóc vì thấy cuộc sống quanh mình còn nhiều người còn khổ cực quá.
Khóc vì thấy những cố gắng của cả nhóm cũng đã san sẻ được một phần nào đó, dù rất ít, những khó khăn, thiếu thốn của các gia đình. Khóc vì thấy mình đã không sống hoài, sống phí sức lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nhưng cái được lớn nhất của bọn em là đã biết sống khác, suy nghĩ khác. Không chỉ riêng em mà tất cả các bạn trong nhóm đều đã thay đổi cách sống từ khi tham gia các hoạt động tình nguyện.
Bây giờ, đi ngoài đường thấy chai nhựa là sẵn sàng cúi xuống nhặt mang về. Đi xem đá bóng cũng chăm chăm nhặt chai lọ người ra vứt trên sân. Giờ thì ai cũng thành “đồng nát” thứ thiệt rồi”, Lê Thị Thủy tâm sự.
Những đồng tiền gom góp được đã đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn |
Thành công bước đầu là động lực giúp các bạn trẻ thêm quyết tâm thực hiện mục đích ban đầu đưa ra. Những bóng áo xanh cuối tuần vẫn ào xuống phố, đến từng hang cùng ngõ hẻm, nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi, những thứ vốn được xem là rác thải để giúp những người nghèo khổ, thiếu may mắn hơn mình.
“Em đang vận động kinh phí để mở cửa hàng nước chè, nước mía gây quỹ cho hoạt động của nhóm. Chúng em có vất vả hơn nhưng bù lại, nhiều gia đình khó khăn có cơ hội được giúp đỡ hơn”, nhóm trưởng Nguyễn Hữu Trường cho biết.
Tweet