Để giới trẻ hiểu đúng về biển đảo

09:52 21/09/2015     1283

Thanh niên tình nguyện   "Cần có những sản phẩm văn hóa do chính sinh viên thực hiện, tuyên truyền về biển đảo quê hương, khi đó chính các bạn cũng sẽ tự đề kháng, cảnh giác với các sản phẩm kiểu như trên".
Đó là ý kiến của một bạn sinh viên tại tọa đàm “Vai trò của thanh niên trong công tác tuyên truyền biển đảo quê hương” do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong chương trình tập huấn kiến thức về biển đảo cho cán bộ Đoàn, Hội Sinh viên phía Nam ngày 20/9.

h
Các bạn sinh viên, thanh niên TP.HCM ký tên ủng hộ chiến dịch “Triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương”

“Đoàn hãy phát động trong giới trẻ nghiên cứu khoa học để tìm ra sáng kiến, phát minh khoa học làm giàu cho đất nước. Khi cả dân tộc đoàn kết và đất nước giàu mạnh lên chúng ta mới đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ đất nước

Đồng chí ĐÀO VĂN LỪNG 
(Vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tại TP.HCM)

Thông tin phải đến mọi người trẻ

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Khánh (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) kể bạn từng đọc một tiểu thuyết của Trung Quốc có chi tiết đi tìm những ngôi mộ cổ mà một trong những ngôi mộ ấy được tìm thấy ở Hoàng Sa của VN.

Theo Khánh, từ một chi tiết rất nhỏ nhưng là cách “cài” tuyên truyền quá khéo và tiểu thuyết này đã được dựng thành phim. Ngọc Khánh đặt vấn đề: “Làm sao để ngăn chặn những sản phẩm như vậy trước khi vào nước ta chứ không phải tràn ngập thị trường rồi mới cấm”.

Ngọc Khánh hiến kể: “Cần có những sản phẩm văn hóa do chính sinh viên thực hiện, tuyên truyền về biển đảo quê hương, khi đó chính các bạn cũng sẽ tự đề kháng, cảnh giác với các sản phẩm kiểu như trên”.

Ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tại TP.HCM - tâm đắc với phát biểu này và nói: “Trung ương Đoàn có thể tổ chức thi tiểu phẩm về Hoàng Sa, Trường Sa trong các trường từ chính gợi ý của bạn Khánh mà tôi cho là sẽ rất hay”.

Bí thư Đoàn ĐH Công nghệ TP.HCM Phạm Trường Sinh mong muốn phải có nhiều cuộc giao lưu thực tế với những người từng có cơ hội ra thăm, chứng kiến đời sống trên đảo, những chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ trên đảo sẽ là cách giúp các bạn trẻ hiểu rõ về biển đảo nhất.

Trong khi đó, anh Phạm Thanh Tân (ĐH Ngân hàng TP.HCM) băn khoăn việc tuyên truyền về biển đảo mới chỉ dừng lại ở đoàn viên thanh niên là chưa đủ, cần chú ý nói cho trẻ em vì một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn là vì đàn em.

Ý kiến này cũng là suy nghĩ của bí thư Đoàn ĐH Sư phạm TP.HCM Lâm Thanh Minh khi anh cho rằng các vấn đề liên quan đến biển đảo phải đến rộng rãi đối tượng trẻ hơn chứ không chỉ dừng lại ở đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội.

Mỗi bạn trẻ là một tuyên truyền viên

Bí thư Đoàn ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) Nguyễn Thái Hà đặt vấn đề: “Thông tin chúng ta không thiếu nhưng ứng xử thế nào trước các thông tin, xử lý ra sao khi có sự kiện nóng liên quan đến biển đảo xảy ra là điều mà chúng ta cần trang bị cho mỗi bạn trẻ”. Anh Hà nói có thể phát động ủng hộ ngư dân trẻ bám biển là cách chúng ta đang góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Hoàng Ngọc Hà - vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế (Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng) - nói chắc chắn kiến thức mỗi bạn sẽ nâng lên sau khi được bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo. Theo ông Hà, mỗi người trẻ VN phải trở thành chiến sĩ trên mặt trận thông tin, đủ kiến thức, lý lẽ phản bác, viết bài chống lại các luận điệu, thông tin sai trái trên nhiều phương tiện. “Chúng ta có niềm tin, đủ chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa vì chính nghĩa thuộc về VN” - ông Hà nhấn mạnh.

Anh Quan Hán Xương (ĐH Kinh tế TP.HCM) hỏi về tình hình đàm phán ở Biển Đông khi Trung Quốc gần như chỉ chọn cách đàm phán song phương thì sao? Ông Lê Quý Quỳnh - vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) - nói mỗi bạn phải tin vào chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước khi kiên trì đối thoại, đàm phán hòa bình để xử lý các vấn đề biển, đảo.

Theo ông Quỳnh, không phải Trung Quốc muốn sao cũng được mà cái gì song phương, cái nào đa phương đều có thỏa thuận. “Họ sợ phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế vì lẽ phải đang đứng về phía chúng ta. Mỗi bạn hãy tìm hiểu từ những nguồn thông tin chính thức trước khi là một tuyên truyền viên tích cực cho biển đảo quê hương” - ông Quỳnh chia sẻ.

Biết để yêu biển đảo

* “Mấy ngày gần đây thông tin ngư dân Kiên Giang bị cảnh sát biển Thái Lan bắn chết, bị thương không chỉ là nỗi đau của gia đình, làng xóm các ngư dân mà phải là nỗi đau thường trực trong lòng mỗi chúng ta”

NGUYỄN THÁI HÀ 
(Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM)

* “Bình Dương từng xảy ra vụ gây rối của công nhân khi chuyện Biển Đông nóng vào năm trước nên vấn đề là làm sao giúp các bạn trẻ hiểu biết pháp luật về biển đảo để luôn cảnh giác trước các âm mưu phá hoại, gây rối”

TRẦN THỊ DIỄM TRINH (Tỉnh đoàn Bình Dương)

* “Chúng ta cần có thêm nhiều hình ảnh về cuộc sống của quân, dân trên các đảo sẽ giúp giới trẻ biết và hiểu rõ hơn về sinh hoạt đời thường, giúp biển đảo và đất liền gần hơn”

PHẠM TRƯỜNG SINH (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)