Phát động Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12

08:53 30/11/2018     2757

3 Chương trình   Web.ĐTN: Sáng 29/11, tại Hòa Bình, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ mít tinh phát động Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12, với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”.

Trao cờ phát động Lễ diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam cho đại diện đơn vị diễu hành.

 

Tại Lễ phát động, Lãnh đạo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) , Bộ Y tế; UBND tỉnh Hòa Bình; Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương thuộc Trung ương Đoàn đã chia sẻ về những thành tựu của ngành DS-KHHGĐ đã đạt được trong thời gian qua, cũng như các thách thức trong công tác tuyên truyền vận động và cung cấp thông tin và các dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Hiện nay, với quy mô dân số gần 95 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 Châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á, trong đó có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm trên 68% dân số).

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan phát biểu khai mạc buổi lễ phát động

 

Đây là nguồn nhân lực to lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đầu tư phát triển giáo dục, y tế và việc làm cho lực lượng lao động trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cốt yếu trong giai đoạn hiện nay.

Theo đồng chí Phó Tổng cục trưởng, vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm dân số từ 10 - 24 tuổi) chiếm khoảng trên 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.

Vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 15/3/2017 phê duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020 với nhiều hoạt động, chương trình, mô hình cụ thể giúp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu cho biết, với vị thành niên, thanh niên - đây là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi trẻ con sang làm người lớn, có nhiều điều các em chưa nhận thức hết được tầm quan trọng cũng như những nguy hiểm mà các em có thể gặp phải.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên thì mọi người đều có ý e dè, né tránh không muốn nhắc đến nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ, trong khi chính đối tượng này lại rất cần được hướng dẫn đầy đủ và sâu sắc.

Cũng đề cập đến thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên tại Việt Nam, bà Phan Thị Lê Mai, Cán bộ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Theo điều tra quốc gia trên 9.768 thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 ở 8 tỉnh và thành phố của Việt Nam cho thấy, thanh thiếu niên vẫn thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có 7.8% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đã quan hệ tình dục trước 15 tuổi và chỉ có 54% thanh thiếu niên có sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai không liên tục là 40.5% trong đó 10,4% là do thất bại của biện pháp tránh thai. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại của nữ độ tuổi 15-24 tuổi là 29.6%. Kết quả điều tra cũng chỉ ra là rất ít vị thành niên tham vấn với cha mẹ và thầy cô giáo trong tìm hiểu thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Theo số liệu báo cáo chính thức của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên.

 

Xe diễu hành trên các tuyến đường chính của thành phố Hòa Bình hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam.

 

Đây là những thách thức rất lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên ở nước ta hiện nay. Do đó, Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam năm nay với chủ đề: “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” với thông điệp chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên không chỉ là việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân còn nhằm các mục đích hết sức thiết thực và to lớn, đó là chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Điều này cần được toàn xã hội, mọi người dân nhận thức và góp phần thực hiện.

Dịp này, Tỉnh Đoàn Hòa Bình đã kêu gọi các bạn đoàn viên thanh niên hãy chủ động tìm hiểu và tự mình chăm sóc sức khỏe cho bản thân, mỗi ĐVTN hãy là một tuyên truyền viên tích cực  để góp phần giúp đỡ, tuyên truyền cho các em đang còn ở lứa tuổi vị thanh niên về vấn đề sức khỏe sinh sản và định hướng cho các em có một lối sống đẹp.

Đồng thời bày tỏ mong muốn gia đình và xã hội hãy thông cảm, chia sẻ, tôn trọng, ứng xử đúng với vị thành niên; hướng dẫn các em trong mối quan hệ xã hội; cung cấp, hỗ trợ để các em tìm hiểu những kiến thức về giới tính/tình dục và sức khỏe sinh sản nhằm giúp các em hiểu đúng về chính cơ thể của mình. Trang bị kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ sức khỏe sinh sản; tạo một môi trường bình đẳng để các em trưởng thành.

Thông qua chương trình, tin tưởng rằng vị thành niên, thanh niên Việt Nam sẽ được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ tốt hơn; sẽ là nguồn nhân lực chất lượng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời gian tới./.

 

Ngọc Tú - Đông Hà