Được và mất khi tham gia các hoạt động tình nguyện
08:10 09/06/2015 2831
Thanh niên tình nguyện Chương trình giao lưu V – Leader Talk (volunteer Leader Talk) với chủ đề “Được và mất khi tham gia các hoạt động tình nguyện” do Mạng lưới tình nguyện Vì cộng đồng tổ chức đã thu hút hơn 200 bạn trẻ là thủ lĩnh tình nguyện đến từ các câu lạc bộ, đội, nhóm khu vực miền Bắc tham gia.
Giao lưu, chia sẻ tại chương trình có sự góp mặt của 3 “lão làng” tình nguyện: Lê Quang Toán, (sinh năm 1979) - người đã có hơn 10 năm tham gia công tác cộng đồng và được biết đến với tên gọi Hiệp sĩ tình nguyện; Hoàng Hoa Trung (sinh 1990) - Phó nhóm tình nguyện Niềm Tin; Nguyễn Tiến (sinh 1989) - Sáng lập Câu lạc bộ Công tác xã hội Nhân Ái, hiện đang là cán bộ Phát triển cộng đồng.
Môi trường tốt rèn luyện kỹ năng sống
Mở đầu câu chuyện, 3 vị khách mời đã chia sẻ cho các bạn trẻ về những kỷ niệm, khó khăn về những ngày đầu khi đến với tình nguyện.
Môi trường tốt rèn luyện kỹ năng sống
Mở đầu câu chuyện, 3 vị khách mời đã chia sẻ cho các bạn trẻ về những kỷ niệm, khó khăn về những ngày đầu khi đến với tình nguyện.
3 “lão làng” tình nguyện chia sẻ với các bạn trẻ |
Sinh ra với hình hài không được lành lặn như bao người khác, cả tuổi thơ là sự nhọc nhằn với từng bước đi, con chữ, thế nhưng vượt qua những khó khăn, chiến thắng được nỗi đau thể xác, bỏ qua những lời dị nghị, Hiệp sĩ tình nguyện Lê Quang Toán vẫn âm thầm đi gieo niềm tin cho những mảnh đời nghèo khó.
Theo anh, tình nguyện là sự cho đi, dấn thân, trải nghiệm, không tính toán thiệt hơn. “Từ hồi đi tình nguyện, mình được nhiều lắm, có thêm nhiều bạn bè, anh em cùng đi làm cộng đồng với mình, mỗi lần đi lên vùng cao, thấy bà con mừng, reo: Toán Lê về rồi, Toán Lê về rồi, lúc đó lòng vui khôn tả, như về với gia đình vậy.” - anh chia sẻ.
Còn anh Hoàng Hoa Trung - Phó nhóm tình nguyện Niềm Tin - cho rằng: "Nhiều người khi tham gia tình nguyện hay nói nhiều về cái được và cái mất, …nhưng với mình thì không quan tâm đến điều đó, mình tham gia và làm tình nguyện bằng tất cả niềm đam mê và sự chân thành, có chăng cái được và mất đó là do mỗi người tự cảm nhận thôi, mình chỉ biết rằng mình hạnh phúc và mình vui với những việc mà mình đã làm và chia sẻ điều đó với trẻ em vùng cao, những người khó khăn, thiệt thòi hơn mình…”
Trả lời băn khoăn của các bạn trẻ về việc tham gia tình nguyện thường tiêu tốn thời gian, sức lực hay ảnh hưởng đến việc học tập, anh Nguyễn Tiến, khách mời chương trình đã thẳng thắn nhìn nhận và chia sẻ:
“Trên thực tế, hiện nay, có nhiều bạn trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện mà bỏ bê việc học tập, hay việc tham gia tình nguyện theo trào lưu ,số đông, thích là đi, thích là tham gia cũng sẽ gây rất nhiều lãng phí và ảnh hưởng đến cá nhân, tuy nhiên đừng vì như thế mà đánh đồng cho rằng tham gia tình nguyện là mất nhiều thứ.
Tham gia tình nguyện cũng cần tính "chuyên nghiệp", chuyên nghiệp ở việc xác định mục tiêu cá nhân, sắp xếp, quản lý thời gian hợp lý, định hướng được cho bản thân…Có như thế thì các bạn mới hài hòa và mới thấy được giá trị mà hoạt động tình nguyện mang lại”
Chia sẻ thêm về vấn đề này, anh nói “sinh viên nên tham gia tình nguyện vì chính môi trường này sẽ tạo cơ hội cho các bạn có thêm sự trải nghiệm, tích lũy nhiều vốn sống và kỹ năng hữu ích. Đây cũng là môi trường để giúp các bạn hoàn thiện bản thân và có thể vận dụng một cách tối ưu những kiến thức đã học vào cuộc sống.”
Cùng nhân lên những điều tốt đẹp
Được tham gia và giao lưu với các “lão làng” tình nguyện, nhiều bạn trẻ tham gia chương trình đã rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích cho bản thân.
Các bạn trẻ tham gia giao lưu rất hào hứng |
Lê Hoài Thương - Sinh viên Trường ĐH Thương mại - cho biết: “Mình cảm thấy rất may mắn khi được đến đây để nghe và giao lưu cùng các anh tại chương trình. Từ lâu, tham gia tình nguyện mình chỉ biết có ai gọi là đi thôi, mình chưa có nhiều những hoạch định hay quản lý được quỹ thời gian cá nhân trong các hoạt động nên nhiều lúc cũng bị ảnh hưởng bản thân, qua đây thì mình đã hiểu ra được rất nhiều điều”.
Hoạt động tình nguyện luôn bổ ích với tuổi trẻ nhưng không phải lúc nào cũng được các bậc phụ huynh ủng hộ vì các bậc cha mẹ lo lắng con cái họ gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng khi tham gia các chuyến thiện nguyện đến những vùng miền quá khó khăn về điều kiện sinh hoạt hay hiểm trở về địa hình.
Về vấn đề "thương thuyết" với phụ huynh để nhận sự ủng hộ tham gia các hoạt động tình nguyện, Hiệp sĩ tình nguyện Lê Quang Toán "bật mí" các bạn trẻ hãy nói với cha mẹ về sự chân thành của những trái tim nóng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, những minh chứng về tình đồng đội, đồng chí trên chặng đường hành trình tình nguyện... là những điều có thể đánh bại mọi khó khăn, nhân lên bao điều tốt đẹp trong cuộc sống.