Đừng lơ là khi để trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
08:53 13/01/2025 115
3 Chương trình Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 có quy định rõ, trẻ em dưới 16 tuổi khi đăng ký tài khoản mạng xã hội phải đăng ký bằng thông tin của cha mẹ. Cha mẹ cần giám sát, kiểm soát nội dung của con trên mạng xã hội.
Cần bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Theo chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, quy định này là cần thiết. Bởi lẽ trẻ em dưới 16 tuổi đang trong giai đoạn phát triển cả về thể chất, tâm lý, chưa có sự chín chắn, đầy đủ về mặt suy nghĩ, nhận thức, tư duy, thái độ… nên dễ bị ảnh hưởng, học đòi, bắt chước, làm theo những gì không tích cực trên mạng xã hội.
"Trên mạng xã hội có những nội dung không được kiểm soát. Không ít bài viết, hình ảnh, video về bạo lực, khiêu dâm, thông tin sai lệch. Để rồi hệ lụy đã xảy ra, một bộ phận trẻ em dưới 16 tuổi bị ảnh hưởng bởi các điều không tốt trên mạng xã hội, có những hành vi vượt khỏi chuẩn mực xã hội, làm những điều vi phạm quy tắc đạo đức. Trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, cũng phải đối diện với những rủi ro bủa vây như: có thể trở thành nạn nhân của áp lực xã hội, bị xâm phạm quyền riêng tư, vấn nạn lừa đảo… Chính vì thế, phụ huynh không được lơ là, thả lỏng việc sử dụng mạng xã hội của con", chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến phân tích.
Cha mẹ cần giám sát, kiểm soát nội dung của con trên mạng xã hội
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), cho rằng trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội có một số lợi ích nhất định. Như mạng xã hội là kênh giúp tiếp cận nhiều bài học bổ ích về đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm. Là kênh giải trí phong phú, đa dạng thể loại từ hoạt hình, phim truyện, đến ca múa nhạc, ảo thuật…
Mạng xã hội cũng giúp trẻ em học và nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cần thiết… Tuy nhiên, mạng xã hội có nhiều nội dung xấu, độc hại có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi của trẻ em. Nhiều nội dung mang tính xuyên tạc, cổ súy cho các hành động dại dột. Đặc biệt, khi sử dụng mạng trong thời gian quá dài, không kiểm soát… thì có thể dẫn đến tình trạng "nằm dài trên mạng", gặp các bệnh về mắt, gây căng thẳng, thiếu ngủ, thậm chí gây ra tình trạng mệt mỏi, trầm cảm, cô đơn, ngại tiếp xúc giao tiếp với người khác.
đồng chí Nguyễn Tuấn Anh khuyên: "Phụ huynh cần trang bị cho con cái, những trẻ em dưới 16 tuổi các kỹ năng cần thiết cũng như thái độ, trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội".
Tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) nói: "Cần tạo "tấm lá chắn" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn. Phải hướng dẫn trẻ em các kỹ năng nhận diện được tính hai mặt của mạng xã hội. Phải giúp trẻ em biết được những cái tích cực, nhận diện được những nguy cơ để biết phòng tránh. Từ đó, giảm thiểu những tác hại, hậu quả có thể xảy ra nếu sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, cần hướng dẫn trẻ em cách kiểm soát thời gian, những nội dung nào thì nên tìm hiểu, hội nhóm nào thì có thể tham gia, cách nhận diện những tin giả…".
Thạc sĩ Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency (thành phố Hồ Chí Minh), cho biết từng thực hiện cuộc khảo sát, và kết quả cho thấy có nhiều trẻ em thừa nhận sử dụng cùng lúc 4 - 5 mạng xã hội, hay sử dụng mạng xã hội đến 10 tiếng đồng hồ/ngày. "Nếu như vậy thì không còn thời gian để học tập. Thế nên phụ huynh cần giám sát nội dung của con trên mạng xã hội. Bên cạnh đó phải kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội của con".
Em Võ Trần Quốc Việt, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), chia sẻ bản thân có sử dụng mạng xã hội, nhằm để trao đổi tài liệu học tập và trò chuyện với bạn bè, giải trí sau những khoảng thời gian học tập áp lực. Việt bày tỏ: "Em mong là phụ huynh có những động thái giúp nâng cao nhận thức, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng xã hội đúng cách, có trách nhiệm và có văn hóa".
Bà Cao Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Hà Lộc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), chia sẻ: "Cần khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý và có trách nhiệm. Như ở trường tôi thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các khóa học về an toàn mạng và những vấn đề liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả đối với học sinh. Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi cũng được quản lý, giám sát chặt chẽ từ phụ huynh, nhà trường".
Để tránh trường hợp trẻ em lén tạo tài khoản mạng xã hội
Theo chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến, để tránh trường hợp trẻ em tìm các "chiêu" để có thể lách quy định của Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm thoải mái sử dụng mạng xã hội thì cần áp dụng những kỹ thuật, cách thức, phương pháp, công nghệ. Chẳng hạn như áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt sử dụng trí tuệ nhân tạo để ước tính độ tuổi người dùng dựa trên hình ảnh, đảm bảo tính chính xác cao trong việc phân biệt trẻ em và người trưởng thành… Khi đó, trẻ em dưới 16 tuổi sẽ không thể nào tự tạo tài khoản mạng xã hội.
Trẻ dưới 16 tuổi khi đăng ký tài khoản mạng xã hội phải sử dụng thông tin của cha mẹ
Thạc sĩ Lê Anh Tú cũng cho rằng các trang mạng xã hội cần có biện pháp thích hợp nhằm theo dõi, sàng lọc và ngăn chặn việc đăng ký, đăng nhập tài khoản, những thông tin trên mạng xã hội có dấu hiệu khả nghi. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tác hại của mạng xã hội đến trẻ em.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nói: "Thực tiễn hiện nay có những thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện Nghị định 147/2024/NĐ-CP. Chẳng hạn trẻ em có thể khai gian tuổi để vượt qua các quy định. Hiện nay, hầu hết các nền tảng mạng xã hội chỉ yêu cầu nhập ngày sinh mà không có công cụ xác thực mạnh mẽ. Cũng rất khó giám sát vì trẻ em có thể sử dụng tài khoản của người lớn, hoặc mượn thiết bị của bạn bè để truy cập. Việc theo dõi toàn bộ hoạt động mạng xã hội của trẻ em là không dễ, đặc biệt với những gia đình không đủ kiến thức hoặc công cụ công nghệ…".
Vì lẽ đó, Tiến sĩ Hà Thanh Vân, cần có những giải pháp để việc thực hiện Nghị định 147/2024/NĐ-CP hiệu quả. "Đó là yêu cầu các công ty công nghệ tích hợp công cụ xác minh độ tuổi thông qua giấy tờ (căn cước công dân, hộ chiếu) hoặc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Giáo dục phụ huynh và trẻ em, giúp nâng cao nhận thức về tác hại của mạng xã hội nếu không được sử dụng đúng cách. Khuyến khích phụ huynh quản lý thời gian và nội dung mà con tiếp cận. Cung cấp các hoạt động thay thế như tạo điều kiện để trẻ em tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao, và giao lưu trực tiếp để giảm nhu cầu sử dụng mạng xã hội. Áp dụng công nghệ giám sát như sử dụng các ứng dụng (app) kiểm soát của phụ huynh (parental controls) để giới hạn thời gian và nội dung truy cập mạng xã hội của con cái…".
Theo Thanh Niên Tweet