Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu niên

17:37 20/04/2022     6738

3 Chương trình   ĐTN: Sáng 20/4, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu niên và góp ý Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII trong khối các Cung, Trung tâm Thanh thiếu niên khu vực phía Bắc bằng hình thức trực tuyến

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính là đồng chí Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương cùng đại diện một số Ban, đơn vị Trunng ương Đoàn; các chuyên gia về công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội; đại diện các các Cung, Trung tâm Thanh thiếu niên khu vực phía Bắc.

 

Các đồng chí chủ trì hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương cho biết: Trong những năm qua tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX đã phát động hai phong trào lớn đó là: Phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" trong đó có nội dung đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: Các hoạt động đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội là nội dung hoạt động mới của các cấp bộ đoàn để đáp ứng nhu cầu của thanh niên trước yêu cầu, đòi hỏi của quá trình phát triển. Thông qua đó, nhận thức của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên về vai trò của kỹ năng xã hội trong bối cảnh hội nhập đã từng bước được nâng cao. Đoàn đã bước đầu xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt trong phát triển kỹ năng xã hội cho đoàn viên thanh thiếu niên. Các lớp huấn luyện, trại huấn luyện kỹ năng xã hội với nhiều mô hình mới, sáng tạo đã thu hút được sự quan tâm của thanh thiếu niên và xã hội, giúp thanh niên hình thành các kỹ năng cần thiết trong học tập, lao động, giao tiếp và hoạt động xã hội. Nhiều mô hình giáo dục kỹ năng đã có kết quả tích cực, được xã hội thừa nhận. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều loại hình hoạt động, sân chơi, cuộc thi bổ ích để thanh thiếu niên rèn luyện các kỹ năng cơ bản như thuyết trình, tư duy độc lập, làm việc nhóm…

Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, tiếp tục đề ra một trong nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, là triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp bộ Đoàn; các thiết chế văn hóa của Đoàn (các Cung, Trung tâm, Nhà thiếu nhi)1 đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giải quyết các vấn đề, làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập, nâng cao thái độ tích cực của thanh niên trong học tập, lao động, cuộc sống… với phương thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi.

 

 

Tuy nhiên các hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu niên trong thời gian qua còn thiếu đồng bộ, chưa có khung giáo trình đào tạo chuẩn chung; đội ngũ hướng dẫn viên; hướng dẫn viên nòng cốt còn thiếu, chưa thường xuyên được đào tạo; việc tổng kết và nhân rộng các mô hình, cách làm hay còn hạn chế; thiếu môi trường để thanh thiếu niên tham gia học tập, sinh hoạt. Bên cạnh đó hệ thống thiết chế văn hóa do tổ chức Đoàn quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế. Hệ thống thiết chế văn hóa ở nhiều nơi trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp; về tên gọi, cơ cấu tổ chức chưa thống nhất; nội dung hoạt động còn nghèo nàn…đội ngũ cán bộ thiếu những người có năng khiếu, chuyên môn giỏi, đặc biệt là trong giáo dục kỹ năng xã hội cho thanh thiếu niên.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương thảo mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ Cung, Trung tâm Thanh thiếu niên và các đại biểu; các tổ chức xã hội; quý vị đại biểu cùng thảo luận đánh giá thực trạng công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội của các thiết chế văn hóa do tổ chức Đoàn, Hội quản lý hiện nay, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là đề xuất giải pháp nâng cao công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu niên trong thời gian tới thông qua các phương pháp, mô hình mẫu như mô hình kỹ năng số, mô hình câu lạc bộ... đặc biệt là góp ý vào đánh giá kết quả chương trình công tác Đoàn nhiệm kỳ vừa qua và bổ sung vào chương trình công tác, phương hướng nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đồng thời đề xuất các giải pháp, phương pháp tiếp cận, giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hội nhập nhập và kỷ nguyên số.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn phát biểu tại hội thảo

 

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống trên mạng xã hội được thanh thiếu niên quan tâm

Tại hội thảo các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận, đề xuất các giải pháp về công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu niên hiện nay và tham gia thảo luận, trao đổi, góp ý vào Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Đối với công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu niên nhiều đại biểu cho rằng trong giai đoạn hiện nay cần tăng cường công tác giáo dục lịch sử, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trên các nền tảng mạng xã hội được thanh thiếu nhi quan tâm hiện nay như mạng xã hội Facebook, Tiktok... Giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên cần chia ra từng độ tuổi phù hợp với các đối tượng. Hiện nay, sau khoảng thời gian học online quá lâu do ảnh hưởng dịch covid 19, tâm sinh lý nhiều học sinh cũng bị ảnh hưởng nhất định, ảnh hưởng của mạng xã hội làm cho các em học sinh bắt “trend” theo các trào lưu xấu như tự tử, nói tục chửi bậy... Đại biểu đề nghị cần phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các đối tượng truyền thông ảnh hướng không tốt đến học sinh; đề xuất có kênh tiếp cận giới trẻ mời những nhân vật có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ...

Đại biểu đại diện Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình cho rằng giáo dục kỹ năng sống là yêu cầu cấp thiết đối với thanh thiếu niên hiện nay. Thanh thiếu niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là người quyết định sự phát triển của đất nước. Hiện nay thanh thiếu niên đang thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản do điều kiện cuộc sống; do được nâng niu, chiều chuộng, làm thay cho con cái của các bậc phụ huynh. Nhiều bạn trẻ do thiếu kỹ năng sống nên dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, lối sống ích kỷ, thực dụng, phát triển lệch lạc về mặt nhân cách. Việc trang bị cho các em về kỹ năng thực hành là cần thiết, giúp các em có nhận thức và trải nghiệm để hình thành nên nhân cách, lý tưởng sống, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình cộng đồng và đất nước.

 

 

Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập

Đại biểu Vũ Huy Thiêm, Giám đốc Công ty Robotics - Singapore cho rằng cần tăng cường công tác giáo dục kỹ năng thực hàng xã hội cho thanh thiếu niên hiện nay bằng mô hình kỹ năng số, năng lực số đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Anh Vũ Huy Thiêm thông tin Việt Nam đang từng bước có những chính sách cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020) trong đó có những mục tiêu quan trọng đến năm 2025 như: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% chế độ báo cáo của Chính phủ đều trực tuyến và số hóa; Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử... Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhất trong khối ASEAN về lao động việc làm do chuyển đổi số với 70% người lao động ở các ngành nghề cơ bản bị ảnh hưởng. Bối cảnh đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam một thách thức lớn trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy có vai trò thúc đẩy giáo dục mở, giúp hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục kỹ năng thực hành xã hội nói riêng đạt hiệu quả cao hơn. Người dạy và học dễ dàng thu thập, tổng hợp, lưu trữ được lượng kiến thức phong phú đa dạng và được cập nhật thường xuyên. Đồng thời mang lại sự tiện lợi bởi không gian và thời gian học tập nghiên cứu linh động. Tạo thúc đẩy phát triển năng lực cá nhân; đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng nhanh với công việc trong tương lai.

Anh cho rằng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập hay nói cách khác việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ là nền tảng để cung ứng được nguồn nhân lực dồi dào có chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường hiện nay./.

 

Thanh Nga