Ý tưởng kinh doanh độc đáo từ cây tre của Start-up đất Tổ
15:32 26/03/2020 7350
3 Chương trình Web.ĐTN: Sinh ra và lớn lên tại vùng trung du Đất Tổ Vua Hùng (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), anh Nguyễn Anh Văn mơ ước sẽ làm nên nghiệp lớn ngay tại nơi chôn rau cắt rốn của mình và anh đã chọn cây tre để khởi nghiệp.
Văn luôn khao khát được cống hiến hết khả năng, trí tuệ của mình để làm được điều gì đó tốt đẹp cho xã hội, và anh đã xác định chỉ có con đường kinh doanh mới giúp bản thân đạt được những điều đó.
Sản phẩm gia dụng làm từ tre của BamBamBo
Trước khi bén duyên với các sản phẩm làm từ tre, Văn đã tham gia đồng sáng lập Công ty cổ phần nông nghiệp An Tâm cung cấp thực phẩm sạch cho hệ thống bếp ăn bán trú các trường học và siêu thị trên địa bản tỉnh nhà trước cả khi đã tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội. Sau quãng thời gian hơn 3 năm, Văn nhận ra mình cần phải có sự trưởng thành hơn nữa, vượt qua nhiều đỉnh cao hơn của sự nghiệp, anh đã quyết định chuyến hướng kinh doanh với các sản phẩm đồ gia dụng làm từ tre thân thiện môi trường thay thế đồ nhựa.
Đây là quyết định không mấy bất ngờ đối với Văn. Bản thân là người có mục tiêu trong cuộc sống, nhất là kinh doanh. Bởi để quyết định kinh doanh lĩnh vực gì, anh đều phải đặt ra mục tiêu về tài chính (đơn giản hơn là lợi nhuận). Tuy nhiên, Văn đã tìm kiếm được nhiều hơn ở cây tre những giá trị cao cả còn hơn cả lợi tức kinh doanh. Đó là trách nhiệm với môi trường sống, tư duy sống tích cực, sự sáng tạo, ý chí mạnh mẽ, giá trị truyền thống dân tộc,… anh gọi chung là Tinh Thần Tre Việt.
Sự khởi đầu bao giờ cũng gian nan. Trước hết là việc khảo sát nhu cầu của thị trường. Văn nhận thấy tiềm năng vô cùng lớn khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, trong đó xuất khẩu các sản phẩm tre nứa chỉ đạt 250 triệu USD/năm, còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước. Chưa kể tiềm năng thị trường nội địa, người dân ngày càng ý thức sử dụng cá sản phẩm thân thiện môi trường có nguồn gốc tự nhiên, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giảm tải rác thải nhựa. Đây là thời cơ vô cùng thuận lợi để đón trước dòng nhu cầu thị trường.
Điều may mắn đầu tiên là gia đình Văn đã có kinh nghiệm trong sản xuất lồng chim bằng tre gần 2 năm. Do đó kinh nghiệm sản xuất và xử lý nguyên liệu đã được định hình. Những tháng đầu tiên, anh đã lặn lội đi tìm kiếm vùng nguyên liệu cho sản xuất, học hỏi kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất ở Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình, cho đến tham khảo ý kiến các chuyên gia tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng – Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam là người đã hướng dẫn và giúp đỡ Văn rất nhiều. Quá trình này rất khó khăn khi ban đầu không thu được kết quả, nguyên liệu tốt phải đi sâu vào vùng rừng núi. Nhưng rất may sau đó anh đã nhận được sự giúp đỡ và chia sẻ rất nhiệt tình của các chủ cơ sở có sản xuất các sản phẩm tương tự. Văn nhận ra một điều quan trọng: tinh thần “TRE” đây rồi, thương trường khốc liệt nhưng mọi người vẫn đoàn kết chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm cả về sản xuất và thương trường.
Mặc dù việc sản xuất ban đầu rất khó khăn, do xa vùng nguyên liệu, nhân công chưa có tay nghệ, trang thiết bị còn hạn chế, nhưng anh đã cố gắng bằng khả năng sáng tạo và sự cần cù của mình để đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, ngoài các sản phẩm trực tiếp sản xuất, BamBamBoo còn thuê các cơ sở khác gia công các sản phẩm theo yêu cầu mẫu mã và chất lượng định sẵn. Điều này giúp BamBamBoo đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Trong thời gian tới, Văn sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu đối với BamBamBoo, tích cực đẩy mạnh truyền thông quảng bá sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối.
Để đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất, chiến lược của BamBamBoo là phát triển thương mại đi trước sản xuất. Giai đoạn 1 Văn dành phần lớn đầu tư cho thuê gia công sản phẩm thay vì trực tiếp sản xuất nhằm tận dụng kinh nghiệm sản xuất của các đơn vị gia công, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Giai đoạn 2, sau khi đã có nguồn khách hàng ổn định sẽ tiến hàng trực tiếp sản xuất để nâng cao giá trị hàng hóa, chủ động về lượng hàng và chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, trong tháng 3/2020, anh được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm của Tỉnh đoàn Phú Thọ với số tiền là 75 triệu đồng và được Tỉnh đoàn Phú Thọ lựa chọn là 01 trong 05 dự án dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu của đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh gửi về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ để xem xét, hỗ trợ phát triển dự án.
Trong thời gian tới, dự án BamBamBoo của Văn sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm decor và đồ gia dụng tre cao cấp phục vụ nhà hàng, khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng và hướng tới xuất khẩu. Đây là hướng đi mới vừa nâng cao giá trị của cây tre Việt, vừa thân thiện với môi trường. Văn tin tưởng rằng BamBamBoo sẽ tiến xa với cả thị trường trong nước và thế giới.
Đoàn Phương, TĐ Phú Thọ Tweet