Bạc Liêu: Hiệu quả từ mô hình nuôi Cua Đinh thương phẩm

10:08 08/08/2018     5718

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Quyết tâm tìm kiếm những mô hình làm ăn có hiệu quả, anh Trần Văn Vụ - Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn thực hiện thành công mô hình Cua Đinh thương phẩm.
Thời gian qua, một số mô hình phát triển kinh tế trong nhân dân cũng như trong lực lượng đoàn viên thanh niên đã phát huy hiệu quả như: mô hình nuôi cá sấu, mô hình nuôi cá bóng tượng, mô hình nuôi trăn, mô hình nuôi rắn hổ hèo, mô hình nuôi heo.

Tuy nhiên, do giá cả sụt giảm, tình trạng một số thương lái ép giá, đầu ra cho sản phẩm không ổn định dẫn đến người nuôi có tâm lý chán nản và chưa mạnh dạng tái đàn đầu tư sản xuất.


346456
Anh Trần Văn Vụ - Phó Bí thư Đoàn xã An Trạch đã mạnh dạn thực hiện thành công mô hình Cua Đinh thương phẩm

Đứng trước những khó khăn trên, anh Trần Văn Vụ - Phó Bí thư Đoàn xã An Trạch, huyện Đông Hải đã quyết tâm tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả và cách làm hay để nhân rộng trong đoàn viên thanh niên.

Sau thời gian tìm kiếm thông tin trên Internet, học hỏi qua bạn bè, sách báo kết hợp với đi tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Anh đã mạnh dạn thực hiện thành công mô hình Cua Đinh thương phẩm.

Đầu năm 2014, anh Vụ học hỏi được mô hình nuôi Cua Đinh thương phẩm (hay còn gọi là Ba Ba Nam Bộ). Qua tìm hiểu anh đã nắm được kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc và cách phòng bệnh, với thuộc tính con Cua Đinh sống vùng nước ngọt, nhưng nguồn nước ở địa phương là vùng nước mặn không thể nuôi trong ao, hồ nước ngọt như các địa phương khác. Từ đó, anh Vụ đã có ý tưởng xây bể xi măng tạo địa hình có gò trên mặt nước để Cua Đinh phơi nắng và xây bể chứa cát để cho Cua Đinh vùi khi thời tiết lạnh.

Vào tháng 12/2014, anh quyết định cùng với 03 người anh trai trong gia đình hùn vốn 124 triệu đồng để xây 02 bể xi măng trên phần đất trống của gia đình, diện tích mỗi bể 30 m2 và thả 230 con Cua Đinh giống mỗi con trị giá 450 nghìn đồng/con, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại gia đình như: cá phi, tép bạc con, các loại cá tạp…, ngoài ra vào mùa mưa kết hợp thả lục bình, rau muống biển nhằm tạo nguồn nước tốt cho bể nuôi và tạo nguồn thức ăn cho Cua Đinh.

Qua 30 tháng nuôi, trọng lượng con lớn nhất 9 kg, con nhỏ nhất 3,5 kg, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 4,5 kg. Kết quả, tháng 05/2017, anh đã xuất bán Cua Đinh thịt là 1.081 kg với giá 450 nghìn đồng /kg. Tổng doanh thu đạt được 486.450.000 đồng; chi phí đầu tư xây bể xi măng, thả con giống và thức ăn 174.000.000 đồng; trừ chi phí tổng lãi còn 312.450.000 đồng.

Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả, anh đã khuyến khích bà con và đoàn viên thanh niên có điều kiện để mạnh dạn thực hiện mô hình này và luôn chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay cho bà con có nhu cầu nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn xã An Trạch có 12 hộ thả nuôi hơn 1.000 con Cua Đinh, có trọng lượng từ 300g đến 4,5 kg. Vào tháng 4/2017, có 01 thành viên xuất bán 336 kg Cua Đinh thương phẩm với giá 500.000 đ/kg lợi nhuận mỗi con hơn 1 triệu đồng/24 tháng nuôi.

Mô hình nuôi Cua Đinh thương phẩm của anh Trần Văn Vụ là mô hình điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của Đoàn xã An Trạch. Hiện mô hình đang được nhân rộng trong đoàn viên thanh niên và con nhân dân, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương của đoàn viên, thanh niên huyện Đông Hải.