Ra mắt dự án "Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn"

21:56 25/02/2022     2654

3 Chương trình   ​​​​​​​ĐTN: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa sẽ là 3 trường đầu tiên tham gia dự án "Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn".

Sáng nay, 25/2, hơn 100 đại biểu sinh viên, học viên cao học, cán bộ, giảng viên đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa và một số tỉnh thành khác đã tham gia sự kiện ra mắt dự án “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

 

Dự án được triển khai theo hướng dẫn toàn cầu của UN Women về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trong khuôn viên trường đại học, góp phần thực hiện mục tiêu 5 trong khuôn khổ Các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. 

Sự kiện ra mắt dự án do trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women). Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động của dự án gồm: Đánh giá tình hình an toàn của sinh viên và cán bộ, giảng viên nữ trong các trường đại học Sư phạm và các trường đại học có đào tạo giáo viên  làm cơ sở xây dựng chính sách đảm bảo an toàn cho sinh viên; Chiến dịch truyền thông trực tiếp và trực tuyến nâng cao nhận thức cho sinh viên về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới cũng như cách ứng phó khi bị bạo lực; Thiết lập kênh hỗ trợ khẩn cấp và thường xuyên cho những sinh viên, cán bộ nữ bị bạo lực thông qua phòng tham vấn tâm lý đặt tại các trường đại học. 

Kiến tạo môi trường học đường không bạo lực

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, bạo lực hiện diện ở mọi nơi và xảy ra với mọi cá nhân không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Trường đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường Đại học sư phạm nói chung với số lượng sinh viên nữ chiếm tỉ lệ lớn, vì thế nguy cơ sinh viên nữ là nạn nhân hay người trải nghiệm những hình thức của bạo lực hẹn hò, quấy rối tình dục cũng lớn hơn.

 

 

Ông Nguyễn Đức Sơn khẳng định, tham gia vào dự án này, trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẵn sàng chung tay cùng với UN Women xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn để kiến tạo một môi trường học đường thực sự thân thiện, không có bất kì hình thức bạo lực nào xảy ra với các em sinh viên và cả cán bộ, giảng viên nữ trong nhà trường. 

Bà Lê Thị Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Công tác chính trị, Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, dự án “Khuôn viên trường đại học an toàn” có thể coi là sáng kiến đầu tiên được thực hiện bài bản, có hệ thống theo hướng dẫn chung toàn cầu ở môi trường đại học ở Việt Nam. Sự kiện này cũng cho thấy vai trò của các trường đại học sư phạm trong việc tuyên truyền, lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, chấm dứt mọi hình thức bạo lực với sinh viên và cán bộ nữ trong trường đại học. 

Đại diện UN Women, bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý chương trình cho biết, từ dự án này, các trường đại học ở Việt Nam sẽ được truyền cảm hứng để cùng thúc đẩy khuôn viên trường đại học an toàn với mọi sinh viên và cán bộ, nhân viên. 

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Trong khuôn khổ sự kiện ra mắt, đại diện các trường đại học cũng tham gia Hội thảo Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

 

Theo đại diện trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, thực tế các sinh viên nữ là nhóm nạn nhân có nguy cơ cao với các hình thức bạo lực tình dục, hẹn hò và quấy rối tình dục. Tuy nhiên các em có xu hướng che dấu hoặc không dám nói ra. Vì thế, dự án xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn sẽ tạo cơ hội cho các em sinh viên - các thầy cô giáo tương lai nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới, hiểu rõ hơn về các hình thức bạo lực và chủ động bảo vệ bản thân cũng như lên tiếng với những hành vi có nguy cơ hay hành vi bạo lực.

Đại diện trường Đại học Hồng Đức-Thanh Hóa cũng cho rằng, các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực là vô cùng cần thiết và nên được thực hiện đồng bộ cả trên giảng đường và trên không gian mạng. "Chúng tôi hi vọng tham gia vào dự án có ý nghĩa này sẽ giúp sinh viên của trường ĐH Hồng Đức thay đổi được thái độ và hành vi với những hành vi bạo lực xung quanh khuôn viên trường đại học và trong cuộc sống”, đại diện trường ĐH Hồng Đức nhấn mạnh. 

 

 

Kết thúc sự kiện, đại diện 3 trường Đại học Sư phạm gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa đã cùng nhau cam kết tham gia hệ thống các trường đại học Sư phạm để thực hiện dự án “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn”. 

Khuôn viên trường đại học tạo ra một loạt rủi ro riêng cho phụ nữ bao gồm tiếp xúc và trải nghiệm bạo lực như tấn công tình dục, rình rập, bạo lực bạn tình / bạo lực hẹn hò và quấy rối tình dục. 

Bằng chứng trên toàn cầu cho thấy bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề nghiêm trọng tại các trường đại học, ví dụ trong một khảo sát quốc gia cho thấy 51% sinh viên ở Úc đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trong năm 2016 và 6,9% sinh viên từng đối mặt với tấn công tình dục ít nhất một lần vào năm 2015 hoặc 2016. Tại Ai Cập, 70% phụ nữ tại Đại học Cairo từng bị quấy rối tình dục vào năm 2015. Các chuyên gia tin rằng hầu hết các vụ việc đều không được báo cáo.

Việt Nam chưa có số liệu tương tự để so sánh với các nước khác. Tuy nhiên, Nghiên cứu Quốc gia lần 2 về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời dưới tay của chồng hoặc bạn tình. 

 

KA