Người trẻ hiến kế cho Đoàn

22:40 14/03/2024     1915

Thanh niên tình nguyện   ĐTN: Điểm mới của diễn đàn năm nay là bên cạnh việc trao đổi, giải đáp những câu hỏi, vấn đề của đoàn viên, thanh thiếu nhi, diễn đàn còn dành thời gian để các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên chia sẻ, hiến kế cho Đoàn.

Chiều 14/3, diễn ra Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” với chủ đề “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên”.

Đây là cơ hội rất tốt để Ban Bí thư Trung ương Đoàn lắng nghe những trăn trở, đề xuất, hiến kế của người trẻ, giúp tổ chức Đoàn đến gần hơn với thanh thiếu nhi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu nhi.

 

Diễn đàn được kết nối tới 12.656 điểm cầu trong và ngoài nước, thu hút hơn 1,5 triệu tham gia

 

Xây dựng “Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn”

Tại Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn”, anh Nguyễn Khắc Quốc Huy - Bí thư Đoàn phường 8, quận 10, TPHCM, giải Nhất cuộc thi Bí thư Đoàn cơ sở giỏi toàn quốc lần thứ nhất, năm 2023 hiến kế giải pháp xây dựng “Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn”.

 

Anh Nguyễn Khắc Quốc Huy - Bí thư Đoàn phường 8, quận 10, TPHCM

 

Theo anh Huy, con đường cách mạng của thanh niên hiện nay là góp sức trẻ của mình trong con đường xây dựng đất nước và đó cũng chính là sứ mệnh của thanh niên hiện nay. “Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh hai chữ ‘tiên phong’, điều đó đã gieo vào lòng thanh niên sứ mệnh cao cả. Đó là sự tiên phong trong các lĩnh vực”. Theo Huy, trong bối cảnh hiện nay, sứ mệnh của thanh niên là tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Anh Huy cho rằng, ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, các bạn đoàn viên, thanh niên hiện là những thế hệ Gen Z được lớn trưởng thành trong sự phát triển của các nền tảng công nghệ, mạng xã hội mạnh mẽ. Đặc biệt hiện nay với những trào lưu, xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội đã và đang tác động mạnh mẽ đến đoàn viên, thanh niên. Trong sự phát triển ấy, một số đơn vị đã có sự vận dụng mời gọi các giới văn, nghệ sĩ, các bạn có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội tham gia vào các hoạt động tình nguyện với nhiều giải pháp hiệu quả.

“Từ thực tiễn công tác, trong chương trình đối thoại hôm nay, tôi xin đề xuất với Ban Bí thư về giải pháp ‘Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn’. Đây là giải pháp mà các tổ chức Đoàn cơ sở cùng các nhà văn hóa sẽ là cầu nối, kênh tập hợp, phát huy, gắn kết các văn nghệ sĩ trẻ, KOL nổi tiếng sinh hoạt và lan tỏa những giá trị của các bạn đến cộng đồng thông qua các hoạt động”, anh Huy hiến kế giải pháp.

Anh Nguyễn Khắc Quốc Huy cho rằng, thông qua hệ sinh thái của tổ chức Đoàn – Hội sẽ là môi trường để các bạn KOL, văn nghệ sĩ trẻ cống hiến, lan tỏa những giá trị tích cực phục vụ cộng đồng. Ngược lại các bạn ấy sẽ là một tuyên truyền viên mang giá trị của các hoạt động tình nguyện, hoạt động Đoàn – Hội đến gần hơn với công chúng và những bạn trẻ ngày nay.

Song song đó, tổ chức Đoàn có thể tìm kiếm và tập hợp những anh, chị, em cán bộ đoàn mà có năng khiếu về truyền đạt, văn thể mỹ, các bạn là những gương điển hình tiêu biểu tại các lĩnh vực để từ đó tạo thành một cộng đồng liên kết giữa các bạn là người có sức ảnh hưởng với các cán bộ đoàn tại địa phương.

Theo anh Nguyễn Khắc Quốc Huy, từ “Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn” trực thuộc Đoàn cơ sở, đó sẽ là một kênh truyền thông hiệu quả giúp truyền tải, lan tỏa thông điệp, trào lưu, một xu hướng cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn quốc”, anh Huy nói. Bên cạnh đó, thông qua hệ sinh thái KOL này cũng là nơi để hỗ trợ cho các bạn KOL tham gia về các quyền lợi chính đáng như các chương trình đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện để các KOL tham gia vào các chương trình lớn của T.Ư Đoàn như: Không gian sinh hoạt, tham gia các Hành trình về nguồn do T.Ư Đoàn tổ chức, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với bạn bè quốc tế.. tạo được sự kết nối cho các giới văn nghệ sĩ tạo ra các sản phẩm tích cực để cùng nhau phát triển.

Còn đối với các bạn là cán bộ đoàn khi tham gia vào hệ sinh thái thì tổ chức Đoàn sẽ có những chương trình rèn luyện, trao dồi các kỹ năng thực hành xã hội, tư duy tạo ra các xu hướng riêng cho đơn vị của mình. Theo anh Huy, khi cán bộ Đoàn trở thành các KOL thì việc lan tỏa các hoạt động tình nguyện, các chương trình đồng hành của tổ chức Đoàn dễ đi vào nhận thức của đoàn viên, thanh niên.

“Với những nội dung trên, tôi hy vọng giải pháp ‘Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn’ sẽ là điểm mới trong việc đổi mới công tác giáo dục cho đoàn viên, thanh niên. Đây sẽ là môi trường giúp cho tổ chức Đoàn tiếp cận gần hơn với đoàn viên, thanh niên, tạo ra được các xu hướng cho các bạn trẻ lan tỏa các trào lưu tích cực và xây dựng một môi trường lành mạnh trên mạng xã hội của thanh niên Việt Nam”, anh Nguyễn Khắc Quốc Huy bày tỏ kỳ vọng về giải pháp “Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn”.

 

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn ghi nhận, đánh giá cao ý tưởng của bạn Nguyễn Khắc Quốc Huy

 

Sau khi nghe Nguyễn Khắc Quốc Huy trình bày giải pháp “Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy ghi nhận, đánh giá đây là một ý tưởng sáng tạo, có tính khả thi.

Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, “Hệ sinh thái KOL cán bộ Đoàn” vừa phát huy được bạn trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội là cán bộ Đoàn, vừa đảm bảo các thông tin truyền đạt chính xác, đúng đắn. Đây cũng là diễn đàn để cán bộ Đoàn học hỏi lẫn nhau. Đồng thời hệ sinh thái góp phần, tạo trend – xu hướng tích cực trên mạng xã hội, một hình thức tốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục hiện nay.

Thành lập các cộng đồng sinh viên chuyên ngành với sự chỉ đạo, định hướng của tổ chức Đoàn- Hội

Trao đổi trong phần hiến kế tại diễn đàn, đoàn viên Vũ Thu Hằng (Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ một số suy nghĩ về Gen Z, những người trẻ hiện nay và mong muốn Đoàn đồng hành, hỗ trợ để Gen Z phát triển toàn diện.

Hằng cho rằng, Gen Z là thế hệ đầu tiên trưởng thành trong thời đại công nghệ số. Họ có nhiều đặc điểm khác biệt so với các thế hệ trước, như: Khả năng thích nghi nhanh với công nghệ; mong muốn học tập linh hoạt, chủ động về thời gian; tinh thần sáng tạo, phát triển không ngừng trong môi trường làm việc. Một khảo sát của nền tảng việc làm Linkedin cho kết quả 59% nhân viên Gen Z sẽ chủ động học thêm các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp để nắm bắt cơ hội làm việc và cải thiện thu nhập cá nhân. Khảo sát cũng cho thấy thế hệ Gen Z quan tâm đến tài chính và định hướng sự nghiệp cá nhân nhiều hơn hẳn những thế hệ trước đó.

 

Bạn Vũ Thu Hằng (Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)

 

“Từ đặc điểm của Gen Z cùng bối cảnh giáo dục và việc làm hiện nay, các bạn trẻ thế hệ mới rất cần được tạo môi trường thực tế, linh hoạt, cởi mở để học hỏi, chia sẻ và phát triển cùng nhau”, đoàn viên Vũ Thu Hằng nói.

Từ nhu cầu, đặc điểm của các bạn trẻ Gen Z, Vũ Thu Hằng đề xuất giải pháp thành lập các cộng đồng sinh viên chuyên ngành với sự chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên.

Theo Hằng, đây sẽ là môi trường để các bạn trẻ được hỗ trợ tối ưu về chuyên môn, nâng cao hiệu quả trong học tập và nghiên cứu với sự giúp đỡ, hướng dẫn từ các bạn sinh viên cùng ngành, anh chị đi trước và các chuyên gia trong lĩnh vực. Những sự chỉ dẫn và hỗ trợ cụ thể này là rất cần thiết trong thời đại khủng hoảng quá tải thông tin như hiện nay.

Những cộng đồng chuyên ngành có thể giúp nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ khi đóng vai trò cầu nối giữa đội ngũ trí thức trẻ và các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan tuyển dụng đúng chuyên ngành trong từng lĩnh vực.

Những cộng đồng sinh viên chuyên ngành được thành lập sẽ tạo điều kiện cho các bạn trẻ được phát triển không chỉ kiến thức mà còn cả kỹ năng làm việc thực tế qua việc tham gia các hoạt động, dự án, sự kiện chuyên ngành. Ví dụ, với sinh viên ngành Sư phạm, thì việc được tham gia một cộng đồng để học hỏi các thầy cô đi trước kinh nghiệm giảng dạy hay thực hành phát triển năng lực qua các dự án dạy học tình nguyện đều sẽ là những trải nghiệm rất quý giá.

Để tạo và duy trì hoạt động hiệu quả các cộng đồng sinh viên chuyên ngành, Hằng kiến nghị Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên tại các cơ sở đào tạo cùng chuyên ngành, cùng lĩnh vực tăng cường giao lưu, trao đổi chuyên môn, đồng thời tận dụng nền tảng là cuộc thi chuyên ngành để kết nối các bạn Đoàn viên thanh niên trong cùng lĩnh vực.

Đồng thời, hoạt động kết nối nên được triển khai cả hình thức online và offline để tận dụng sức lan toả của công nghệ và truyền thông số.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy ghi nhận kiến nghị thành lập cộng đồng sinh viên chuyên ngành là giải pháp tốt để hỗ trợ nhau trong học tập, lao động sản xuất.

Trao đổi về đề xuất của Vũ Thu Hằng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy ghi nhận kiến nghị thành lập cộng đồng sinh viên chuyên ngành là giải pháp tốt để hỗ trợ nhau trong học tập, lao động sản xuất; đồng thời tạo ra cộng đồng có ích, văn minh trên không gian mạng.

 

 

“Với mô hình này, chúng ta có thể dễ dàng trong việc chia sẻ học liệu, kinh nghiệm, phương pháp học tập; cũng như động viên, hỗ trợ nhau về mặt tâm lý, tình cảm. Việc tham gia cộng đồng này, các thành viên còn có thể giúp nhau định hướng về lý tưởng, nghề nghiệp việc làm… Tôi hy vọng, đây là mô hình tốt cho tổ chức Đoàn, Hội sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu thực hiện”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy bày tỏ.

Hiến kế công cụ AI “make in Việt Nam”

Hiến kế tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Minh Khôi - chuyên gia nghiên cứu tại VinAI giới thiệu công cụ AI “make in Việt Nam” có tên PhởGPT.

 

 

TS. Khôi cho biết, PhởGPT kế thừa từ mô hình ngôn ngữ lớn ChatGPT của OpenAI, có điểm mới là sử dụng mô hình mã nguồn mở. Đây một công cụ miễn phí, thuần Việt trong việc xây dựng, sản xuất các sản phẩm truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức đoàn viên thanh niên khai thác, sử dụng phục vụ cho học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất.

“Việc sử dụng ChatGPT - một mô hình thương mại của OpenAI, mang theo nhiều rủi ro tiềm ẩn. Trong bối cảnh này, việc áp dụng ChatGPT trong môi trường doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, có nguy cơ tiết lộ thông tin bảo mật của tổ chức cho OpenAI, đơn vị sở hữu của ChatGPT. Vì vậy, việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở trở nên vô cùng quan trọng. Điều này cho phép các tổ chức và doanh nghiệp chủ động điều chỉnh, triển khai và lưu trữ các mô hình ngôn ngữ lớn trên hạ tầng nội bộ của họ, tăng cường bảo mật thông tin. Hơn nữa, việc điều chỉnh và cập nhật mô hình để phản ánh ngữ cảnh và nhu cầu của người dùng Việt Nam sẽ làm cho ứng dụng trở nên phù hợp và giá trị hơn trong cộng đồng người dùng Việt Nam”, TS. Khôi cho biết.

 

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy trao đổi với các bạn trẻ

 

Theo đó, TS. Nguyễn Đức Minh Khôi sẵn sàng giúp sức và tập huấn cho các cán bộ Đoàn trong việc ứng dụng công nghệ này phục vụ trực tiếp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, nhất là trong việc xây dựng các sản phẩm truyền thông phục vụ cho định hướng, tuyên truyền đến thanh thiếu nhi. Đồng thời cũng mong muốn nhận được sự đóng góp của các bạn trẻ yêu công nghệ góp sức xây dựng cơ sở dữ liệu huấn luyện cho PhởGPT để giúp PhởGPT ngày càng tốt hơn.

 

Nhóm PV