Hà tĩnh: Màu áo xanh trên bản Rào tre

15:00 12/07/2011     3312

Thanh niên tình nguyện   Web.ĐTN: Trong những ngày này, bà con nhân dân Bản Rào Tre - xã Hương Liên - huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đang rộn ràng hơn với những bài giảng, những tiếng hát của các bạn sinh viên tình nguyện của trường Đại học Vinh.

Các bạn SVTN giúp nhân dân thu hoạch ngô
Bản Rào tre nằm lọt thỏm trong thung lũng, được bao bọc bởi dãy Ka Đay và thượng nguồn dòng sông Ngàn Sâu thơ mộng, cách đường mòn Hồ Chí Minh về phía Tây - Nam khoảng 4 cây số, cách trung tâm xã Hương Liên gần 5 cây số, là nơi định cư của đồng bào dân tộc Chứt với 33 hộ và trên 128 nhân khẩu. Mặc dù là địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của huyện Hương Khê nhưng mùa hè năm nay bản làng vui hơn khi có 32 bạn sinh viên tình nguyện về với đồng bào.

Với lịch hoạt động dày đặc, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm phục bởi  tấm lòng của các bạn sinh viên đối với mảnh đất này đầy gian khổ này. "Chúng tôi làm tất cả những gì bà con cần từ thu hoạch mùa màng, làm giao thông nông thôn, lợp lại mái nhà đã đổ nát, dạy cho con em cái chữ, tổ chức sinh hoạt văn nghệ cho bà con. Do đã phối hợp với Đoàn địa phương khảo sát, xác định được cơ bản các công việc cần thiết nên đội phân thành 3 nhóm làm việc, một nhóm giúp đồng bào thu hoạch mùa màng; một nhóm phối hợp với lực lượng chi viện của Đoàn địa phương và các chiến sỹ Đồn Biên phòng 575 làm nhà; nhóm còn lại dạy học bổ trợ kiến thức cho các em học sinh" đó là trao đổi của bạn Hồ Sỹ Truyền - Đội trưởng đội Tình nguyện. Công việc được phân công rất rõ ràng cho các bạn tình nguyện trong đội, mỗi người một việc nhịp nhàng trong suốt hành trình tình nguyện.

Những bàn tay hàng ngày chỉ biết đến sách vở, bút mực nay thoăn thoắt trong vai trò của một người nông dân đi cấy, đi giặt, xẻ gỗ, lợp tranh làm nhà cho bà con, những giọt mồ hôi ướt đẫm áo xanh dưới cái nắng 39độ của vùng miền núi chúng tôi mới cảm nhận đầy đủ nhất tinh thần thanh niên tình nguyện của các bạn sinh viên, không ngại khó khăn, gian khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân bản. Bạn Nguyễn Thị Chuyên, sinh viên năm thứ nhất, giơ bàn tay phồng đỏ, rộp hết da đang chuyển sang chai sần, mỉm cười, tâm sự “Về đây thấy cuộc sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, em thấy thương lắm. Dù vậy nhưng bà con đối xử với chúng em bằng tình cảm chân thành, rất nhiệt tình và yêu thương chúng em. Em nguyện đem tất cả những gì đã học được dạy lại cho các em học sinh ở đây và giúp đỡ bà con”. Bạn Hà Thúy Nga, sinh viên năm thứ hai khoa Sử vừa cấy lúa vừa nói: “Trước khi tham gia tình nguyện, bọ em đã biết trước những vất vả, về đây làm thấy mệt nhưng có thấm đến mô, con gái bọn em làm nỏ kém con trai”. Miệng nói, tay Nga vẫn thoăn thoắt làm không hề chậm nhịp.

Đến nay sau gần hai tuần triển khai, đội đã giúp các hộ dân của bản thu hoạch được 2 ha lạc xuân, gieo cấy 3,5 ha lúa; tu bổ 3 km đường giao thông thủy lợi nội đồng và hàng rào cái khu vực sản xuất nông nghiệp; sửa chữa, dựng mới 03 ngôi nhà; thành lập 6 lớp học bổ trợ kiến thức các môn văn hóa từ lớp 4 đến lớp 9 với 30 buổi học cho 56 em học sinh là con em của đồng bào dân tộc Chứt và một số thôn gần kề của xã Hương Liên; phối hợp với Đoàn xã Hương Liên, Đồn Biên phòng 575 tổ chức 6 buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền cho ĐVTN và bà con nhân dân một số kiến thức về Luật an toàn giao thông; Luật bảo vệ và phát triển rừng; chủ quyền biên giới biển, hải đảo; kiến thức về sức khỏe sinh sản…

Theo bạn Truyền, hoạt động tình nguyện của đội sẽ kéo dài tới hết ngày 20 tháng 7, trong thời gian tới đội sẽ tiếp tục tập trung dạy học, ôn tập kiến thức cho các em học sinh; tuyên truyền về Nước sạch và vệ sinh Môi trường Nông thôn; sức khỏe sức khỏe sinh sản, luật ma túy nâng cao kiến thức cho bà con, giúp bà con sản xuất vụ hè thu và làm đường giao thông nông thôn.

Chị Hồ Thị Thiêm, một người dân bản nói. “Chưa bao giờ tôi thấy nhiều thanh niên thế này, các cháu về đây giúp dân bản rất nhiều, ở đây mà được vậy là tốt lắm rồi. Nếu năm nào cũng có sinh viên tình nguyện về như thế này thì chắc bản Rào tre sẽ ngày một tươi đẹp hơn”.

Được chứng kiến các bạn làm việc quên thời gian, chuyện trò, nói cười rôm rả cùng bà con, tôi chợt nhớ đến câu nói của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” thật đúng, thật ý nghĩa. Sức trẻ và lòng nhiệt huyết của các bạn đã góp phần không nhỏ xây dựng bản làng ấm no, nâng cao trình độ dân trí cũng như tiếp thêm niềm tin mới cho dân bản.