Đà Nẵng chính thức đưa sách về Hoàng Sa vào giảng dạy
15:38 25/05/2015 1401
3 Phong trào Dù vào thời điểm cuối năm học, nhưng việc cuốn Lịch sử Đà Nẵng chính thức được đưa vào giảng dạy tại các trường THCS, THPT ở Đà Nẵng đã đem đến nhiều hứng khởi cho giáo viên và học sinh.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, chủ biên cuốn Lịch sử Đà Nẵng cho biết, sách đã được đưa vào triển khai đồng loạt tại các trường THCS, THPT những ngày đầu tháng 5 vừa qua với số lượng trên 50.000 bản.
Đội Hoàng Sa kiêm quân Bắc Hải được thành lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Khi các vị Chúa Nguyễn truyền dụ phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, tổng Quảng Nghĩa (nay là xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lập những đội quân ra Hoàng Sa, Trường Sa bảo vệ chủ quyền và khai thác các sản vật quý để tiến vua. |
Sách gồm hai cuốn dành cho hai đối tượng THCS và THPT. Cuốn dành cho THCS có các chủ đề tổng quan về quá trình thành lập, các thời kỳ chống Pháp, Mỹ và con đường phát triển của Đà Nẵng. Với bậc THPT, nội dung đi sâu vào tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa với những cứ liệu chứng minh chủ quyền từ thời Ðại Việt và những chiến lược quốc phòng chống ngoại xâm từ thời nhà Nguyễn.
Những vấn đề nóng như sự kiện tàu cá ÐNa 90152 của ngư dân Ðà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam ngày 26/5/2014, các quyết sách lên án Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam khi đưa giàn khoan Hải Dương 981... đều được đem vào sách.
Thầy Hoàng Văn Khánh, Tổ trưởng tổ Lịch sử trường THPT Phan Châu Trinh, chia sẻ: “Vấn đề chủ quyền biển đảo chúng tôi cũng đã đưa vào các tiết học, nhưng đây là lần đầu tiên có một tài liệu dạy chính thống về Hoàng Sa với tư cách là một môn học độc lập.
Các giáo viên, học sinh đều đón nhận với thái độ rất tích cực. Chúng tôi đã đem nội dung cuốn sách vào kỳ thi cuối kỳ vừa qua và kết quả thu được ngoài sức mong đợi, rất nhiều em đạt điểm khá, giỏi”.
Thầy Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐHKH Huế, cho biết: “Từ góc nhìn một giảng viên Sử, tôi nhận thấy cuốn sách thể hiện sự công phu, chỉn chu trong cách sưu tầm, thẩm định tư liệu, đánh giá và nhận xét một vấn đề đặc biệt phức tạp.
Việc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên lên sách giáo khoa hi vọng sẽ là việc làm tiên phong để nhiều trường khác nhân rộng phương pháp dạy học tương tự, khơi gợi tình yêu Tổ quốc và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Em Nhã Trúc (lớp 10/9, trường THPT Ngũ Hành Sơn), nói: “Năm 2014, biển Đông nóng lên khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Em bị rối trước nhiều thông tin trên báo, đài đưa nhưng lần này được học và đọc sách Lịch sử Đà Nẵng, em đã tự tin hơn với kiến thức về biển đảo của mình”.
Không chỉ giáo viên, học sinh, mà nhiều phụ huynh, ngư dân biển cũng quan tâm. Ông Nguyễn Tạo, ngư dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, nói: “Tôi đã ra hiệu sách mua một cuốn xem nó như thế nào. Tôi đã đọc từ đầu đến cuối, thậm chí đọc đến 3 lần. Cuốn sách giúp tôi hiểu biết hơn về chủ quyền chính đáng của nước mình từ thời xa xưa đối với Hoàng Sa”.
Tweet