Chàng bác sĩ mê từ thiện

09:55 13/01/2012     2595

3 Phong trào   Anh đã có quá khứ 15 năm ăn nhờ ở đậu, có lúc sống lang thang như trẻ bụi đời và gần hết thời niên thiếu không được đến trường.

Bác sĩ Trương Thế Dũng (giữa) trong chuyến đi khám bệnh phát thuốc cho bà con người Việt trên đất Campuchia - Ảnh nhân vật cung cấp

Đó là câu chuyện của bác sĩ Trương Thế Dũng, trưởng đoàn y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin. Hiện anh làm việc không lương cho các phòng khám nhân đạo ở TP.HCM như Xóm Mới (Q.Gò Vấp), Tú Xương (Q.3), Chân Trời Mới (Phú Nhuận).

Giấc mơ blouse trắng

Giúp người cơ nhỡ

Nhiều lần Dũng đến bệnh viện thăm người quen thì lại đưa về một người bệnh có hoàn cảnh cơ nhỡ và dốc lòng chăm lo. Năm 2010 trong chuyến đi làm từ thiện cùng bạn bè ở Tân Biên, Tây Ninh, gặp chị em Thùy, Lệ bị cha bạo hành chấn thương khắp người, ngay lập tức anh làm giấy cam kết với chính quyền xã để đưa hai chị em về TP.HCM chữa trị và làm thủ tục để các em đến trường.

Năm 4 tuổi anh Dũng buộc phải vào sống nhờ ở cô nhi viện Bất Mỹ An (Đà Nẵng) sau một biến cố gia đình khiến anh mất cha. Do biến cố đó mẹ anh bị chấn thương tâm thần, anh thất lạc mẹ từ đó. Mãi gần đây mẹ con anh mới có cơ hội đoàn tụ.

Đang học hành ở cô nhi viện thì cậu bé Dũng trốn đi tìm mẹ khi cậu nghe phong thanh về thân phận mình. 10 tuổi, Dũng lang thang, cùng chia những miếng ăn với trẻ bụi đời. Một ngày nọ Dũng đói lả, ngã gục bên đường ray xe lửa. Ông Trương Minh Tuấn, một sĩ quan công an ở huyện miền núi Quế Sơn đi công tác ở TP Đà Nẵng, đã mang Dũng về sống với ông. Được mái nhà nhưng Dũng không được đến trường vì ông Tuấn quá khó khăn với đàn con năm đứa.

Gác lại chuyện tìm mẹ, anh đi mượn sách của bạn bè cùng lứa để tự học, đeo đuổi giấc mơ trở thành bác sĩ. Mỗi khi cần có sự hướng dẫn anh lại đến nhà cô giáo Phan Thị Trúc. Sau này khi cô Trúc về xuôi thì hai ngày/tuần anh lại vượt 30 cây số đường núi đến nhà cô để được kèm cặp. Năm 22 tuổi (1994) anh đỗ cùng lúc vào ĐH Y dược Huế và Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định). Tự liệu không có tiền trang trải nên anh quyết định học ở Trường trung cấp Y tế trung ương 2, TP Đà Nẵng.

Nhưng giấc mơ trở thành bác sĩ vẫn đeo đuổi Dũng, anh thi vào ĐH Y dược TP.HCM. Để có tiền đi học, anh đeo một đống kính chiếu hậu xe máy trên người, đi rao bán khắp các con đường. Cứ tan học là anh đi bán, bất kể còn đang mặc chiếc áo mang phù hiệu của trường. Anh cười hóm hỉnh: “Bà con thấy một sinh viên y khoa đi kiếm sống để đến trường thì mua ủng hộ nhiều”. Có người còn thương giúp anh mở một tiệm băng đĩa nhạc sinh viên, khi đó nằm ở đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, để anh dễ dàng kiếm sống hơn.

“Giữ lại thì anh có nuôi không?”

Một lần khi thực tập siêu âm tại Bệnh viện Từ Dũ, qua màn hình siêu âm, hình ảnh bào thai sắp bị bỏ đi ngọ nguậy khiến anh xúc động, khuyên cô gái giữ lại. Cô sinh viên “trót dại” hỏi ngược lại anh: “Giữ lại anh có nuôi không?”. Không suy nghĩ, anh gật đầu đồng ý và thuê một căn phòng kín đáo cho cô gái ở, vài ngày sau anh lại đưa về ba cô gái nữa và thăm nuôi đều đặn cho đến ngày các cô sinh nở. Những đứa trẻ đều mang họ của anh và được anh nuôi dưỡng đến tận bây giờ.

Hải Âu, thành viên Câu lạc bộ Niềm Tin, kể về những ngày đầu anh Dũng làm chuyện “bao đồng”: “Anh nuôi người bị ung thư, người nhiễm HIV/AIDS và cả trẻ em đường phố trong một khu nhà trọ phía sau chợ Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhường cả miếng ăn cho họ. Anh còn dặn những đứa trẻ đường phố rằng: “Các con còn khỏe mạnh thì nhường miếng ngon cho bệnh nhân”. “Miếng ngon” là một con cá kho cho cả mâm ăn gần chục người. Từ đó, Hải Âu cùng bạn bè lựa lúc anh không có nhà thì mang thức ăn tới... tiếp tế.

“Biết khi nào thì giàu mà hẹn hò” là cách anh trả lời những ai thắc mắc chuyện anh nghèo khó mà ham làm từ thiện.

Người nghèo tìm đến nhà thuốc Cúc để được giúp đỡ thuốc trị bệnh - Ảnh: Mai Vinh

Nhà thuốc Niềm Tin

Đó là nhà thuốc Cúc (102 Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP.HCM) nhưng có thể gọi là Niềm Tin vì nhiều người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo đã đặt niềm tin vào đây. Năm 2006, bà Nguyễn Thị Cúc đã nhường lại cho Dũng nhà thuốc này với giá tượng trưng vì bà thương Dũng vất vả nuôi người bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân ung thư và trẻ em cơ nhỡ. Anh chuyển quyền quản lý nhà thuốc cho đoàn bác sĩ tình nguyện Niềm Tin để kinh doanh và chuyển lợi nhuận vào hoạt động từ thiện. Ngoài những hoạt động từ thiện ở vùng sâu vùng xa, hằng ngày nhà thuốc đều đón tiếp người nghèo mắc bệnh nan y và cấp thuốc miễn phí cho họ...