"Cõng chữ" lên bản xa

15:30 20/11/2012     2014

3 Phong trào   Một ngày mùa đông cách đây 5 năm, đồng bào dân tộc Tày ở bản Suối Đấy (Lục Ngạn, Bắc Giang) đón sự kiện quan trọng mà giờ đã góp phần thay đổi cuộc sống của họ...
a
Thầy Quân trong lớp học ở bản Suối Đấy

Ngày đó, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phong Minh cùng thầy giáo trẻ Ngô Ngọc Quân băng rừng vào bản Suối Đấy mở lớp xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số.

Gian nan “cắm bản” dạy chữ

Kể từ đó, thầy giáo Ngô Ngọc Quân đã gắn bó với bà con bản Suối Đấy. Mới hơn 29 tuổi nhưng thầy Quân đã có 6 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn này. Sau cái bắt tay vội vã, thầy Quân nói: “Muốn thăm điểm trưởng ở bản Suối Đấy phải đi thật sớm nếu không tối phải ngủ lại, vào đó chỉ có cách duy nhất là đi bộ”.

Sau hành trình dài len lỏi men theo suối lởm chởm đá, xuyên qua những khu rừng âm u, bản Suối Đấy hiện ra đầy vẻ hoang sơ, tạo cảm giác như tách biệt với bên ngoài.

Đến đầu bản, vài em nhỏ khoanh tay chào thầy Quân rất lễ phép. Thấy bóng thầy từ xa, bà con dân bản ở bên kia suối đã khua khua đôi tay báo hiệu, rồi cất tiếng chào hỏi thân thiện. Với người dân bản Suối Đấy, thầy Quân như người thân.

Bản Suối Đấy thuộc diện khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang. Từ bản ra tới trung tâm xã là 5 cây số đường núi hiểm trở. Cũng bởi nghèo khó và địa hình khó khăn mà sự học ở đây cũng thật gian truân. Số người biết chữ đếm chưa hết đầu ngón tay. Nhiều đứa trẻ lớn lên mà chưa một lần tới lớp. Vì thế mà cuộc sống vốn nghèo khó lại lại càng gian nan. Thất học và nghèo đói cứ bám chặt bà con dân bản.

Năm 2007, trong một lần đi thực địa, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn lúc đó đã chỉ đạo phải mở lớp học trong bản Suối Đấy. Nhưng để tìm người vào cắm bản dựng lớp cũng không dễ bởi điều kiện quá vất vả. Đúng lúc đó, thầy giáo trẻ Ngô Ngọc Quân mới ra trường, đã tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ gian khó ấy.

Và trong một ngày mùa đông giá lạnh của tháng 11/2007, thầy Quân mang theo nhiệt huyết xuyên rừng vào bản mở lớp học. Người thầy giáo trẻ nhớ lại, bà con rất ngạc nhiên bởi lâu lắm rồi mới có người lạ vào bản nhưng khi biết chúng tôi vào mở lớp, bà con vui như hội.

Những ngày đầu, nhiệt huyết của người thầy giáo trẻ được “thử thách”: không điện, không lớp học, không phòng ở. Nhiều lúc nhớ nhà, thầy Quân leo lên đỉnh núi để bắt sóng điện thoại nhưng lúc có sóng lúc lại không...

Đường vào bản Suối Đấy. Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng



Khắc phục khó khăn, thầy Quân mượn tạm 2 gian nhà đất cũ của trưởng bản vừa làm lớp học, vừa làm chỗ ở. Buổi sáng dạy các em nhỏ, buổi tối thầy Quân lại cần mẫn với lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi.

Có con chữ nên sáng cái đầu

Cứ như vậy, mỗi khi đêm xuống, bản Suối Đấy chìm trong bóng tối của cây rừng là lúc lớp học xóa mù chữ của thầy Quân sáng đèn. Cơm nước xong là bà con đủ mọi lứa tuổi xách đèn dầu kéo đến lớp học tạm, tiếng học bài làm giảm bớt sự tĩnh mịch của núi rừng.

Nhiều bà con quanh năm lam lũ với nương rẫy, đến giờ mới được học hành nên tiếng ê a đọc bài không tròn, đôi tay quen với cuốc với cày nên những nét chữ còn nguệch ngoạc . “Với nhiều người, tôi phải kiên trì cầm tay vài buổi mới viết được chữ cái”, thầy Quân cho biết.

Nhiều hôm, lớp học tan lúc 12 giờ đêm. Cứ như vậy, hơn một năm trời lăn lộn với Suối Đấy, thầy Quân đã giúp nhiều bà con đọc thông, viết thạo, biết làm phép tính. Có con chữ, cuộc sống của bà con Suối Đấy như mở ra một trang mới. Cái nghèo thưa dần, những hủ tục lùi xa.

Anh Vi Văn Yêu là một ví dụ. Anh nói: “Biết chữ, tôi đọc được sách, báo nên biết cách làm ăn, tính toán. Biết được kỹ thuật để trồng lúa, ngô. Nhờ vậy, gia đình mình không còn đói ăn. Có con chữ nên cái đầu mới sáng”.

Vợ chồng anh Vi Văn Yêu thu hoạch đống lúa to mà trước đây chưa bao giờ có được. Anh Yêu hãnh diện khoe, bây giờ, mỗi lần ra xã làm giấy tờ, hay đi bệnh viện, anh không còn phải điểm chỉ hay nhờ người ký thay như trước nữa.

Tương tự, ông Vi Văn Lở có 5 người con thì 3 đứa đi học lớp xóa mù chữ và cuộc sống cũng nhờ thế mà đổi thay. Ngồi bên bếp lửa đỏ, mắt nhìn ra khu rừng heo hút trước mặt, ông nói: “Nếu không có thầy Quân vào mở lớp, dạy chữ thì giờ bà con dân bản vẫn trong cảnh tối  tăm”.

Năm 2011, Trung ương Đoàn tặng Bằng khen giáo viên trẻ tiêu biểu các tỉnh miền núi cho thầy Quân như một sự ghi nhận thành quả của người thầy giáo bản Suối Đấy.