Bản tin Tình nguyện tuần III - tháng 11/2014: Thanh niên xung kích vì cộng đồng

09:00 25/11/2014     2583

Thanh niên tình nguyện   Web.ĐTN: Với cách nghĩ, cách làm thiết thực, cụ thể, đoàn viên thanh niên đã chung tay góp sức nhằm thay đổi diện mạo nông thôn tại các làng, thôn, xã cũng như vì sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
*Các công trình xây dựng nông thôn mới:

Tại Thái Nguyên: Ra quân thực hiện công trình thanh niên “Tuyến đường giao thông nông thôn” chiều dài 970 m, chiều rộng mặt đường: 3,5 m, độ dày: 20 cm đi qua cánh đồng và ráp danh 2 xã: Úc Kỳ, Nhã Lộng, với tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng.
Tỉnh đoàn Quảng Nam vừa tổ chức bàn giao các công trình an sinh xã hội tại huyện Điện Bàn gồm có: Cầu nông thôn mới tại thôn Hà Đông (xã Điện Hòa) dài 6m với tổng kinh phí xây dựng là 35 triệu đồng;  Công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” dài 3km tại 2 thôn Hạ Nông Đông và La Hòa (xã Điện Phước) với kinh phí 60 triệu đồng; bàn giao Nhà đại đoàn kết tặng gia đình ông Đoàn Thanh Hồi (thôn An Tự, xã Điện Thắng Nam).
5
Thái Nguyên ra quân thực hiện công trình tuyến đường giao thông nông thôn

Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Báo Tuổi Trẻ Thủ đô tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình lớp học mầm non tại điểm Trường lẻ tại thôn 9 – Nà Liềng xã Phong Dụ hạ huyện Văn Yên với quy mô 01 phòng học, 01 phòng giáo viên; nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố hóa, mái lợp prô-ximăng, nền lát đá hoa, hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát, mái  chống nóng, tổng diện tích sử dụng 80m2; tổng trị giá công trình trên 200 triệu đồng; khởi công công trình lớp học tại điểm trường lẻ tại thôn 3 – Khe Đen, xã Phong Dụ hạ với diện tích 80m2. Huyện đoàn Văn Yên đã phối hợp với các đơn vị khánh thành 4 phòng học được xây kiên cố hóa tại điểm trường lẻ tại thôn 9 Khe Hao, xã Phong Dụ Hạ và thôn Khe Chung 3 thuộc Trường Tiểu học Xuân Tầm, với tổng trị giá gần 600 triệu đồng.

Tỉnh Phú Yên tổ chức nghiệm thu và bàn giao ngôi nhà “Kế hoạch nhỏ” cho gia đình em Nguyễn Ngọc Yến, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi ở xã Hòa Kiến, Thành phố Tuy Hòa với tổng diện tích là 30m2 được thiết kế nhà cấp 4, xây gạch, cửa tôn, mái lợp ngói, nền lót gạch men, tổng trị giá căn nhà là 47 triệu đồng; trao tặng 01 tủ sắt đựng quần áo; 01 kệ sách học tập; bàn, ghế; quần áo và đồ dùng học tập cho em.

*Các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng
 
Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khoẻ, phát thuốc điều trị miễn phí cho trên 400 trẻ em, gia đình chính sách, người dân của xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên.
Tại Bắc Ninh: trao tặng 2.500 cuốn với tổng giá trị 50 triệu đồng tại 4 trường mầm non trong huyện Yên Phong gồm: Liên Cơ, thị trấn Chờ số 1, thị trấn Chờ số 2, Trung Nghĩa và 1 trường tiểu học thị trấn Chờ số 1.

2.000 đoàn viên thanh niên tỉnh Yên Bái tham gia chương trình "Tình nguyện mùa đông năm 2014 - Xuân tình nguyện năm 2015" tại xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên trao 05 suất học bổng "cùng em tôi đến trường", mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng; 01 ti vi 32 inch; 110 suất quà gồm: sữa, chăn ấm và 1.000 cuốn vở cho học sinh nghèo vượt khó, gia đình chính sách, hộ nghèo và trao tặng 1 bộ tăng âm loa đài trị giá 15 triệu đồng cho cô và trò Trường Mầm non xã Phong Dụ hạ huyện Văn Yên; ra mắt Đội TNTN xây dựng nhà bán trú, lớp học mầm non gồm 15 thành viên.
5
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người khiếm thị sử dụng “mắt thần”

Tại TP.Hồ Chí Minh: Hơn 100 bức tranh của 22 học sinh nhiều quốc tịch như Úc, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Pháp và Việt Nam đang học tập tại TPHCM sáng tác đã được triển lãm và bán để trích 50% số tiền ủng hộ bệnh nhi ung thư thông qua chương trình “Ước mơ của Thúy”; khởi động dự án “Ðường chạy nghị lực - VNU Will Run” với tổng số tiền thu được sẽ chuyển thành những suất học bổng (5 triệu đồng/suất) và trao cho các bạn học sinh sinh viên giàu nghị lực, vượt khó; nhiều đơn vị phối hợp trao “mắt thần” (mắt kính hỗ trợ di chuyển) cho 31 người khiếm thị.

Tại Bình Thuận: ra mắt Đội hình thanh niên tình nguyện sơ, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A (Km 1689+50), đoạn qua xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc.
500 ĐVTN và người dân tỉnh An Giang tham gia hoạt động “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”, tổ chức đoàn đi thăm và tặng 87 phần quà cho 87 gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong hoặc bị thương nặng ; tặng 01 phần quà cho 01 người dân dũng cảm cứu người bị tai nạn giao thông đưa đi cấp cứu kịp thời.
*Gương sáng tình nguyện

Phùng Văn Trường (35 tuổi) Bị dị tật từ nhỏ nhưng ngày ngày vẫn ngồi xe lăn dạy học miễn phí cho các em học sinh trong làng, ngoài xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội). Khoảng đầu năm 2009, khi đã luyện viết được những nét chữ đẹp, tròn vành rõ chữ, anh Trường nảy ra ý định dạy viết cho những đứa trẻ gần nhà. Ủng hộ ý tưởng của anh, gia đình đã tạo điều kiện để riêng một gian nhà cấp 4 để anh dùng làm nơi dạy chữ. Tiếng lành đồn xa, lớp học cứ thế đông dần lên, không chỉ học sinh trong thôn, mà học sinh trong xã, những xã khác cũng xin theo học. Lớp học của anh không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ có một chiếc sọt nhựa đựng sách giáo khoa và vở viết. Học sinh có thể đến học bất cứ lúc nào và bao lâu tùy thích, Trường dạy các em viết chữ, làm toán và hầu hết các cháu học sinh trong làng đều được cha mẹ đưa đến đây luyện chữ và học theo gương sáng từ thầy Trường.

Nguyễn Thị Hằng (1990), trưởng nhóm Đồng Xuân Long Biên - CLB Tình nguyện trẻ đã mơ ước trở thành giáo viên đứng trên bục giảng dạy học cho những em có hoàn cảnh khó khăn ngay từ khi còn nhỏ, chính vì thế, Hằng đã không ngần ngại khi chọn và đăng ký học ngành sư phạm. Những năm là sinh viên, thời gian rảnh rỗi khá nhiều, Hằng đăng ký làm tình nguyện viên trong CLB Tình nguyện trẻ, chuyên tiếp xúc và giúp đỡ trẻ lang thang và bán lang thang. Cứ như thế, đã 4 năm nay Hằng gắn bó với "nghề tay trái" đặc biệt này. Hằng tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, tình cảm cũng như khó khăn của các em nhỏ và gia đình nghèo ở các khu Phúc Xá, làng Chài, bãi Giữa và lên danh sách các em nhỏ cần hỗ trợ gia sư để điều phối tình nguyện viên và cũng là giáo viên trực tiếp đứng lớp. Thường xuyên hoạt động tình nguyện ở những khu vực phức tạp, Hằng cho biết, đó là một trong những khó khăn khiến các tình nguyện viên phải luôn lưu ý, chưa kể môi trường sống tại các khu dân cư đó khá ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc chưa tạo được sự tin tưởng cho phụ huynh học sinh và người dân xung quanh cũng là cản trở lớn. Nhưng tất cả điều đó chưa khi nào khiến Hằng nản chí.