Kết nối nghĩa tình giữa đất liền với biển đảo
13:58 21/05/2015 1099
Thanh niên tình nguyện Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt, những món quà ý nghĩa nặng ân tình được gửi trao, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 trở thành sợi dây kết nối nghĩa tình giữa đất liền và biển đảo xa xôi.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương và đoàn viên, thanh niên Bình Dương trao quà cho chiến sĩ Đặng Hoàng Bạo trên đảo Nam Yết. Ảnh: Trường Phong. |
Nước mắt ngày gặp mặt
Ngày đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 đến thăm, tặng quà đảo Đá Thị cũng là ngày trung úy Đào Hồng Đông – Phó chỉ huy trưởng đảo Đá Thị được “gặp gỡ” gia đình. Anh Đông công tác tại đảo từ tháng 7/2014. Trước đó, từ năm 2012, anh công tác tại đảo Trường Sa lớn. Món quà dành cho anh Đông là một đĩa DVD ghi lại cảnh sinh hoạt của gia đình ở Mai Lĩnh (Hà Đông) – quê hương của anh cùng những lời động viên, nhắn gửi thân tình. Video cũng ghi lại hình ảnh cây bàng vuông anh Đông mang về từ Trường Sa đang lớn lên từng ngày. Mỗi khi nhớ con, mẹ anh Đông lại ra ngắm, tưới nước cho cây…
Anh Đông sinh năm 1987. Một phần vì công tác liên miên ngoài đảo xa xôi, một phần vì nhút nhát nên chưa có bạn gái. Trong lúc cả đảo vui liên hoan cùng đội văn nghệ xung kích của hành trình thì anh ngồi trong phòng một mình. “Mình ít nói, ngại giao tiếp nên chưa có bạn gái. Gia đình cũng hiểu và thông cảm nên không giục chuyện vợ con”, anh Đông nói.
Còn 2 tháng nữa sẽ về phép, nhưng thông qua hành trình, anh Đông cũng nhắn gửi với bố mẹ. “Con xin chào cả nhà. Nhận được lời nhắn gửi của mọi người con rất xúc động. Chúc cả nhà luôn mạnh khỏe, các cô chú, anh chị mạnh khỏe. Mong các cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Con ở ngoài này luôn mạnh khỏe, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, anh Đông nói.
Tại đảo Nam Yết, xem video hình ảnh gia đình cùng những lời nhắn gửi của người thân, chiến sĩ Đặng Hoàng Bạo sụt sùi thấy tóc mẹ bạc thêm, thấy ba già yếu. “Không biết ba còn đau bao tử nữa không. Tôi nhớ ba má nhiều lắm”, Bạo nói, mắt đỏ hoe. Bạo nhắn gửi: “Mẹ đừng ra đồng nhiều nữa, hãy ở nhà giữ cháu cho các anh chị. Ba cố gắng uống thuốc điều trị bệnh. Con ở ngoài này khỏe, công tác tốt, được anh em thương yêu, đùm bọc. Ba mẹ yên tâm, con cố gắng làm một đứa con ngoan, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, Bạo chia sẻ.
Bạo sinh năm 1991, ra Nam Yết được 10 tháng. Tính cả thời gian huấn luyện trên đất liền, đã 16 tháng Bạo chưa về thăm gia đình. “Mình nhớ ba mẹ, nhớ các cháu nhiều. Ba mình bị đau bao tử, còn mảnh đạn ghim trên đầu nên sức khỏe yếu”, Bạo nói.
Đông và Bạo chỉ là 2 trong nhiều chiến sĩ được nhận video ghi lại những lời nhắn gửi của gia đình làm quà tặng trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015. Để có được những video này, trước khi đi, đại diện hành trình đã đến thăm, tặng quà gia đình những chiến sỹ đang công tác tại Trường Sa. Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương, đợt này, thanh niên Bình Dương thực hiện được 7 video clip tặng lính đảo. Chị Trang cho biết, những năm qua tỉnh Bình Dương có nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương, năm nay được T.Ư Đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ thành lập đoàn văn nghệ xung kích phục vụ Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. “Tại sao lại không kết nối giữa những người thân với các chiến sĩ ngoài đảo”, chị Trang nói.
Theo rà soát, có 22 chiến sĩ quê Bình Dương đang công tác tại Trường Sa. Do giới hạn của chuyến công tác nên Đoàn chỉ đến được 7 điểm đảo để trao cho các chiến sĩ. “Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn kết nối đất liền với hải đảo. Nhiều trường hợp rất xúc động, khi đoàn đến thăm nhà, lúc đầu cả nhà cười nói rất vui vẻ, nhưng khi ghi lời nhắn cho các chiến sĩ, ai cũng khóc. Có người ra đảo lúc con vừa mới sinh, không có hình ảnh về gia đình. Đoàn quay phim vài lần, cậu bé vẫn không chịu mở lời vì “không biết bố là ai”, chị Trang kể.
Kết nghĩa nơi đảo xa
Nối tiếp truyền thống kết nghĩa giữa các Tỉnh, Thành Đoàn với các đảo ở Trường Sa, trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015, các thành viên chứng kiến lễ kết nghĩa của Tỉnh Đoàn Quảng Ninh với đảo Đá Thị. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp đứng ra ghép nối hai đơn vị. “Tỉnh Đoàn Quảng Ninh cần làm tốt chính sách hậu phương quân đội, tập trung chăm lo cho hậu phương, cha mẹ, vợ con của các chiến sĩ trên đảo Đá Thị, đặc biệt là những chiến sĩ quê ở Quảng Ninh. Ngoài ra, phải quan tâm đến những đồng chí chưa lập gia đình, chưa có bạn gái. Trang web của Tỉnh Đoàn phải mở thêm mục kết bạn cho lính đảo, có những thông tin cần thiết để các nữ đoàn viên kết bạn, tìm hiểu…”, anh Tuấn nói.
Trao quà cho lãnh đạo đảo Đá Thị, anh Lý Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh chia sẻ, rất vui mừng vì kết nghĩa với đảo Đá Thị. Theo anh Thành, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh có nhiều điểm chung, cũng như điều kiện hỗ trợ anh em trên đảo. “Quảng Ninh cũng có biển, đặc biệt, đợt đi Trường Sa lần này, Tỉnh ủy rất quan tâm, có gửi quà riêng cho các chiến sĩ ở Trường Sa. Quảng Ninh cũng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp cùng Tỉnh Đoàn trong việc này.
Tính đến hết ngày 12/5, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 đã đến thăm, tặng quà, giao lưu văn nghệ với các điểm đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin. Tại các điểm đảo, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ cảm xúc vui mừng và tự hào trước kết quả các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo hậu cần, hỗ trợ cho ngư dân… của các lực lượng đóng quân trên đảo. Theo anh Tuấn, các thành viên trong đoàn mong muốn chia sẻ, gửi gắm những tình cảm của quân dân, đặc biệt là của thanh niên trong đất liền đến với các chiến sĩ ở Trường Sa. “Chúng tôi xin hứa sẽ mang tình cảm của các đồng chí về với đoàn viên, thanh niên, quân dân đất liền, để mọi người hiểu, chia sẻ và tự hào hơn về các chiến sĩ. Chúng tôi cũng xin hứa sẽ cố gắng thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội để các anh vững tâm công tác nơi đầu sóng”, anh Tuấn nói.