“Đổi công” cho học sinh đến lớp

10:47 19/07/2015     1529

3 Phong trào   Để vận động học sinh đến lớp ôn tập hè, các tình nguyện viên chiến dịch “Mùa hè xanh” ở Đắk Lắk thay phiên nhau đi làm “đổi công” cho gia đình các em.
500 thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh 2015 tại Đắk Lắk (từ 28-6 đến 28-7) với ba nội dung là hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ôn tập văn hóa hè cho học sinh, hướng dẫn sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội.

g
Thanh niên tình nguyện đi hái đậu giúp bà con tại buôn Ea Nông A, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) để học sinh có thời gian đến lớp học hè 

Nhưng mùa hè cũng là thời gian thu hoạch đậu, trồng mì (sắn) nên những em nhỏ người Mông tại thôn 7, xã Cư Róa (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) đang trong độ tuổi cắp sách đến trường cũng cùng bố mẹ lên nương.

Để các em có thời gian đến lớp, những tình nguyện viên nơi đây phải thay phiên nhau người dạy học, người lên rẫy để học sinh có thời gian đến lớp học hè. Chuyện "đổi công" cho học sinh đến lớp cũng diễn ra tại buôn Ea Nông A, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk).

Những công việc như nhổ mì, hái đậu các tình nguyện viên đều nhiệt tình phụ giúp gia đình.

“Nói nhiều, vận động nhiều đôi khi phản tác dụng. Thậm chí nhiều người còn có cảm giác mình đang bị lên lớp. Nhưng làm giúp họ những công việc nhỏ vào lúc rảnh rỗi như dọn dẹp, trồng rau hay vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng đủ để người dân quý và tin tưởng mình” - bạn Chu Hoàng Vinh, một tình nguyện viên, kể lại.

Làm “đổi công” cho gia đình học sinh tuy có hơi vất vả nhưng các tình nguyện viên kể có thêm thời gian tiếp xúc, nói chuyện với người thân. Những công việc này nằm ngoài kế hoạch của chiến dịch Mùa hè xanh.

Lúc đầu đến vận động, người dân “ừ” cho qua chuyện nhưng rồi các em vẫn phải gùi gánh lên nương. Sau nhiều lần vận động, nói không được thì làm, các tình nguyện viên liền thay đổi chiến thuật sang làm “đổi công”.

Sau khi các tình nguyện viên phụ giúp công việc đồng áng, nhiều gia đình đã tạo điều kiện hơn cho học sinh đến lớp.

Chị Vàng Thi Sai - thôn 7, xã Cư Róa, huyện M’Đrắk - cho biết cứ rảnh rỗi các tình nguyện viên lại đến nhà gội đầu, tắm rửa cho các con chị rồi còn dọn dẹp nhà cửa, cuốc đất trồng rau. Còn em Yàng Thị Do (12 tuổi) cho biết ngày trước bố mẹ thường không khuyến khích đi học.

“Bố mẹ chỉ muốn em đi chăn bò, làm cỏ mì hoặc đi làm thuê. Nhưng giờ có các anh chị tình nguyện làm giúp rồi nên em được đến lớp cùng với các bạn” - Do hồn nhiên khoe.