Phương pháp quản trị fanpage, sử dụng mạng xã hội an toàn

08:11 09/06/2022     2781

3 Chương trình   ​​​​​​​ĐTN: Sáng 08/6, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức Hội nghị Báo cáo viên, tuyên truyền viên quý II năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số, kỹ năng số và phương pháp sử dụng mạng xã hội an toàn”.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Tỉnh đoàn và và trực tuyến 14 điểm cầu nhánh với sự tham gia của hơn 400 đồng chí là cán bộ Đoàn, sinh viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn.

 

 

Tại hội nghị, Báo cáo viên Lê Hồng Đức - Trưởng phòng Giải pháp quảng cáo, Công ty công nghệ Haravan đã chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên về các kỹ năng số ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho sinh viên ứng dụng trong học tập; các thông tin dành cho quản trị viên các trang fanpage của Đoàn về các thủ thuật của facebook, định hướng xây dựng các bài viết trên fanpage, kỹ năng quản trị fanpage của tổ chức Đoàn, góp phần nhằm nâng cao công tác tuyên truyền trong thời gian sắp tới và các kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, hội nghị cũng đã thảo luận và đưa ra các giải pháp để phát huy công tác tuyên truyền, giáo dục trên mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội, cụ thể như:

Tiếp tục phát huy những lợi thế của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, truyền thông hoạt động của Đoàn dựa trên sự học hỏi, kinh nghiệm của các fanpage mà thu hút giới trẻ như Cổng thông tin Trung ương Đoàn, Tuổi trẻ Đồng Nai, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh và một số trang chính thống, tốt đẹp khác. Tận dụng sự kết nối của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiều kinh nghiệm trong công tác phát triển mạng xã hội ở đơn vị, địa phương gắn với việc liên kết các trang cộng đồng.

Đảm bảo tính định hướng, nội dung bài viết đó phải “đúng” và “trúng”. Nội dung phải “đúng” với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của tổ chức Đoàn và “đúng” pháp luật (Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội…), phải xác định được thông tin nào cần tuyên truyền, cần thiết cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, thu hút giới trẻ. Trang mạng xã hội của Đoàn là một kênh tiếp cận và định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, thanh niên; là phương tiện để đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc và nội dung tuyên truyền phải “trúng” đối tượng, “trúng” trọng tâm, “trúng” thời điểm. Điều cần lưu ý để tăng hiệu quả công tác truyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội là sáng tạo “đúng” nội dung và “trúng” đặc tính của các nền tảng mạng xã hội đó.

 

 

Dành thời gian đủ lớn, phù hợp trong việc đầu tư cấu trúc trang, nội dung, hình thức trang mạng xã hội cũng như cập nhật và nâng cao các kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền của Đảng, Đoàn và tập hợp quần chúng, đoàn viên, thanh niên. Cần phải đổi mới, sáng tạo nội dung trên các kênh mạng xã hội của đơn vị, có sự đầu tư hơn về hình thức, tạo sự lôi cuốn, phải thay đổi, đa dạng các hình thức thể hiện để tăng tính sinh động, hấp dẫn, sử dụng các thủ thuật như báo cáo viên vừa chia sẻ gắn với tít bài hay, infographic, trailer, video, khoảnh khắc đẹp, livestream, câu nói truyền cảm hứng, minigame, giveaway, sự kiện, vlog…. Thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động của trang mạng xã hội, từng bài đăng trên các trang để đúc kết những vấn đề cần phát huy và những vấn đề hạn chế để tìm ra những giải pháp phát triển./.
 

Thanh Quang