Lê Minh Tú - Tỏa sáng nghị lực thanh niên khuyết tật

16:05 22/01/2019     1535

Mỗi ngày 1 tin tốt - Mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp   Web.ĐTN: Không còn đôi chân, anh Lê Minh Tú (33 tuổi), ngụ khu phố Võ Trường Toản, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá, KIên Giang) phải di chuyển bằng chiếc xe tự chế.

Anh Lê Minh Tú, ngụ khu phố Võ Trường Toản, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá), sửa xe điện ba bánh cho khách.

 

Thế nhưng anh Tú luôn suy nghĩ tích cực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, năm 2018, anh được Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tuyên dương gương thanh niên “Tỏa sáng nghị lực Việt”.

Chúng tôi đến nhà anh Tú vào một buổi chiều, khi đó, anh đang ngồi trên chiếc xe tự chế của mình, sửa chiếc xe điện ba bánh cho khách. Nói là ngồi nhưng chiếc xe tự chế đó cũng là đôi chân của anh. Đó là cái thau nhôm đặt trên khung sắt được gắn bốn bánh xe nhỏ để anh dễ di chuyển. Anh ngồi lọt thỏm trong chiếc thau, tỉ mẩn đấu nối từng sợi dây điện của chiếc xe điện cho khách…

Nghị lực vươn lên

Là một thanh niên khỏe mạnh, anh Tú lao động chính của gia đình với nghề làm thợ hồ. Anh có vợ và một con trai. Cuộc sống êm đềm, vợ chồng cùng làm xây dựng mái ấm.

Thế rồi tai nạn bất ngờ ập đến năm anh 22 tuổi. Anh bị ngã từ trên cao xuống hồ nước trong lúc đang làm hồ. Tai nạn làm đôi chân anh yến dần và không di chuyển được nữa. Vợ anh bỏ đi, để lại cho anh đứa con trai chỉ mới 3,5 tuổi.

Nhưng với ý chí, nghị lực sống, anh vẫn cố gắng kiếm tiền lo thuốc thang và trang trải cuộc sống. Anh đi bán vé số bằng chiếc xe lắc. Nhưng bệnh tật vẫn chưa chịu buông tha người đàn ông bất hạnh. Đôi chân anh tiếp tục bị hoại tử và trong năm 2017, anh phải gỡ khớp háng và đùi. Mất cả hai chân, anh Tú di chuyển bằng “đôi chân” tự chế như đã nói ở trên.

Anh Tú, tâm sự: “Tai nạn bất ngờ, rồi dần chuyển biến xấu, tiếp đó là biến cố gia đình, mọi việc xảy ra như thử thách sức chịu đựng của tôi. Nhưng mãi loay hoay với những buồn chán, thất vọng thì cũng chẳng được gì. Tôi thấy mình còn may mắn là còn sống, còn con trai, cha già, vì thế tôi phải nỗ lực vươn lên để lo cho gia đình mình”.

Giờ đây để có tiền trang trải cuộc sống, thuốc thang, nuôi con và người cha già yếu, ban ngày anh Tú bán phụ tùng xe điện, sửa và chế xe điện 3 bánh tại nhà; ban đêm, anh và con trai bán vé số dọc các tuyến đường có nhiều điểm vui chơi, quán xá trên địa bàn TP. Rạch Giá. Mỗi tối anh bán được 100 tờ vé số, lời 120.000 đồng; việc lắp, sửa xe điện 3 bánh, anh kiếm được khoảng 3 triệu/tháng. Số tiền kiếm được anh có thể mua thuốc (500.000 đồng/tuần) và sinh hoạt phí hàng ngày.

Sáng tạo và đồng cảm

Do cột sống bị ảnh hưởng trong vụ tai nạn nên thời gian di chuyển trên chiếc xe lắc bán vé số, anh Tú không đủ sức khỏe di chuyển lâu. Được nhà hảo tâm tặng chiếc xe điện 3 bánh, anh không phải sử dụng xe lắc tay di chuyển. Nhưng chiếc xe điện khá cồng kềnh và nặng nề nên anh suy nghĩ sẽ làm chiếc xe đơn giản, nhẹ nhàng hơn.

Nghĩ là làm, anh Tú tháo các thiết bị điện vận hành chiếc xe điện của mình để nghiên cứu.

Sau 1 đêm mày mò, anh nắm được cơ chế vận hành của chiếc xe điện. Anh nhờ thợ hàn chế lại một chút phần cổ chiếc xe lắc cũ, rồi thay lắp động cơ trên xe điện của mình sang. Thế là anh có chiếc xe mới, vừa nhẹ như xe lắc, vừa có động cơ điện.

Chứng kiến những cảnh đời bất hạnh như mình phải di chuyển trên chiếc xe lăn xe lắc, bươn trải bán vé số, anh Tú nghĩ ra ý tưởng chế lại những chiếc xe lắc có gắn động cơ, nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật thuận tiện đi lại. Từ ý tưởng đó, anh Tú mở tiệm bán phụ tùng xe điện, sửa và chế xe điện 3 bánh tại nhà, vừa giúp được người khó khăn đi lại, vừa kiếm thêm một phần thu nhập. Từ lúc thực hiện đến nay, anh chế được hơn 20 chiếc xe lắc có hỗ trợ động cơ điện.

Ông Nguyễn Văn Tặng, ngụ khu phố Võ Trường Toản, phường Vĩnh Quang, cho biết: “Thương hoàn cảnh Tú, nó tật nguyền còn phải gánh vác gia đình. Nó hiền lành, thật thà, mỗi chiếc xe lắc, gắng thêm động cơ điện, cả tiền công và toàn bộ động cơ, Tú nó lấy có 4,5 triệu đồng. Nhờ nó mà những người khuyết tật như chúng tôi có chiếc xe di chuyển nhẹ nhàng, đi bán được xa, kiếm được thu nhập đỡ hơn”.

Tuy di chuyển khó khăn nhưng anh Tú còn nhiệt tình sửa lưu động khi có yêu cầu, anh Tú chia sẻ: “Cùng cảnh ngộ nên tôi hiểu được khó khăn vất vả của những người khuyết tật như mình. Nên hỗ trợ được gì thì tôi làm thôi. Buôn bán mỗi ngày không được bao nhiêu mà xe hư nữa thì sao di chuyển được, nên khi có điện thoại kêu sửa chữa là tôi đi liền. Chính vì thế tôi không dám đi bán vé số ban ngày, sợ khách kêu sửa xe mình không đi được”.

Do hiện tại, anh Tú sửa xe tại nhà trong hẻm, vừa chật hẹp, vừa khó tìm, nên nguyện vọng của anh là muốn có một nơi mở tiệm nho nhỏ thuận tiện trong việc làm của mình, kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

 

Đỗ Xuân, TĐ Kiên Giang -BA