Bình Phước: Giữ hồn nhạc ngũ âm trong trường học
08:08 13/05/2022 2702
3 Chương trình ĐTN: Câu chuyện bảo tồn dàn nhạc ngũ âm của người Khmer không chỉ giới hạn trong phum, sóc, trong những lễ hội đặc trưng mà hiện nay đang được các trường học, các em học sinh nỗ lực gìn giữ và phát huy.
Nhạc ngũ âm là một loại hình mang đậm tính chất tín ngưỡng, gắn liền với nghi lễ và đời sống sinh hoạt của người Khmer. Với âm thanh trầm bổng, nhạc ngũ âm đã làm cho những điệu múa của đồng bào Khmer thêm uyển chuyển, cũng như góp phần tạo nên nét riêng, sinh động của âm nhạc truyền thống, khiến người xem say mê lạ thường.
Âm nhạc kết nối học sinh
Đang say mê với những động tác nhuần nhuyễn, uyển chuyển trong dàn nhạc ngũ âm, em Lâm Thị Mỹ Nhường (dân tộc Khmer), học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) - THCS Lộc Ninh hào hứng cho biết, em thích nhạc ngũ âm từ khi còn nhỏ. Uớc mơ nay đã trở thành hiện thực khi nhà trường đã triển khai truyền dạy cho chúng em. Vào những ngày lễ, tết, lễ kỷ niệm của trường, em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi được cùng các bạn trình diễn nhạc ngũ âm trong các chương trình văn nghệ. Mỹ Nhường chia sẻ: “Em nghĩ ngoài năng khiếu, điều đặc biệt là phải siêng năng tập luyện. Chúng em thuộc các khối lớp khác nhau và dù đã thành thạo hay chưa, chúng em vẫn cố gắng học hỏi và luyện tập thật tốt”.
: Đội nhạc ngũ âm Trường phổ thông DTNT-THCS Lộc Ninh trong một tiết học nhạc - Ảnh: Trương Hiện
Em Nguyễn Ngân Khánh (dân tộc Mường), học sinh cùng trường với Mỹ Nhường chia sẻ: Tham gia đánh nhạc ngũ âm ở trường dù chỉ thời gian ngắn nhưng em cảm thấy rất vui khi bản thân được góp một phần công sức trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer. “Thường sau giờ tan học và vào buổi tối, em và các bạn dành khoảng 30 phút để tập bài mới, ôn luyện bài cũ. Không gian sinh hoạt, học tập nội trú khá thuận lợi để chúng em thực hành. Thầy cô cũng luôn tạo điều kiện để em học tập” - Ngân Khánh chia sẻ thêm.
Ở Trường phổ thông DTNT-THCS Lộc Ninh, mỗi em nhận chơi một loại nhạc cụ trong dàn ngũ âm, nhưng các em đều biết cách phối hợp ăn ý với nhau ở mỗi bài hát, cũng như hiểu được cách hòa phối ghép bài của mỗi loại nhạc cụ. Trong những buổi biểu diễn hoặc luyện tập, dù ở khối lớp khác nhau, dù là dân tộc khác nhau nhưng các em có một điểm chung là yêu thích nhạc ngũ âm và cùng gắn kết để truyền lửa cho những thế hệ sau. Các em tự chỉ dẫn cho nhau cách chơi đàn bằng tất cả niềm đam mê.
Phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống
Năm học 2015-2016, Trường phổ thông DTNT-THCS Lộc Ninh được trang bị đầy đủ bộ nhạc ngũ âm với các loại nhạc cụ chính thuộc 5 nhóm âm thanh là đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Ngoài quy tụ đầy đủ bộ nhạc, dàn nhạc ngũ âm còn có thể kết hợp thêm sáo trúc, bộ gõ, đàn kéo dây… Vì vậy, ngoài chơi những bài hát của người Khmer, các em còn tập những bài hát khác về đất nước, con người Việt Nam. Thầy và trò của trường cũng được một số nghệ nhân ở Trà Vinh đến dạy nhạc ngũ âm, múa lâm thôn.
Đội nhạc ngũ âm của trường biểu diễn tại buổi lễ khánh thành công trình xây dựng Trường Phổ thông DTNT-THCS Lộc Ninh
Nghệ nhân Thạch Anh Xuân, tỉnh Trà Vinh cho biết, muốn chơi được nhạc cụ này phải luyện tập và có niềm yêu thích âm nhạc truyền thống, bởi cái khó của nhạc ngũ âm là người học phải tập luyện thường xuyên. Ít nhất từ 3 tháng đến 1 năm mới có thể chơi được các điệu cơ bản. Nghệ nhân Thạch Anh Xuân nhấn mạnh: “Nhạc ngũ âm là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer. Nhiều em tuy tuổi còn nhỏ nhưng rất đam mê âm nhạc của dân tộc mình. Thời gian đào tạo nhạc cụ truyền thống đến 3, 4 năm nên các em sẽ tận dụng để học và biểu diễn nhạc cụ, các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer càng nhiều càng tốt”.
Đến nay, Trường phổ thông DTNT-THCS Lộc Ninh đã dạy thành công 4 khóa nhạc ngũ âm. Mỗi khóa có từ 3-4 đội nhạc. Đội nhạc khoảng 15 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Bên cạnh đội chơi chính, đội chơi nhạc của trường đến nay đã thu hút rất nhiều học sinh yêu thích nhạc ngũ âm đăng ký tham gia. Trường cũng rất chú trọng khuyến khích các em tham gia và duy trì dàn nhạc ngũ âm. Bên cạnh đó, trường cũng tạo điều kiện để con em đồng bào Khmer phục vụ trong những dịp lễ lớn của trường như: Lễ khai giảng, kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, các lễ hội truyền thống của người Khmer. Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên phụ trách phong trào văn nghệ của trường cho biết: “Ngoài hướng dẫn của các nghệ nhân theo định kỳ, giáo viên cũng sắp xếp thời gian để hướng dẫn các em. Đối với các em, tiếng nhạc ngũ âm như ngấm vào tâm hồn nên lúc nào cũng hăng say tập luyện”.
Ngày nay, đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng sức sống của nhạc ngũ âm không vì thế mà mất đi, ngược lại luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Những nỗ lực bảo lưu, duy trì loại hình nhạc ngũ âm của người Khmer trong trường học nói riêng là điều đáng ghi nhận, bởi nhạc ngũ âm không đơn thuần chỉ là âm nhạc, đó còn là giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, cần được lưu giữ và phát huy.
Lê Khá Tweet