Tháng Thanh niên 2014: Áo xanh tình nguyện nơi biên giới

10:10 21/03/2014     2406

Thanh niên tình nguyện   Với chủ đề “Tháng 3 biên giới”, trong những ngày này trên khắp các nẻo đường ở những bản làng xa xôi của tỉnh Quảng Nam đều dễ dàng bắt gặp những áo xanh tình nguyện. Bằng những việc làm thiết thực của mình, tuổi trẻ Quảng Nam đang tích cực góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng biên.
Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn quanh năm mây mù bao phủ, La Êê và Chơ Chun là 2 xã vùng biên khó khăn nhất của huyện Nam Giang. Hai xã này có đường biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 33km; với hai dân tộc sinh sống là người Cơ Tu và người Tà Riềng.

Tham gia cùng chuyến đi tình nguyện của Tỉnh Đoàn Quảng Nam, nhóm phóng viên chúng tôi phải mất gần 4 tiếng đồng hồ băng qua những con đường rừng cheo leo mới bắt gặp những ngôi nhà gỗ đầu tiên ẩn hiện trong sương mù của người dân nơi đây.

Do mới được thành lập từ năm 2011 nên hiện nay xã Chơ Chun được xem là xã “6 không” vì chưa có điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc và sóng điện thoại. Vào mùa mưa, cuộc sống của hơn 960 người dân nơi đây dường như bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Ngay khi vừa đặt chân tới xã Chơ Chun, rất đông bà con trong xã đã đứng đợi để được đoàn bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam khám bệnh và phát thuốc.

a
Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.com.vn

Chị Zơ Râm Phượng cho biết, "bà con trong bản nghe tin có đoàn thanh niên tình nguyện về khám và phát thuốc nên mọi người đều háo hức đến từ rất sớm để kiểm tra sức khỏe. Những bác sĩ trẻ ở đây thăm khám bệnh rất nhiệt tình và dặn dò tỉ mỉ cách uống thuốc hàng ngày nên bà con rất vui”.

Theo người dân ở đây, do đường sá đi lại khó khăn và không có sóng điện thoại nên mỗi lần trong thôn bản có người bị ốm là thanh niên phải làm cáng khiêng người bệnh hàng chục cây số mới ra tới trạm y tế quân dân y của Đồn Biên phòng La Êê để điều trị. Từng tham gia rất nhiều các hoạt động tình nguyện, nhưng có lẽ chuyến đi khám bệnh tại xã Chơ Chun là ấn tượng nhất với bác sĩ trẻ Huỳnh Ngọc Tin.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Tin cho biết, khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện đi tới những bản làng xa xôi như xã Chơ Chun để chăm sóc sức khỏe cho người dân giúp cho chúng tôi thấu hiểu được những khó khăn vất vả của đồng bào vùng cao. Bên cạnh việc khám, phát thuốc miễn phí các bác sĩ trong đoàn còn hướng dẫn người dân cách ăn uống sinh hoạt hàng ngày hợp vệ sinh để hạn chế bệnh tật.

Nằm bên cạnh xã Chơ Chun, xã La Êê hiện có 189 hộ dân trong đó hộ nghèo chiếm hơn 68%. Gần đây nhờ có phòng trào khai hoang đất làm lúa nước nên từ năm 2013 đến nay người dân ở đây không còn tình trạng thiếu lương thực triền miên như các năm trước. Tuy vậy, toàn xã hiện mới chỉ khai hoang được 62 ha diện tích đất trồng lúa nước, ở nhiều thôn bản người dân vẫn chưa làm quen với phương thức canh tác này. Để phát triển phong trào làm lúa nước ở đây, hàng chục thanh niên tình nguyện đã phối hợp cùng với bà con nhân dân tiến hành khai hoang mới nhiều thửa ruộng từ những sườn đồi và làm những đường ống dẫn nước từ suối về ruộng.

Ông Zơ Râm Huấn, Chủ tịch xã La Êê cho biết, ngày trước bà con chỉ biết trồng cây bắp, cây lúa rẫy và phụ thuộc vào nguồn nước trời nên mùa vụ thường bấp bênh, người dân không đủ ăn. Việc đoàn thanh niên về khai hoang mở rộng diện tích và hướng dẫn kỹ thuộc gieo trồng, chăm sóc cây lúa nước giúp bà con học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.

Đứng trước mảnh ruộng vừa được đoàn thanh niên tình nguyện giúp khai hoang, anh Zơ Râm Van không dấu nổi niềm vui nói, “Có thêm một mảnh ruộng mới, gia đình mình sẽ chăm sóc thật tốt cho cây lúa nước để có nhiều thóc gạo dự trữ trong nhà vào những tháng giáp hạt”.

Già làng Zơ Râm Ghêm cho biết, trước đây bà con trên này chỉ trồng một vụ lúa nước, nhờ có thanh niên lên đây giúp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt nên bây giờ nhà nào cũng bàn nhau trong năm nay sẽ trồng thử nghiệm hai vụ lúa nước để tăng năng suất. Ngoài ra, thanh niên tình nguyện còn hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn có bóng điện thắp sáng, có giống cây ăn trái để trồng nên bà con trong thôn bản ai cũng phấn khởi.

Bên cạnh việc giúp dân khai hoang ruộng lúa nước, đoàn thanh niên tình nguyện của Tỉnh Đoàn Quảng Nam còn tặng và hướng dẫn người dân trồng 200 cây giống mít tố nữ, cây xoài và cây bòn bon để thí điểm hình thành mô hình trồng cây ăn quả ở đây. Đồng thời, đoàn tình nguyện còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ văn phòng cho cán bộ xã; cải tạo sửa chữa đường điện sinh hoạt cho người dân xã La Êê; tặng hàng trăm cuốn sách giáo khoa, vở viết cho các em học sinh và tặng 100 lá cờ tổ quốc, 100 bức ảnh chân dung Bác Hồ cho người dân hai xã La Êê và Chơ Chun...

Anh Phan Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam cho biết, hưởng ứng Tháng Thanh niên, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đang tích cực thi đua triển khai các phần việc, công trình thanh niên phù hợp với từng địa bàn. Trong đó điểm nhấn là các hoạt động tình nguyện hướng về các xã biên giới khó khăn. Qua đó thể hiện trách nhiệm, tinh thần xung kích của tuổi trẻ hôm nay trong việc xây dựng và bảo vệ biên cương của Tổ quốc./.