Gieo chữ Việt trên đất Lào
12:32 23/08/2015 1267
3 Phong trào “Thầy cô” đứng lớp gieo chữ Việt trên những lớp học ở Lào là sinh viên tình nguyện Trường ĐH Vinh. Những lớp học dạy tiếng Việt trên đất nước Triệu voi càng thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Đều đặn mỗi ngày trong những ngày hè, sau bữa sáng vội vã, Bùi Thị Ngọc Ánh - lớp K54A2, khoa sư phạm ngoại ngữ Trường ĐH Vinh - cùng năm tình nguyện viên khác trong đội tình nguyện viên quốc tế Trường ĐH Vinh lại đến Trung tâm Phát triển thanh thiếu niên tỉnh Xiengkhuang (Lào) để chuẩn bị bút, viết cho tiết học mới. “Học trò” là những cán bộ, công chức tỉnh Xiengkhuang.
Theo tiếng đọc chữ cái của “cô giáo” Ngọc Ánh, những “học trò” người Lào rộn rã cả lớp học. Có những từ khó đọc, cần minh họa, Ngọc Ánh lại nhờ tình nguyện viên Lay Yang (tỉnh Savannakhet, lưu học sinh đang học tại Trường ĐH Vinh) phiên dịch để mọi người hiểu và dễ đọc hơn. Những rào cản về ngôn ngữ dường như xóa nhòa bởi sự giảng dạy nhiệt tình, tỉ mỉ của các bạn tình nguyện viên. Cứ thế lớp học tiếng Việt kéo dài tới tận gần trưa mới thôi.
Một buổi dạy tiếng Việt cho công chức Lào |
Đây là năm thứ hai Ngọc Ánh tham gia đoàn tình nguyện viên dạy tiếng Việt ở Lào. “Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã khó, nhưng đối với người Lào thì khó khăn hơn bởi cách phát âm và ngữ pháp của tiếng Việt và tiếng Lào hoàn toàn khác biệt. Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Latin, trong khi tiếng Lào thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, chịu những ảnh hưởng của tiếng Phạn. Khi dạy, ngoài chuẩn bị giáo án thì mình vừa phát âm nhưng cơ thể phải làm rất nhiều động tác tạo hình, thậm chí phải thể hiện bằng hình vẽ trên bảng để người học dễ hiểu hơn” - Ngọc Ánh tâm sự.
Bạn Hoàng Anh Tú - lớp K53, khoa xây dựng Trường ĐH Vinh - kể: “Mỗi ngày đội có nhiệm vụ giảng dạy ba ca sáng, chiều, tối cho gần 100 học viên là học sinh, người dân và cán bộ địa phương. Điều đáng mừng là các học viên rất hào hứng khi được học tiếng Việt và tiếp thu rất nhanh, nhiều người có thể nghe, đọc, viết tiếng Việt cơ bản chỉ sau hơn một tuần học”.
Lớp học dạy tiếng Việt tại tỉnh Xiengkhuang là một trong những hoạt động của đội tình nguyện quốc tế của Đoàn Trường ĐH Vinh tổ chức trong chiến dịch tình nguyện hè. “Đầu tháng 7, 30 tình nguyện viên, trong đó có sáu lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường ĐH Vinh, sang tỉnh Xiengkhuang chia thành năm đội dạy tiếng Việt. Các đội được bố trí chỗ ở gần điểm dạy và tự túc đi chợ nấu ăn, sinh hoạt, dạy học cho khoảng 600 học viên” - bạn Nguyễn Vân Anh, đội trưởng đội tình nguyện, cho biết.
Không chỉ thuần túy dạy học, các tình nguyện viên còn đóng vai trò là những “đại sứ” thiện chí cho tình hữu nghị hai nước Việt - Lào. Lồng vào bài giảng dạy tiếng Việt, các tình nguyện viên giúp học viên tìm hiểu về truyền thống, lịch sử hai nước; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tư vấn, hỗ trợ cho học sinh Lào có nguyện vọng đăng ký học tập tại các trường ĐH ở Việt Nam.
Ngoài ra, đội tình nguyện còn tổ chức thi tìm hiểu quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào bằng cả hai thứ tiếng, từ đó giúp học sinh và nhân dân hai nước hiểu hơn về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
Anh Tuc La Văn (37 tuổi, huyện Mường Khăm, tỉnh Xiengkhuang) vui vẻ nói năm ngoái khi đoàn tình nguyện viên sang dạy anh cũng theo học nhưng chưa viết, nói rành rọt, nên năm nay khi nghe tin có đoàn tình nguyện viên đến dạy anh rất phấn khởi và đăng ký theo học tiếp. Hết giờ làm là anh đến thẳng lớp học luôn cho “kịp giờ”.
Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Vinh Lê Minh Giang cho biết: “Đoàn trường đã tổ chức sáu đợt tình nguyện viên quốc tế, tổ chức dạy tiếng Việt tại Lào. Kết thúc mỗi khóa học, các học viên về cơ bản đã nắm vững các từ vựng dùng trong giao tiếp hằng ngày để biết cách giao tiếp như chào hỏi, giới thiệu tên tuổi, biết cách hỏi đường và chỉ đường... Đây là hoạt động được Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Nghệ An ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vun đắp thêm tình cảm giữa hai nước”.
Tweet