Quảng trị: 9 tháng đầu năm 2018 đã có 102 mô hình phát triển kinh tế mới

10:00 19/10/2018     4184

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Nhằm hỗ trợ thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ. Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã giải ngân cho 97 dự án với tổng số tiền gần 05 tỷ đồng.
Tham quan mô hình chăn nuôi gà Ai Cập của anh Nguyễn Văn Tám, ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh
Mô hình chăn nuôi gà Ai Cập của anh Nguyễn Văn Tám, ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh


Ngày 16/10, Tỉnh Đoàn Quảng Trị phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức đoàn công tác kiểm tra các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên được hỗ trợ vốn vay tại 02 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.

Để tìm hiểu tình hình thực tế các mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ trên địa bàn tỉnh, đoàn công tác đã đến thăm các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.

Cụ thể như mô hình chăn nuôi gà Ai Cập của anh Nguyễn Văn Tám ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh; mô hình sản xuất tinh dầu thảo dược của chị Trần Thị Quỳnh Giao ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh; mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Minh Quốc ở thôn Gia Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh; mô hình nuôi cá chình hoa của anh Trần Quốc Toản ở thôn Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh; mô hình nuôi cá trắm của anh Lê Đình Định ở thôn Thủy Tú 1, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh; mô hình chăn nuôi vịt biển, lợn rừng của anh Nguyễn Hữu Giáp ở thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.


Tham quan mô hình sản xuất tinh dầu thảo dược của chị Trần Thị Quỳnh Giao, ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh
Mô hình sản xuất tinh dầu thảo dược của chị Trần Thị Quỳnh Giao, ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh


Qua kiểm tra, đánh giá hiệu quả các mô hình, Tỉnh Đoàn cùng Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực của thanh niên trong việc thực hiện các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, góp phần đưa hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đi vào chiều sâu.

Đồng thời, mong muốn hoạt động phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên cần gắn liền với bảo vệ môi trường địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay do tổ chức Đoàn kết nối, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để đoàn viên, thanh niên ở địa phương được học hỏi làm theo.

Với sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cấp bộ Đoàn đã giúp thanh niên có điều kiện, cơ hội và sự tự tin, quyết tâm lập thân, khởi nghiệp. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2018 đã có 102 mô hình phát triển kinh tế mới và đến nay, toàn tỉnh có 627 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, trong đó có 432 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Toàn tỉnh hiện có 167 tổ tiết kiệm vay vốn thanh niên, với dư nợ ủy thác từ ngân hàng CSXH là 216 tỷ đồng; tính đến tháng 9/2018 với doanh số cho vay trong năm 2018 đạt trên 50 tỷ đồng, giải ngân nguồn vốn vay theo chương trình 120 kênh Trung ương Đoàn với tổng dư nợ gần 1,1 tỷ đồng với 25 dự án tham gia.


Tham quan mô hình chăn nuôi vịt biển, lợn rừng của anh Nguyễn Hữu Giáp, ở thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh
Tham quan mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Nguyễn Hữu Giáp, ở thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, huy động các nguồn vốn vay, giúp đoàn viên, thanh niên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, thời gian tới, Tỉnh Đoàn Quảng Trị sẽ chú trọng công tác phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh quan tâm tăng thêm nguồn vốn bổ sung cho vay đối với các mô hình, dự án phát triển kinh tế trong thanh niên.

Trong đó, tập trung ưu tiên cho các dự án Trung ương khởi nghiệp; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay; gắn việc hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tích cực mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh; góp phần có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.