Hiệu ứng từ mô hình “Tiếng loa học bài” trong mùa Covid-19

10:46 24/04/2020     3647

Thanh niên tình nguyện   Web.ĐTN: Vào mỗi buổi tôi trước chương trình Thời sự, các thanh niên chia nhau dùng loa phát thanh để hô hào, thúc giục học sinh ngồi vào bàn học, ôn luyện bài vở trong thời gian nghỉ ở nhà vì dịch bệnh Covid-19.

Bí thư Chi đoàn kiểm tra, hướng dẫn  học sinh học bài hàng tuần

 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang là tỉnh cũng như nhiều địa phương khác đã phải cho các em học sinh nghỉ học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian này, các địa phương trên toàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp học sinh thường xuyên học tập trong thời gian ở nhà, trong đó, nổi bật là ngành giáo dục của tỉnh đã hướng dẫn các em học online qua các ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, tâm lý chung của các em học sinh là nếu được nghỉ học quá dài ngày, đồng thời, phải thực hiện cách ly xã hội không được ra khỏi nhà hoạt động, vui chơi, giải trí sẽ khiến các em mang tâm lý, thói quen ngại học tập, ôn luyện bài vở. Xuất phát từ thực tiễn đó, Đoàn xã Đông Sơn đã đề xuất với Thường trực Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện về phương tiện, trang thiết bị để tổ chức triển khai mô hình “Tiếng loa học bài”.

Được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng tình, ủng hộ với việc làm thiết thực này của tuổi trẻ trên địa bàn thì mô hình được triển khai ngay sau khi Ban Thường vụ Đoàn xã xây dựng phương án, phân công nhiệm vụ cho các chi đoàn. Đồng thời, hệ thống loa truyền thanh được đặt tại trụ sở làm việc của xã Đông Sơn, đã kết nối thông tin phủ sóng đến 14 thôn trong toàn xã.

Hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 6, cứ vào lúc 19 giờ 30 phút là tiếng nói quen thuộc lại vang lên trong chiếc loa phát thanh của xã. Âm thanh này đã trở nên gần gũi, quen thuộc đối với mỗi xóm làng và các em học sinh, phụ huynh ở địa phương. Mở đầu tín hiệu chương trình là 01 bài hát hoặc một khúc nhạc dạo đầu, sau đó là lệnh học bài được phát qua giọng đọc của phát thanh viên với nội dung: “Đã đến giờ học bài buổi tối, đề nghị các bậc phụ huynh..! Vặn nhỏ máy thu thanh thu hình, nhắc nhở con em mình vào vị trí học bài. Chúc các bạn học sinh có một buổi tối học thật bổ ích và hiệu quả!”. Cuối cùng là một đoạn nhạc (Chương trình được phát 4 lần theo 4 hướng khác nhau với tổng dung lượng dài hơn 4 phút). Hệ thống loa máy được đặt tại trụ sở Đảng ủy xã Đông Sơn, việc phát thanh nhắc học tập được các đồng chí ủy viên trong Ban Thường vụ Đoàn xã luân phiên thực hiện.

Anh Hoàng Văn Huế, Bí thư đoàn xã Đông Sơn cho biết: “Hiện mô hình đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần cổ vũ tinh thần tự giác học tập trong toàn thể học sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng học tập cho các em, tạo cho học sinh nề nếp ý thức tự giác học tập tại nhà để hạn chế những lỗ hổng, sự hụt hẫng về kiến thức trong thời gian nghỉ dài để phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện chuẩn bị cho tinh thần tiếp thu bài giảng trên lớp tốt hơn khi đi học trở lại. Thời gian tới, Xã đoàn, Chi đoàn nhà trường sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo địa phương quyết tâm duy trì thường xuyên hoạt động của mô hình và vận động xã hội hóa các nguồn lực để duy trì hiệu quả mô hình; đồng thời, vận động các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Theo tinh thần của “Tiếng loa học bài” thì mỗi khi tiếng loa vang lên báo hiệu giờ học bài đã đến là các em học sinh sẽ phải tự giác ngồi vào bàn học, mọi hoạt động vui chơi giải trí đều phải tạm ngưng. Các bậc phụ huynh cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc nhắc nhở, giám sát, kiểm tra con em mình học tập. Mọi hoạt động giải trí của phụ huynh ở nhà trong thời gian học bài của con đều phải chấm dứt hoặc cắt giảm để tránh làm ảnh hưởng đến việc học của các em.

 

Đồng chí Hoàng Văn Huế - Bí thư Đoàn xã Đông Sơn phát thanh tiếng loa học bài mỗi buổi tối

 

Trước tình hình đó, hàng tuần, Đoàn xã phối hợp với chi đoàn các nhà trường trực tiếp xuống tận thôn, bản hướng dẫn các em ôn tập kiến thức, giải đáp những bài tập nâng cao. Qua đó, Đoàn xã nắm được những học sinh lực học còn kém, “hổng” kiến thức ở từng môn học để cùng các nhà trường phụ đạo, bồi dưỡng cho các em. Bởi vậy, đã thành nền nếp, dù làm nhiều việc nhà giúp đỡ bố mẹ nhưng cứ 19 giờ 30 phút hằng ngày, khi tiếng loa phát thanh của xã vang lên, các em tự giác ngồi vào góc học tập trau dồi kiến thức. Em Nguyễn Thân Thiện lớp 3C, Trường Tiểu học Đông Sơn cho hay: “Em và các bạn học sinh ở trường đã quen dần với tiếng loa nhắc nhở học tập mỗi buổi tối. Do chuẩn bị kiến thức kỹ trước khi trở lại trường học nên em tự tin hơn khi thầy cô giáo kiểm tra kiến thức trong chương trình học tập tại nhà”.

Được biết mô hình đã được Đoàn xã triển khai bắt đầu từ năm 2016, sau đó bị gián đoạn một thời gian và đến nay mô hình được khôi phục và thực hiện trong thời điểm cả nước đang tập trung thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã mang lại tín hiệu tích cực giúp các em học sinh ở một xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Thế hình thành thói quen tự giác trong học tập.

Có thể nói mô hình tiếng loa học tập ở xã Đông Sơn là mô hình hay đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần cổ vũ tinh thần tự giác học tập trong toàn thể học sinh, qua đó nâng cao chất lượng học tập cho các em học sinh nơi đây.

 

Hoàng Ngọc, TĐ Bắc Giang