Những lá đơn tình nguyện của thanh niên Khơ-me
09:04 10/09/2015 2367
Thanh niên tình nguyện Năm nào cũng vậy, trước ngày hội giao nhận quân là không khí ở các phum, sóc nơi đồng bào dân tộc Khơ-me miền Tây Nam Bộ sinh sống lại thêm sôi động nhờ sự quan tâm, động viên của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, sự gặp gỡ trao gửi niềm tin, lưu luyến của các gia đình, người thân của thanh niên lên đường nhập ngũ.
Những lá đơn tâm huyết
“Tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ vì nhận thức rằng, tuổi trẻ cần có trách nhiệm với Tổ quốc và tôi muốn đóng góp công sức để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nếu được nhập ngũ tôi xin chấp hành nghiêm điều lệnh Quân đội; nội quy, quy định của đơn vị; chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ của đơn vị, phấn đấu học tập rèn luyện để trở thành một quân nhân tốt…; xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền địa phương, của gia đình, bạn bè và người thân”, đó là những lời tâm huyết trong lá đơn tình nguyện của anh Thạch Pô-Na ở ấp Bình Tân, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
“Tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ vì nhận thức rằng, tuổi trẻ cần có trách nhiệm với Tổ quốc và tôi muốn đóng góp công sức để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nếu được nhập ngũ tôi xin chấp hành nghiêm điều lệnh Quân đội; nội quy, quy định của đơn vị; chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ của đơn vị, phấn đấu học tập rèn luyện để trở thành một quân nhân tốt…; xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền địa phương, của gia đình, bạn bè và người thân”, đó là những lời tâm huyết trong lá đơn tình nguyện của anh Thạch Pô-Na ở ấp Bình Tân, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Ban CHQS huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương thăm hỏi, động viên thanh niên, gia đình người dân tộc Khơ-me lên đường nhập ngũ. |
Trên đường tới nhà anh Thạch Pô-Na, Thượng tá Nguyễn Văn Nhanh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cầu Ngang cho biết: “Đồng bào dân tộc Khơ-me của huyện chiếm trên 35% dân số. Đợt 2 năm 2015, toàn huyện có 42 thanh niên người dân tộc Khơ-me lên đường nhập ngũ. Trình độ học vấn của thanh niên người đồng bào dân tộc nhập ngũ ngày càng cao (có 17 thanh niên trình độ học vấn cấp 2, 25 thanh niên trình độ học vấn cấp 3), đặc biệt, 100% thanh niên đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ”.
Được biết, Thạch Pô-Na, sinh năm 1994, đã tốt nghiệp PTTH, là chiến sĩ dân quân tại chỗ của ấp… Trước kia, Pô-Na từng viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng vì lý do sức khỏe nên chưa đủ tiêu chuẩn. Năm nay, Pô-Na đã rèn luyện thêm và đủ tiêu chuẩn sức khỏe để lên đường nhập ngũ. Trong quá trình công tác tại ấp, nhờ đạt nhiều thành tích nên Pô-Na được vinh dự kết nạp vào Đảng. Vừa bước vào nhà Pô-Na, chúng tôi đã cảm nhận được không khí phấn khởi của gia đình. Vừa rót trà mời khách, Pô-Na vừa cho biết: “Mấy bữa nay, khi hay tin tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, bà con lối xóm đến chúc mừng, động viên, tôi rất phấn khởi và quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt”.
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, 100% thanh niên người dân tộc Khơ-me lên đường nhập ngũ đợt 2-2015 đều viết đơn tình nguyện thể hiện khát vọng được cống hiến và ước muốn trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Trong đơn tình nguyện, đảng viên người dân tộc Khơ-me, Lý Văn Cảnh, ngụ ấp Phước Phong, xã Phú Tân viết: “… Học xong cấp 3, tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ với mong muốn được học tập, rèn luyện, trưởng thành và phát triển trong môi trường Quân đội. Tôi viết đơn này bày tỏ lòng tha thiết xin được nhập ngũ để góp công sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Xây dựng nhiệt huyết cho tuổi trẻ phum, sóc
Trong khu vực Tây Nam Bộ, đồng bào dân tộc Khơ-me chiếm tỷ lệ hơn 7%, phần lớn sống tập trung tại các phum, sóc. Chính vì vậy, việc giao lưu tiếp xúc với các địa phương và dân tộc khác trên địa bàn chưa thường xuyên, trình độ văn hóa còn hạn chế… là những nguyên nhân chính khiến việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như tuyên truyền Luật Nghĩa vụ Quân sự đến đồng bào còn có những khó khăn. Đại tá Trương Minh Khải, Phó tham mưu trưởng Quân khu 9 cho biết: “Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xác định, thực hiện công tác tuyển chọn các thanh niên trong đồng bào dân tộc Khơ-me nhập ngũ là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự bình đẳng, đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn quân khu trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và xây dựng Quân đội nói riêng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, hằng năm, Quân khu 9 chỉ đạo các đơn vị nhận quân tổ chức hành quân dã ngoại về nguồn kết hợp với vận động quần chúng thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, vừa tô thắm hình ảnh cao quý của Bộ đội Cụ Hồ vì dân, vì nước trong lòng đồng bào dân tộc Khơ-me vừa lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật Nghĩa vụ Quân sự, truyền thống Quân đội và đơn vị, xây dựng ý thức trách nhiệm đúng đắn và ước mơ, lý tưởng cho thanh niên người dân tộc Khơ-me”.
Cùng với đó, cơ quan quân sự địa phương các cấp trong toàn Quân khu 9 đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện gặp gỡ, tuyên truyền cho gia đình và thanh niên đồng bào dân tộc bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với các nhà chùa, nhờ sư cả, trụ trì lồng ghép tuyên truyền trong những ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc Khơ-me khi họ tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng; kể chuyện, tọa đàm giáo dục truyền thống cho các thanh niên trước ngày nhập ngũ; tổ chức gặp gỡ giữa các thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và các thanh niên người dân tộc Khơ-me để kể chuyện quân ngũ…
Thượng tá Nguyễn Văn Nhanh trao đổi thêm: “Hiện nay công tác xã hội hóa trong tuyển quân ở địa bàn huyện đã đi vào nề nếp. Mỗi thanh niên lên đường nhập ngũ đều được hỗ trợ sổ tiết kiệm, được tổ chức quần chúng địa phương tặng quà với tổng giá trị khoảng 1,3 triệu đồng. Trước mỗi ngày giao quân, Ban CHQS huyện làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tốt hội trại tòng quân theo phương châm “an toàn, vui tươi, tiết kiệm” với các chương trình hoạt động thiết thực, sôi nổi, để ngày chia tay là ngày hội, ngày tôn vinh các thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Để giúp các thanh niên người dân tộc Khơ-me sớm hòa nhập với môi trường quân ngũ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo các đơn vị sau khi tiếp nhận chiến sĩ mới, tiến hành rà soát, nắm chắc từng chiến sĩ. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phương pháp phù hợp trong học tập, huấn luyện. Hằng năm, những chiến sĩ là dân tộc Khơ-me có thành tích tốt trong huấn luyện, học tập đều được các đơn vị tuyển chọn đưa đi đào tạo tại các trường quân đội, nhằm tạo nguồn cán bộ, chuyên môn kỹ thuật phục vụ lâu dài trong quân đội, cũng như góp phần xây dựng các đơn vị dự bị động viên ở địa phương.