Lào Cai: Vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương
10:42 20/04/2018 1672
Tuổi trẻ sáng tạo Web.ĐTN: Nguyễn Thế Dự, chàng trai sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 người con, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư chăn nuôi, thú y, Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2012, Dự trở về mảnh đất Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xây dựng mô hình kinh tế gia đình.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Với quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp Đại học, Dự đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ban đầu 100 trăm triệu và những kiến thức về chăn nuôi, thú y tích lũy được trong quá trình học tập, Dự đã đào ao thả cá, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, đến năm 2015, anh tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp với mô hình trồng xoan và quế.
Với quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp Đại học, Dự đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ban đầu 100 trăm triệu và những kiến thức về chăn nuôi, thú y tích lũy được trong quá trình học tập, Dự đã đào ao thả cá, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, đến năm 2015, anh tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp với mô hình trồng xoan và quế.
Anh Dự đang phát triển 4 mô hình ao nuôi cá với trên 6.000 con giống |
Trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình kinh tế gia đình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, Dự gặp không ít khó khăn như kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trên thực tế có nhiều vấn đề khác so với những gì anh được học từ sách vở. Thế nhưng, chàng thanh niên trẻ không nản chí, anh đã tích cực tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tham gia Lễ phát động Chương trình Thanh niên Lào Cai sáng tạo khởi nghiệp, giai đoạn 2018 - 2020 và cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Start - up Idea lần thứ nhất.
Tính đến nay, sau 6 năm khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế của anh đã có 4 ao cá với tổng diện tích lên đến 0,5ha, trong đó có 3 ao nuôi cá thương phẩm với 6.000 con các loại và 1 ao cá giống để phục vụ chính nhu cầu chăn nuôi của gia đình. Nhiều loại cá cho giá trị kinh tế cao như cá bỗng, cá chầy mắt đỏ,... cho thu hoạch 5 tạ cá mỗi năm.
Không chỉ phát triển mô hình nuôi cá thương phẩm, anh cùng gia đình còn nuôi đàn bò nhốt và trâu lên đến 17 con; đàn ngan đen và gà ri đẻ trứng lên đến hàng trăm con vào những đợt cao điểm. Để phục vụ chính nhu cầu chăn nuôi của gia đình, anh Dự cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần đất trồng lúa của gia đình sang trồng cỏ, ngô để phục vụ thức ăn cho đàn cá và đàn gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp của anh đến nay cũng đã trồng được trên 2 ha xoan, hơn 2.000 gốc quế. Mô hình phát triển kinh tế này đã đem lại cho gia đình nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đoàn viên tiêu biểu của thôn
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình gắn với định hướng phát triển kinh tế của địa phương, Dự còn là đoàn viên tiêu biểu của chi đoàn thôn Liêm. Anh đã cùng vợ mình là Vi Thị Thứ, Bí thư chi đoàn thôn Liêm tuyên truyền ĐVTN thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà Nước, làm gương trong lối sống cho ĐVTN của chi đoàn; phát động thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của của đất nước; tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, văn hóa văn nghệ thể dục thể thao của thôn và xã; tích cực tham gia học hỏi các mô hình phát triển kinh tế.
Từ những nỗ lực, cố gắng vươn lên, Nguyễn Thế Dự đã vinh dự liên tục 02 năm (2014 và 2015) được Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác thú y; Chủ tịch UBND xã Liêm Phú tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016; Huyện đoàn Văn Bàn tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong Phong trào Thanh niên làm chủ đất nước năm 2017 và được Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2017.
Ước mơ làm giàu từ mảnh đất quê hương không dừng lại đó, Dự đang xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật để biến ý tưởng nuôi cá suối thành thương phẩm trở thành hiện thực.
Dự chia sẻ, trước đây, trong quá trình học tập tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình - một miền quê được thiên nhiên ưu đãi về nguồn đất, nguồn nước và ấm tình người. Đây là lý do để sau khi tốt nghiệp Đại học, Dự mạnh dạn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Trong thời gian tới, Dự sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế gia đình theo định hướng phát triển của địa phương, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương./