Cõng sách lên núi
11:41 20/04/2012 2522
3 Phong trào Sau gần 2 tháng quyên góp, những tủ sách hiếu học đầu tiên đã được trao cho học sinh ở những phân khu khó khăn nhất của Trường tiểu học Thượng Nung, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.
Hành trình lên các phân khu của Trường tiểu học Thượng Nung ngày 15.4 vừa qua là chuyến đi đầu tiên của CLB Sinh viên tình nguyện ĐH Thái Nguyên, thực hiện dự án Tủ sách hiếu học tặng học sinh vùng cao. Nằm cách TP.Thái Nguyên hơn 40 km nhưng phải mất đến gần 2 giờ đồng hồ, chiếc xe tải mang theo hơn 1.000 bộ sách vở, các loại dụng cụ học tập và hàng trăm bộ quần áo mới đến được điểm trung tâm Trường tiểu học Thượng Nung.
Tình nguyện viên vận chuyển sách lên phân khu Lũng Cà |
Chưa có khi nào, CLB phải huy động tới 130 thành viên tham gia đoàn tình nguyện. Chọn phân khu Lũng Cà, Lũng Luông và Lũng Hoài nằm ở vị trí cao và xa nhất so với điểm trường trung tâm, đoàn tình nguyện phải đi bộ thêm 6 km đường đất, lội qua 3 con suối, vượt nhiều ngọn đồi để đến nơi tập kết.
Phụ trách nhóm đi phân khu Lũng Cà, bạn Lương Thị Ngọc (Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) kể lại, trời mưa, con đường đất trơn tuồn tuột. Chỉ đi bộ thôi đã là thử thách quá sức với người lần đầu tiên lội suối, vượt đèo. Nhưng trên vai, mỗi thành viên phải gùi, cõng từng bọc sách vở, quần áo mang tặng học sinh. Tủ sách là đồ dùng nặng và cồng kềnh nhất đã có riêng nhóm vận chuyển. Mọi người cũng thay ca nhau liên tục, trải qua 3 giờ đi bộ bở hơi tai, cả nhóm mới về đến đích. Dự án Tủ sách hiếu học hướng đến những điểm trường vùng cao, đi lại khó khăn vất vả. Chuẩn bị cho chuyến này, CLB phát động chương trình đi bộ rèn thể lực. Các thành viên phải luyện tập đi bộ ít nhất hai giờ mỗi ngày, liên tục trong một tuần. Người được chọn phải có sức khỏe dẻo dai để không ai tụt lại giữa đường.
Lễ bàn giao tủ sách tại các phân khu diễn ra đúng ngày chủ nhật nhưng vẫn có nhiều học sinh, thầy cô giáo chờ đợi từ sáng sớm với tâm trạng háo hức. Đón nhận từng tập sách gói, bọc ni lông tránh mưa chưa kịp tháo gỡ, cô Trần Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Nung, cho biết đứng chân trên những địa bàn khó khăn nhất, nhà trường luôn tạo điều kiện ưu tiên các phân khu khi phân bổ sách dịp đầu năm học. Nhưng chủ yếu là sách giáo khoa đảm bảo nhu cầu tối thiểu giảng dạy và học tập. Đồng bào dân tộc xung quanh các phân khu lại quá nghèo, không có điều kiện mua sách vở cho con đến lớp. Ngày mưa đường trơn, học sinh đi học ngã lấm, bẩn quần áo là thường nhưng các em tiếc nhất là tấm bảng con. Bởi khi ngã, bảng sứt hoặc vỡ làm nhiều mảnh, bút thì rơi, hỏng mất lúc nào chẳng hay. Giờ kiểm tra, giáo viên nhìn học sinh giơ những tấm bảng nứt vỡ với đủ loại hình thù hoặc không có bút viết mà chạnh lòng. Không đành nhìn học sinh thiếu đồ dùng học tập, nhiều giáo viên dịp cuối tuần về nhà tranh thủ đi xin chiếc bút, tấm bảng cho học trò mà vẫn không xuể.
Dự án Tủ sách hiếu học khởi nguồn từ những trăn trở qua nhiều chuyến đi tình nguyện của Đặng Thanh Luân, Chủ nhiệm CLB Sinh viên tình nguyện ĐH Thái Nguyên. Gần 2 tháng chia sẻ ý tưởng dự án Tủ sách hiếu học, quyên góp sách vở và đồ dùng học tập hỗ trợ học sinh vùng cao trên mạng xã hội, cộng đồng sinh viên tình nguyện tại Thái Nguyên, dự án của Luân có sự cộng hưởng tích cực từ nhà hảo tâm, bạn trẻ trên khắp cả nước. Nhiều nhà sách ở TP.HCM, Hà Nội chủ động liên hệ, gửi sách qua đường bưu điện ủng hộ dự án. Tại Thái Nguyên, sinh viên trong các ký túc xá phát động chiến dịch thu gom giấy vụn bán đồng nát hay tổ chức từng nhóm xuống các khu dân cư xung quanh trường quyên góp sách vở, quần áo cũ. Còn trong CLB, các thành viên tự nguyện góp tiền hùn vốn mở hàng bán hoa tươi trong ngày lễ, toàn bộ tiền gốc lẫn lãi thu về dành mua tủ đựng sách.
Sau thành công của chương trình đầu tiên, CLB Sinh viên tình nguyện ĐH Thái Nguyên đang mở rộng hình thức quyên góp sách vở, đồ dùng học tập để có thêm nhiều tủ sách hiếu học sẽ được bàn giao cho các trường học ở miền núi phía bắc ngay trong năm mở màn dự án.