Hội thảo tổng kết và hướng dẫn sử dụng tài liệu vận động “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”

14:16 28/03/2023     2619

3 Chương trình   ĐTN: Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tổ chức UNESCO giai đoạn 2022-2026, Tổ chức UNESCO hỗ trợ Trung ương đoàn thí điểm bộ tài liệu vận động cho Trẻ em và Thanh niên “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”.

Sau thời gian thí điểm, sáng 28/3, Trung ương Đoàn phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức Hội thảo tổng kết và hướng dẫn sử dụng tài liệu vận động.

Hoạt động được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại điểm cầu chính tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Hà Nội có Bà Miki Nozawa, Trưởng phòng giáo dục, Văn phòng Unesco Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm TTN Trung ương, đại biểu các Tỉnh đoàn và các đại biểu dự trực tuyến tại 5 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Kontum, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

 

Điểm cầu chính tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Hà Nội

 

Trong những năm qua đại dịch COVID-19 diễn ra với quy mô toàn cầu, đã và đang tác động nặng nề và những thách thức chưa từng có không chỉ đối với lĩnh vực Y tế mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội, giáo dục. Đại dịch đã khiến cho các trường học đóng cửa và gây ra sự gián đoạn học tập lớn nhất trong lịch sử. Chỉ riêng tại Việt Nam, đại dịch đã ảnh hưởng tới việc học tập của khoảng 21 triệu trẻ em. Nhằm kêu gọi bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo trẻ em gái không ngừng học tập cũng như thúc đẩy các em trở lại trường học một cách an toàn khi trường học mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) triển khai thí điểm bộ tài liệu vận động cho Trẻ em và Thanh niên “Vì tương lai có trẻ em gái: Công cụ cho nhà vận động trẻ” – Đây là bộ tài liệu do Liên minh Giáo dục toàn cầu của UNESCO phát hành năm 2020.

 

 

Cũng tại Hội thảo, Bà Phạm Thị Thanh Mai, Học viện TTN Việt Nam giới thiệu về Bộ tài liệu vận động, nêu bật những nội dung được trẻ em tại các tỉnh đã tiếp cận, ứng dụng vào từng địa phương, vùng miền. Những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong vận động lãnh đạo, chính quyền địa phương tham gia vận động trẻ em quay trở lại trường học cũng được bà Hoàng Tường Vi, đại diện Tỉnh đoàn Hà Giang chia sẻ tại hội thảo. Bà Hoàng Tường Vi khẳng định với trẻ em, cha mẹ - người chăm sóc là người rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến việc quay trở lại trường của các em.

 

Điểm cầu tại tỉnh Hà Giang

 

Còn Ông Huỳnh Kiều Ánh, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Ninh Thuận chia sẻ những bài học kinh nghiệm của tỉnh khi vận động cha mẹ, người chăm sóc trẻ cho trẻ em quay trở lại trường học. Để đóng góp cho sự thành công vận động trẻ quay trở lại lớp, không thể không nhắc đến các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ đoàn. Bên cạnh đó, Ông Huỳnh Quốc Quy, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Đoàn Sóc Trăng đưa ra bài học kinh nghiệm của thầy, cô giáo, cán bộ đoàn trong vận động trẻ em quay trở lại trường học...

 

Điểm cầu Ninh Thuận, Sóc Trăng

 

Hội thảo đã tập trung 4 mục tiêu lớn để tiếp tục thảo luận, rút ra kinh nghiệm trong những năm tiếp theo như: Công tác phối hợp giữa Đoàn Thanh niên và Ngành giáo dục tại địa phương trong việc triển khai hoạt động vận động đưa trẻ em quay trở lại trường học; Sự tham gia, sự hỗ trợ của nhà trường trong thực hiện các chính sách giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái tại các vùng dân tộc thiểu số, các địa phương có hoàn cảnh khó khăn; Các hoạt động vận động tại cộng đồng khi trẻ em trở về địa phương được thực hiện như thế nào để khuyến khích trẻ em quay trở lại trường học; Bài học kinh nghiệm làm sao để các bài đăng thu hút được đông đảo sự tham gia của cộng đồng./.

 

Thanh Nga - Ngọc Tú